Mong có ngôi trường riêng cho con em
An Giang là tỉnh có cộng đồng người Chăm cư trú khá lâu đời, với số lượng trên 3.273 hộ, khoảng 15.000 người, chiếm 0,67% dân số toàn tỉnh, tập trung ở 8 xã, phường của 5 địa phương, gồm: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Tân Châu và TP.Long Xuyên.
Các em học sinh người Chăm trong một buổi tập luyện văn nghệ. Ảnh: Chúc Ly
Theo Ban Dân tộc tỉnh An Giang, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với vùng đồng bào dân tộc Chăm, đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào. Mới đây, tỉnh đã khánh thành Trường THPT nội trú (phường Châu Phú B, thị xã Châu Đốc), dành riêng cho học sinh các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 450-500 học sinh, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có 3 học sinh người Chăm học tập tại đây.
"Việc phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc là cần thiết nếu học chung một trường nội trú, nhưng không thể vì thế mà để người Chăm phải học cùng trường với người Khmer, vì 2 dân tộc hoàn toàn khác nhau về văn hóa, nếp sống... Trong cuộc họp với Chính phủ tới đây, tôi sẽ đề xuất để xây dựng thêm trường DTNT liên huyện dành riêng cho đồng bào Chăm”.
Ông Võ Trọng Hữu
|
Theo khảo sát của phóng viên ở làng Chăm, hầu hết đồng bào đều cảm thấy khó khăn trong việc học cùng với người Khmer trong trường DTNT.
Thầy Y Da Pha - giáo viên Trường THCS Đa Phước (xã Đa Phước, huyện An Phú), chia sẻ: Nếu được đầu tư một trường DTNT dành riêng cho người Chăm thì quá tuyệt vời, vì bấy lâu nay chúng tôi cũng rất mong mỏi. Hiện có một trường DTNT (tại Châu Đốc) mới mở chung cho các dân tộc, nhưng hầu như các em người Khmer đến học nhiều, chứ lượng người Chăm rất ít.
Đề xuất trường DTNT liên huyện
Cũng theo thầy Y Da Pha, theo tập quán của người Chăm, chế độ ăn uống rất khó, kiêng cữ nhiều thứ. Nếu các em người Chăm vào học chung với các dân tộc khác thì vẫn phải về ăn ở nhà mình, như vậy rất khó khăn.
Anh Du Số - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước cho biết: “Hiện tại các em đến tuổi đi học đều học song ngữ, đa số đều học tại thánh đường. Việc học cũng gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng để học cùng một trường nội trú với người Khmer lại gặp nhiều bất cập. Vì theo quy định của dân tộc Chăm, mỗi ngày phải hành lễ 5 lần, đối với nữ thì tại nhà, nam thì làm lễ tại thánh đường, riêng ngày thứ 6 tất cả phải đến thánh đường làm lễ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trọng Hữu - Ủy viên chuyên trách kiêm Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho biết: “Tại An Giang theo khảo sát có hơn 15.000 người Chăm sinh sống. Tuy nhiên số người Chăm được phân bổ ở 3 địa phương là 2 huyện Châu Phú, An Phú và thị xã Tân Châu. Theo tôi nếu người Chăm sống liền kề như vậy chúng ta vẫn có thể xây dựng trường DTNT liên huyện. Điều này sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho đồng bào phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.