- Quả vải ăn đã đành, lá vải ai mua làm gì?
- Ấy thế mà có người về mua để xuất sang Nhật Bản đấy.
- Sắc uống chống phóng xạ?
- Đã bảo không biết, tự dưng có người về ứng tiền mua 800-1.000 đồng/kg thì bán. Không bán thì lá vải chát xin xít, tỉa xuống chỉ làm hỏng vườn.
- Vụ này vải đang ra lộc, ra hoa, tỉa lá làm chột cây. Ái chà chà! Cẩn thận không khéo lại bị lừa như vụ thu mua ốc bươu vàng, đỉa, mèo…
- Có hồi lái buôn ở bên kia biên giới sang mua cây sim. Thế là “Những đồi hoa sim- Dài trong chiều không hết- Rừng tím hoa sim- Tím chiều hoang biền biệt” bị tận diệt. Thơ mà bị diệt là tâm hồn bị bán rẻ…
- Thôi xin các ông cất thơ vào tủ kính hộ. Vấn đề là chính quyền các cơ quan chức năng có quan tâm đến mặt trái của các cuộc mua bán này không?
- Bác Trưởng phòng Kinh tế Lục Ngạn nói thu mua lá vải thiều không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên cũng chưa kiểm tra.
- Có kiểm tra thì lá cây vườn nhà người ta, muốn bán cho ai thì bán. “Của chị chị giữ, ai mò mặc ai”.
- Lá vải là chuyện “con thỏ”. Cà phê Tây Nguyên năm nay thương lái nước ngoài sang mua giá cao, bà con không bán cho các công ty cà phê của ta, họ chở thẳng sang bên Tàu tiêu thụ.
- Thì cà phê Buôn Ma Thuột bị họ tranh mất thương hiệu từ lâu rồi.
- Làm ăn với ông anh to khó chịu quá nhỉ.
- Chả cứ làm ăn, mua nhà để ở như vụ Keng Nam Hà Nội còn rắc rối to, đến mức khóa thang máy và cầu thang thoát hiểm để gây sức ép. Lơ mơ các vệ sĩ họ giở võ Kungfu là “chờ được vạ má đã sưng”.
Cụ lão nông nãy giờ mới thủng thẳng:
- Chờ vụ lá vải này đen trắng ra sao đã. Họ mới mua gửi đấy đã chở đi tiêu thụ đâu.
- Mình vào WTO rồi, kiện lên quốc tế chứ cụ?
- Kiện phải theo luật. Nông dân mình cứ thấy có lợi là làm, có hiểu luật liếc gì đâu. Có trách là trách các bác lãnh đạo, không đi sát quần chúng để kịp thời ngăn chặn hậu họa. Nói dại, năm nay Lục Ngạn mất mùa vải là sẽ có anh “ngư ông đắc lợi” ngay cho mà xem…
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.