Trong căn phòng tập thể tại khu Thành Công (Đống Đa, Hà Nội), ông Thức kể, bằng giờ này năm ngoái, ông đã cùng vợ sắm sửa chu đáo cho cái Tết của gia đình. "Không to nhưng cũng có quất, có hoa, bánh chưng, thịt gà. Còn năm nay, sau tai nạn, cũng là biến cố lớn nhất đời tôi, cái Tết trở nên bình thường như bao ngày khác", ông Thức tâm sự.
Bình hoa cúc vàng là của cháu gái tặng, kẹo bánh cũng là được biếu, vợ chồng ông không có ý định sắm gì thêm. "Mình thành người tàn tật rồi, đi đâu lại sợ mang vận đen cho người khác. Có anh chị bên Gia Lâm bảo sẽ mua gà và gói bánh chưng cho, như thế là đủ để đón Tết rồi", ông nói.
|
Tết của gia đình ông Thức đơn giản với hoa cúc, một ít bánh kẹo và vài chiếc bánh chưng. |
Giọng buồn buồn, cựu nhân viên lái tàu kể mấy tháng không được cầm lái, ông thấy buồn chân, buồn tay. Trước đây, vào những ngày giáp Tết, cả xí nghiệp đầu máy nơi ông công tác nhộn nhịp không khí đón xuân. Tổ lái thì lên lịch ai lái dịp Tết, ai được nghỉ. Số phải trực Tết lại rút thăm để biết mình đi chuyến tàu nào.
"Có nhiều năm phải đón Tết dọc đường, nhớ vợ, thương con, nhưng đó là cái nghiệp của mình. Giờ không đi tôi lại thấy nhớ đến nao lòng", ông Thức nói.
Gần 20 năm cầm lái, ông Thức có gần chục lần đón Tết trên tàu. Trước mỗi chuyến đi, mấy anh em tổ lái lại chuẩn bị gà, xôi và mấy nén hương. Thời điểm giao thừa, sau khi thắp nhang, các lái tàu xúm lại với nhau, cùng ăn thịt gà, xôi nếp và chúc nhau năm mới hạnh phúc.
|
Những lúc trở trời, ông Thức vẫn phải bôi thuốc giảm đau do một bác sĩ tốt bụng đem biếu. |
"Có những năm, tàu đang lao đi thì đến thời khắc giao thừa, nhìn thấy những người tuần đường phía dưới đường tàu, nghĩ mình đã khổ rồi mà họ còn khổ hơn. Chúng tôi chỉ biết chào nhau bằng tiếng còi tàu", ông Thức nhớ lại.
Sau tai nạn, gia đình ông Thức nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều tấm lòng hảo tâm. Nhiều người ở xa gửi thư, gọi điện thăm hỏi, những người ở gần thì đến thăm, biếu quà và tiền mặt. "Nhờ tấm lòng của họ mà tôi và gia đình đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất. Với tôi, một lời hỏi thăm đã quý giá và ý nghĩa lắm rồi", ông Thức nói.
Cách đây vài ngày, lãnh đạo Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đã đến thăm hỏi và tặng quà Tết cho gia đình. Ông Hoàng Ngọc Trìu, Giám đốc Xí nghiệp, muốn ông quay lại cơ quan làm công việc phù hợp, nhưng ông quyết định nghỉ làm vì e ngại sức khỏe của mình sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan.
"Tôi rất cảm ơn xí nghiệp đã tạo điều kiện, nhưng với tôi, làm việc gì cũng phải tận tâm, đến nơi đến chốn. Nếu đi làm mà thi thoảng xin nghỉ vì ốm đau thì ai sẽ làm thay việc mình. Tôi không muốn liên lụy nhiều quá đến đồng nghiệp", ông nói và cho biết mới đi giám định, kết quả ban đầu tỷ lệ thương tật trên 60%.
Trước đó, sáng 6-8-2010, khi đang lái đoàn tàu Thống Nhất qua huyện Duy Tiên (Hà Nam), thấy xe tải nhấn ga vượt qua đường tàu khi khoảng cách chỉ còn 100 m, ông Thức đã kéo phanh hãm phi thường, chấp nhận bị thương để cứu đoàn tàu. 3 toa đầu bị lật, hơn 300 hành khách bình an, nhưng người lái tàu bị thương nặng, phải cắt một phần cánh tay, gẫy chân phải và toàn thân chịu sức ép.
Theo Vnexpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.