Người K’Ho đổi đời

Khuynh Diệp Thứ sáu, ngày 01/01/2016 06:00 AM (GMT+7)
Xã Ka Đô của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã được công nhận xã nông thôn mới (NTM). Góp phần tạo nên kết quả này có sự tham gia hiệu quả của các chương trình vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Bình luận 0

Nhiều hộ thoát nghèo

Gia đình chị Ma Khoan, người dân tộc K’Ho, ở thôn Ka Đô Mới I, xã Ka Đô trước đây là hộ đói nghèo. Để hỗ trợ vợ chồng Ma Khoan tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững, năm 2014 Ngân hàng CSXH cho chị vay 30 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản. Hiện 1 con bò sắp đẻ.

Không chỉ nuôi bò, gia đình Ma Khoan còn năng động phát triển trồng gừng, rau màu, cà phê. Đến nay nhà Ma Khoan đã thoát nghèo, đang có cơ hội ăn nên làm ra. Ngoài ra, Ma Khoan còn được vay chương trình tín dụng học sinh-sinh viên (HSSV) cho con trai theo học khoa Cộng đồng Trường Đại học Đà Lạt.

img

Chị Touh Nai Liêm (thôn Ka Đô Mới II, xã Ka Đô) chế biến thức ăn xanh cho đàn bò sữa. Ảnh: Khuynh Diệp

Thấy Ma Khoan năng nổ lại có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, chị được 54 hộ thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) bầu làm tổ trưởng. Hiện tổ TKVV của chị đang thực hiện 8 chương trình tín dụng, đến tháng 12.2015 dư nợ đạt 1,7 tỷ đồng. 

Ma Khoái là thành viên tổ TKVV của tổ Ma Khoan được vay lồng ghép 3 chương trình tín dụng với tổng số tiền 73 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn HSSV, con trai Ma Khoái là So A Lơi sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao TP.HCM được Sở Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp nhận làm việc...

“Đồng vốn ưu đãi đã giúp nhiều hộ đồng bào K’Ho như Ma Đêu, So Hao Dần, Ma Luận, So Hao Hoài, Ma Dần… trong tổ của tôi thoát nghèo trước cả thời gian đăng ký phấn đấu với cộng đồng... Đời sống đồng bào đã đổi mới, vừa thoát nghèo, một số hộ vươn lên khá giả, con cái được học hành và có việc làm” – chị Ma Khoan bày tỏ…

Nông thôn mới ở vùng sâu

"  Tính đến hết năm 2015 dư nợ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Đơn Dương ủy thác qua Hội ND đạt 74,425 tỷ đồng với 3.679 hộ vay. Nguồn vốn từ 9 chương trình tín dụng chính sách đã góp sức không nhỏ đưa Đơn Dương trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng”.
Ông Lê Hữu Túc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương

 Ngoài tham gia giảm nghèo bền vững, hoàn thiện các tiêu chí NTM về vệ sinh môi trường, nước sạch, giáo dục… vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH còn giúp nông dân xã Ka Đô chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Gia đình Touhen Nai Liêm được bà con xã Ka Đô vinh danh như một điển hình trong việc sử dụng vốn ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. Với 60 triệu đồng vốn ưu đãi, vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân, vợ chồng chị đã chuyển 0,7ha trồng màu sang trồng cỏ và bắp lai để nuôi bò sữa.

Nhờ trồng được cỏ chất lượng nên giảm đáng kể chi phí mua thức ăn công nghiệp. Mỗi ngày nhà chị vắt được 50 lít sữa bò, giá bán ổn định 14.000 đồng/lít. Bắp lai, mỗi vụ ngoài bán trái được hơn 20 triệu đồng thì tất cả các bộ phận trừ gốc rễ đều đưa vào máy chế biến thức ăn cho bò... Ngoài nuôi bò sữa, vợ chồng chị Nai Liêm đang đầu tư nuôi gà rừng lai, xây bể nuôi lươn và trồng hoa lan. Chị thổ lộ: “Vốn ưu đãi của Nhà nước làm cho đồng bào K’Ho ưng cái bụng lắm. Hộ nào cũng gắng sức học hỏi làm ăn, thoát nghèo và tiến tới khá giả…”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem