Người lãnh đạo hết lòng vì nông dân

Thứ sáu, ngày 01/02/2013 15:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến xuân này, ở tuổi 86 và đã 73 năm theo Đảng, ông vẫn ngày đêm trăn trở nghĩ về Đảng, về đất nước, nặng lòng với nông dân...
Bình luận 0

Vị lão thành cách mạng ấy là ông Nguyễn Thanh Quất - Trưởng ty Nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hà Bắc (cũ).

Ông Quất sinh ra tại làng Vân Xuyên (xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hiện nay). 13 tuổi, Quất đã được giao nhiệm vụ liên lạc, đưa đón cán bộ, chuyển công văn, tài liệu, truyền tin, cảnh giới cho các cuộc họp của cán bộ Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 1.1945, làng Vân Xuyên thành lập đội tự vệ võ trang bán thoát ly đầu tiên của huyện Hiệp Hòa, ông Quất được cử làm Đội phó. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia kháng chiến và 1 năm sau, khi vừa tròn 18 tuổi, ông vinh dự trở thành đảng viên cộng sản.

img
Ông Nguyễn Thanh Quất.

Gần dân...

Những ngày đầu về nhận công tác tại Ty Nông nghiệp Hà Bắc, tôi được nghe nhiều người nhận xét về ông, một cán bộ lãnh đạo tỉnh trẻ tuổi, năng động, đi sâu đi sát cơ sở, nhưng mãi đến năm 1968, tôi mới được gặp ông. Năm ấy, tôi được phân công viết báo cáo về tình hình phát triển chăn nuôi lợn, chuẩn bị cho hội nghị tổng kết do UBND tỉnh tổ chức. Một hôm, đồng chí Phó Trưởng ty bảo tôi đem theo dự thảo báo cáo cùng đi sang Ủy ban Hành chính tỉnh (sơ tán tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên) để duyệt.

Ông Nguyễn Thanh Quất trực tiếp nghe và cho ý kiến. Tôi thêm tự tin khi đối diện ông - người có ánh mắt nhân từ, cử chỉ thân mật, gần gũi... Ông vừa chăm chú nghe tôi đọc báo cáo, vừa góp ý tỉ mỉ. Tôi thầm cảm phục ông về những ý kiến ngồn ngộn hơi thở từ thực tiễn cuộc sống. Phải là người tâm huyết với công việc, gắn bó, lăn lộn với cơ sở, với nông dân mới có thể có những nhận định vừa khái quát, vừa cụ thể và rút ra được bài học, đề ra được những chủ trương (mà mấy năm sau đó tôi càng thấy tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống).

Sau này, tôi có may mắn được trực tiếp phục vụ ông gần 21 năm, khi ông đã là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Bí thư Tỉnh ủy, tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Là cán bộ lãnh đạo phụ trách khối nông- lâm nghiệp trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt, thiên tai liên tiếp, nhất là úng lụt, cơ sở vật chất - kỹ thuật nghèo nàn, trình độ canh tác còn lạc hậu, nhiều lần ông đã thổ lộ những suy nghĩ, những trăn trở, mong muốn của ông là đầu tư vào những công trình thiết thực, làm giảm bớt thiệt hại của thiên tai, giúp bà con nông dân và nhân dân trong tỉnh bớt đi sự vất vả, nhọc nhằn, giảm được cơ cảnh nghèo đói.

Trong chương trình công tác, hàng tháng ông đều dành nhiều thời gian đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, ăn, ngủ ở các bản làng heo hút vùng Dương Hưu (huyện Sơn Động), Tứ Sơn (Lục Ngạn) hoặc cùng cán bộ địa phương, cơ sở đi bộ đến xem xét, chỉ đạo xử lý “ẩn họa” trong những triền đê sông Đuống, sông Cầu, sông Thương. Những điển hình trong nông - lâm nghiệp của Hà Bắc như cải tạo đất bạc màu ở Trung Hòa (Hiệp Hòa), quê hương Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Song; phát triển cây đỗ tương ở Tân Mộc (Lục Ngạn), quê hương Anh hùng Lao động Lý Lỏi Sáng; thâm canh lúa ở Yên Lã (Tiên Sơn), chăn nuôi lợn tập thể ở Thanh Phương (thị xã Bắc Ninh), Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn chăm sóc trâu bò được Hồ Chủ tịch gửi thư khen... có công sức không nhỏ của ông.

Trân trọng “những người thầy”

Ông Quất là một trong những cán bộ lãnh đạo biết nghe, biết đánh giá, sử dụng cán bộ kỹ thuật. Trong cuộc gặp mặt cựu cán bộ nông nghiệp Hà Bắc đầu tháng 11.2012, tại TP.Bắc Ninh, ông nói: “Đối với tôi, anh chị em cán bộ kỹ thuật nông nghiệp là những người thầy”. Trên thực tế, trong 15 năm phụ trách khối nông - lâm - thủy sản, ông luôn luôn coi họ là “thầy”, trân trọng những đề xuất của họ, hiểu biết năng lực, hoàn cảnh và cả cá tính của từng người, nhất là những cán bộ quản lý cấp phòng, trạm, trại và cán bộ kỹ thuật phụ trách từng lĩnh vực.

Ông luôn gần gũi, thân thiện, khuyến khích họ phát huy mặt mạnh, chân thành khuyên bảo họ sửa chữa những khiếm khuyết, giúp họ rèn luyện phấn đấu trong hoạt động thực tiễn. Do đó, ông được đông đảo cán bộ kỹ thuật nể phục, quý mến, coi ông như người “anh cả” trong ngành nông nghiệp Hà Bắc.

Sự cộng hưởng hai chiều đã giúp ông hiểu biết cặn kẽ hơn về khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp trưởng thành, được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm trọng trách của tỉnh và lãnh đạo ban, ngành của T.Ư. Tiêu biểu là các đồng chí Mai Thúc Lân - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Bình Dương - nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước; GS - TS, Anh hùng Lao động Trần Hồng Uy; Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội ND Việt Nam...

Không chọn sự an toàn cho mình

Trong số cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Bắc, ông là người gắn bó và gần gũi với nông nghiệp, nông thôn nhiều năm, hiểu và thông cảm với nỗi niềm của nông dân, nên luôn luôn ủng hộ những đổi mới phù hợp với thực tiễn, có lợi cho nông dân, đáp ứng được nguyện vọng của nông dân. Khi Đảng và Nhà nước chủ trương “Khoán 10”, “Khoán 100”, ông là một trong những người tích cực hưởng ứng và chỉ đạo triển khai thực hiện. Ông đã cùng tập thể cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn ở địa phương, khắc phục và kiềm chế tác hại của thiên tai, địch họa, nhất là các vụ vỡ đê Cống Thôn (huyện Tiên Sơn), Nhất Trai (huyện Gia Lương), sự cố đê Nội Doi (thị xã Bắc Ninh), đê Ba Tổng (Yên Dũng)... là những sự kiện ảnh hưởng nhiều mặt đến dân sinh, xã hội.

Năm 31 tuổi, ông Nguyễn Thanh Quất là Tỉnh ủy viên, 33 tuổi là Ủy viên Ban Thuờng vụ Tỉnh ủy Hà Bắc. Ông có 15 năm trực tiếp phụ trách nông, lâm nghiệp, 10 năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 6 năm làm Chủ tịch UBND tỉnh và 9 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc; là Đại biểu Quốc hội khóa VII, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VI.

Với mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân, người lãnh đạo cao nhất của tỉnh thời kỳ đó đề xuất một số chủ trương như làm đường goòng Đồng Tiến- Bến Nhãn, công trường phù sa Quế Võ, khai thác vàng sa khoáng Lục Ngạn, đánh số trâu bò, giao đất 5% của xã viên cho hợp tác xã quản lý...

Nhiều cán bộ, đảng viên băn khoăn về lợi ích kinh tế và tính khả thi, nhưng không dám nói ra, ông đã chân thành trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy, thẳng thắn trình bày chính kiến của mình và phản ánh dư luận của cán bộ, đảng viên, quần chúng với Ban Thường vụ, với Tỉnh ủy.

Việc thể hiện quan điểm cá nhân trái với ý kiến của lãnh đạo cấp trên trực tiếp, nhất là người đứng đầu thường là việc không dễ dàng, nhưng ông không chọn sự "an toàn" cho bản thân mà tìm mọi cách hạn chế những hệ lụy của những việc làm đó đối với đời sống nhân dân.

Mùa xuân này, ông Nguyễn Thanh Quất vào tuổi 86, dù mang bệnh nặng, ông vẫn theo sát thời sự đất nước, dõi theo từng bước phát triển của Bắc Giang, Bắc Ninh, vẫn luôn tâm huyết với Đảng, với đất và người Kinh Bắc...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem