Là đại biểu duy nhất không “bấm nút” thông qua việc tách huyện Từ Liêm (Hà Nội) thành 2 quận mới, cuối tháng 1.2014, ông Nguyễn Hữu Kiên - đại biểu HĐND huyện Từ Liêm lần thứ hai nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ với nội dung giao Bộ Nội vụ trả lời các kiến nghị của ông.
Trên số báo Tân niên (ra ngày 8.2), phóng viên NTNN đã có cuộc phỏng vấn “ông hội đồng” Nguyễn Hữu Kiên về quyết định không bấm nút của ông. Ngày 11.2, phóng viên tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Kiên.
Ngày 31.12.2013, ông nhận được trả lời của Bộ Nội vụ, trong khi Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 132 ngày 27.12.2013 về việc điều chỉnh địa giới Từ Liêm thành 2 quận. Điều gì khiến ông phải gửi kiến nghị tới Thủ tướng lần hai?- Trước hết, đó là niềm tin mà chính Thủ tướng đã truyền cho tôi qua thông điệp đầu năm 2014 và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp xây dựng pháp luật cuối năm 2013, đại ý: Xã hội phải tiến tới ngày càng minh bạch. Thực tế niềm tin này đã hình thành trước đó, từ khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì làm rõ những kiến nghị của tôi trước khi ra quyết định cuối cùng.
Thứ hai, đó là cá tính và cam kết với cử tri. Tôi không phải là đại biểu thu mình làm người “đưa thư chuyên nghiệp” mà sẽ đeo bám, đôn đốc, cung cấp tài liệu đầy đủ để giải quyết thấu đáo và đi đến tận cùng vấn đề.
Thứ ba, tất nhiên tôi hiểu nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số nhưng tôi cũng hiểu một vấn đề pháp lý rõ ràng rằng nếu vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm căn cứ pháp lý thì nguyên tắc trên là vô hiệu. Phải có lý do thứ ba thì mới có cơ sở để kiến nghị tiếp.
Ông Nguyễn Hữu Kiên
Ông đã phát hiện ra điều gì “không ổn” về thống kê dân số sau khi nhận được văn bản trả lời?- Ngay trang đầu tiên trong báo cáo số 299 ngày 24.12.2013 của UBND huyện Từ Liêm gửi kèm trả lời của Bộ Nội vụ gửi cho tôi có nêu: “Dân số huyện Từ Liêm và dân số 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm nêu trong Đề án là 553.308 người (nguồn số liệu: Chi cục Thống kê Từ Liêm tại thời điểm 1.10.2013)”.
Trong khi đó, Thông tư 02 của Bộ Nội vụ nêu rất rõ: “Số liệu sử dụng để xác định các tiêu chuẩn trong Đề án thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn phải được cập nhật đến thời điểm 31.12 của năm trước liền kề với năm trình Chính phủ Hồ sơ thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn”.
Như vậy, số liệu dùng để lập Đề án phải là trước thời điểm 31.12.2012. Theo Niên giám thống kê Hà Nội 2012 phát hành tháng 6.2013, trang 27 có nêu dân số của huyện Từ Liêm là 474.200 người với diện tích là 75,63km2 nên mật độ dân số là 6.270 người/km2.
Vào phần giới thiệu các xã, thị trấn trên Cổng thông tin điện tử Từ Liêm có thể thấy sự chênh lệch số liệu khủng khiếp nữa. Theo những số liệu cập nhật cuối năm 2012 và đầu năm 2013, dân số của các xã/thị trấn Thượng Cát, Liên Mạc, Minh Khai, Tây Tựu, Cổ Nhuế, Trung Văn, Đại Mỗ, Mễ Trì, Cầu Diễn lần lượt là: 8.510 người - 11.965 - 36.339 - 22.000 - 70.000 - khoảng 25.000 - 21.040 - 38.000 - 29.000.
Trong Đề án thì số người lại tăng vọt lần lượt là 10.000 người (tăng 1.490 người), 12.966 (tăng 1.001), 36.709 (tăng 370), 26.970 (tăng 4.970), 77.834 (tăng 7.834), 29.850 (tăng 4.850), 26.741 (tăng 5.701), 40.544 (tăng 2.544), 33.405 (tăng 4.409). Như vậy, riêng tại các xã, thị trấn này, dân số Từ Liêm đã tăng tới 33.165 người!
Đâu là những bất cập mà ông nhận thấy là có việc “làm số”?
- Hồ sơ Đề án khi trình HĐND huyện không đầy đủ bộ như quy định tại Điều 4 Thông tư 02 vì thiếu phương án tổ chức bộ máy và biên chế; sơ đồ định hướng phát triển không gian; phim tư liệu, và không tuân thủ về thời điểm lấy số liệu. Ngoài ra, số liệu giữa trình HĐND huyện và trình lên Thủ tướng có sự khác biệt.
Sự khác biệt mà huyện Từ Liêm coi rất nhẹ nhàng có biên độ sai lệch lớn nhất lên đến 288%. Trong số 17 chỉ tiêu đánh giá về hệ thống các công trình hạ tầng đô thị có sai số thì có 7 chỉ tiêu sai số từ 54- 288%, số còn lại sai số ít nhất cũng từ 4-45%. Đặc biệt, chỉ tiêu về trung tâm thể dục thể thao tăng từ 16 tại đề án trình HĐND huyện lên 46 tại Đề án mới ký ngày 10.12.2013, trong đó có việc ghi khống 2 trung tâm tại xã Thụy Phương.
Ông có kỳ vọng gì ở lần kiến nghị này?- Tôi tin rằng những kiến nghị của tôi sẽ được trả lời vì Thủ tướng đã chỉ đạo rồi. Và tôi tin rằng về sau các Đề án khác sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Sẽ không còn tình trạng một Đề án dày 78 trang với vô số số liệu mà không hề có một chú thích (footnote) nào về nguồn các số liệu này.
Tôi cũng rất hy vọng Bộ Nội vụ sẽ xem xét kỹ và trả lời đầy đủ các nội dung tôi đã nêu. Đó cũng là cách để tôi và nhiều người dân khác củng cố thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp mà Thủ tướng đã đề cập trong Thông điệp đầu năm.
Xin cảm ơn ông!
Đức Hiếu (thực hiện) (Đức Hiếu (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.