Người "khổng lồ" ngành thời trang adidas Việt Nam kinh doanh ra sao?
Người "khổng lồ" ngành thời trang adidas Việt Nam kinh doanh ra sao?
Vũ Khoa
Chủ nhật, ngày 15/12/2024 14:16 PM (GMT+7)
Trụ sở adidas tại Đức bị khám xét 2 ngày liên tiếp trong cuộc điều tra trốn thuế 1 tỷ euro. Cách đây 10 năm, ông lớn ngành thời trang thể thao này cũng từng vướng nghi vấn trốn thuế ở Việt Nam.
Thông tin từ tờ Financial Times cho biết ngày, liên tiếp hai ngày 11 và 12 tháng 12, các công tố viên hình sự và điều tra viên hải quan khám xét trụ sở của hãng thời trang thể thao Adidas "adidas" tại Đức. Động thái cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về nghi vấn trốn thuế của thương hiệu thể thao này, với số tiền có thể lên tới hơn 1,1 tỷ euro.
Là thương hiệu tầm cỡ quốc tế nhưng adidas thường xuyên dính nghi vấn trốn thuế. Năm 2022, truyền thông Nga cho biết adidas không trả tiền cho nhân viên bị sa thải như đã hứa bồi thường sau khi rời khỏi Nga, đồng thời cũng không đóng khoản thuế lên tới 10 tỷ ruble (166 triệu USD).
Còn tại Việt Nam, gã khổng lồ ngành thời trang thể thao cũng đã có thời gây xôn xao dư luận vì "nghi án" chuyển giá trốn thuế. Năm 2012, do nghi ngờ adidas Việt Nam có dấu hiệu giao dịch liên kết, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra doanh nghiệp này.
Kết quả thanh tra cho thấy có rất nhiều khoản chi phí bất hợp lý được trả cho các đối tác là những đơn vị có giao dịch liên kết với Adidas Việt Nam. Trong đó nổi bật nhất là "chi phí tiếp thị quốc tế".
Cụ thể, công ty mẹ (adidas AG) thuê người nổi tiếng chụp hình quảng cáo cho sản phẩm, các tấm hình quảng cáo này khi được treo tại cửa hàng của adidas Việt Nam thì phải trả tiền cho công ty mẹ bằng 4% doanh thu ròng của sản phẩm.
Ngoài ra, adidas Việt Nam phải dành nhiều ngân sách cho chi phí quản lý. Chi phí quản lý này trả cho các công ty liên quan đến công ty mẹ.
Đại diện Phòng thanh tra 1 cho biết: "Nếu một đôi giày adidas bán ra tại thị trường Việt Nam với giá 2 triệu đồng thì giá gốc khi nhập khẩu chỉ khoảng 1 triệu đồng, còn 500.000 đồng là các chi phí khác mà adidas VN phải trả cho đối tác khác mà thực chất cuối cùng đều chảy về túi của công ty mẹ. Có trường hợp các chi phí "khó hiểu" khác lên đến 50% giá bán sản phẩm".
Hơn trăm tỷ đồng hàng bán bị trả lại
Có thể thấy, giao dịch liên kết là cách mà adidas Việt Nam làm gia tăng chi phí, từ đó giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Kết quả là công ty hoặc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc có đóng thì rất thấp.
Tuy nhiên, sau khi bị ngành thuế "sờ gáy", các giao dịch liên kết của adidas Việt Nam đã bị "xóa sổ", từ đó, công ty đã phát sinh lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đây, adidas Việt Nam phải gánh một số chi phí nổi bật như: Chi phí bản quyền bằng 6% doanh thu ròng của sản phẩm; Chi phí mua hàng 8,25% giá trị mỗi giao dịch (Dù có đầy đủ tư cách để nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ nước ngoài nhưng adidas Việt Nam lại phải thuê đối tác khác là adidas International Trading B.V thay mặt adidas Việt Nam thực hiện các dịch vụ liên quan đến mua hàng hóa).
Thế nhưng, gần đây nhất, trong năm 2023, các chi phí này không xuất hiện. Dù vậy, do Các khoản giảm trừ doanh thu và Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, adidas Việt Nam chứng kiến lợi nhuận "lao dốc", từ đó thuế thu nhập doanh nghiệp là con số khiêm tốn so với quy mô của một "gã khổng lồ".
Cụ thể, trong năm 2023, Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của adidas Việt Nam tăng rất nhẹ, từ 2.140 tỷ đồng lên 2.187 tỷ đồng. Thế nhưng, Các khoản giảm trừ doanh thu lại cao đột biến, tăng 143 tỷ đồng, tương đương 96,6% lên 291 tỷ đồng nên Lợi nhuận gộp của công ty giảm 60 tỷ đồng, tương đương 9,5% so với năm 2022.
"Đóng góp" lớn nhất vào Các khoản giảm trừ doanh thu là Chiết khấu thương mại (181 tỷ đồng) và Hàng bán bị trả lại (110 tỷ đồng). Cả 2 chỉ tiêu này cùng tăng rất mạnh trong năm 2023.
Trong khi đó, Chi phí quản lý doanh nghiệp của adidas Việt Nam lại đạt 227 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng, tương đương 39,3% so với năm 2022. Chính vì vậy, Tổng lợi nhuận trước thuế giảm 105 tỷ đồng, tương đương 77,8% xuống chỉ còn 30 tỷ đồng.
Vì vậy, Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 của adidas Việt Nam chỉ đạt 22,2 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 36,8 tỷ đồng của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm sâu từ 102 tỷ đồng xuống 17,1 tỷ đồng.
Công ty TNHH adidas Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đầu tiên tại ngày 13/03/2009. Chủ sở hữu của Công ty là adidas International B.V, (Công ty mẹ).
Còn trong thuyết minh mối về các bên liên quan, adidas AG là là Công ty mẹ cao nhất.
Hoạt động chính của Công ty là kinh doanh và phân phối các sản phẩm adidas cho các nhà bán sỉ và bán lẻ. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là Tổng Giám đốc Lê Duy Linh.
Tại ngày 31 tháng 12 năm 2023, Công ty có 9 cửa hàng đang hoạt động trên địa bàn tại thành phố Hồ Chí Minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.