Ông Huỳnh Văn Nén.
Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã thống nhất bổ sung dự toán năm 2017 của TAND Tối cao là hơn 10 tỷ đồng từ nguồn chi quản lý hành chính ngân sách trung ương. Đây là số tiền TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường cho người bị oan là ông Nén. Bộ này cũng đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm bồi thường xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo đúng quy định.
Để làm rõ hơn vấn đề này, chiều 3.5, Pháp luật TP.HCM đã trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng. Ông Hưng cho biết theo quy định hiện hành, ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường (Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận - PV) phải ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.
Hội đồng này có trách nhiệm: Xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại, mức độ lỗi của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại; xác định điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại sau đó kiến nghị với thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả.
Việc xác định mức hoàn trả được xác định theo nguyên tắc sau:
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định nhưng tối đa không quá ba tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. (Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của luật không phải chịu trách nhiệm hoàn trả - PV).
Ông Hưng cũng cho biết TAND tỉnh Bình Thuận chỉ là cơ quan hành chính có trách nhiệm xem xét trách nhiệm hoàn trả. “Lỗi chưa chắc đã ở khâu xét xử mà có thể ở giai đoạn điều tra hoặc truy tố” - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước nói.
Ngay cả trường hợp lỗi thuộc về tòa án, do xét xử hội đồng, quyết định theo đa số nên về mặt pháp lý, nếu hai hội thẩm nhân dân bỏ phiếu kết tội ông Nén trong khi thẩm phán không bỏ phiếu thì bản án đó có thể không phải do lỗi của thẩm phán chủ tọa.
“Thẩm phán gây oan sai không nhất thiết phải hoàn trả cả 10 tỷ đồng, trừ khi thẩm phán này cố ý làm oan cho ông Nén và có bản án xét xử thẩm phán này thì phải tuyên bồi hoàn 100%” - ông Hưng kết luận.
Trước đó, ngày 16.1.2017, TAND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định bồi thường hơn 10 tỷ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết án oan trong cả hai vụ án giết người ở Tân Minh và đã phải thụ án hơn 17,5 năm tù. Đến nay số tiền trên gia đình ông Nén vẫn chưa nhận được.
Đức Minh (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.