Người lao động co ro, mưu sinh trong giá lạnh 10 độ ở Hà Nội
Chiều 22/1, từng đợt gió mạnh cứ thế thốc thẳng khiến người đi đường co ro trong giá lạnh. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, đợt rét đậm, rét hại này kéo dài đến 25/1, đồng bằng Bắc Bộ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi cao dưới 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa đông 2023-2024. Đợt đầu ngày 17-27/12/2023, Mẫu Sơn xuống âm 2,5 độ C, thấp nhất trong 11 năm qua.
Trùm kín áo mưa để quét rác, dọn dẹp quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, chị Vũ Thị Thanh (51 tuổi, quê Ba Vì) cảm nhận rõ cái lạnh buốt của đợt rét nhất kể từ đầu đông tới nay. Chốc lát chị Thanh lại đứng lên nhún nhảy, vận động để xua đi cái lạnh.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Thanh cho biết, cảm nhận rõ cái lạnh buốt kèm theo mưa kể từ sáng cùng ngày. Sáng 22/1, chị Thanh dậy sớm mặc 4, 5 lớp áo khoác để giữ ấm cơ thể. Thế nhưng khi làm ngoài trời chị và đồng nghiệp mới thấy thời tiết khắc nghiệt.
"Chúng tôi ngày làm 8 tiếng, sáng từ 7h đến 11h giờ, chiều từ 12h đến 16h chiều. Lâu lắm rồi mới cảm nhận cái lạnh thấu da thịt như đợt rét lần này. Gió rét lạnh quá nhưng vì công việc nên chị em cùng động viên nhau cố gắng hoàn thành, giữ gìn sạch sẽ quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm", chị Thanh cho hay.
Gắn bó với công việc đạp xích lô quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm đến nay đã 25 năm, ông Nguyễn Đăng Khoa (62 tuổi, quê Nam Định) cho biết, vì công việc mưu sinh dạn dày sương gió nên có lạnh mấy với ông cũng cố gắng thích nghi.
"Nhiều khách du lịch dù lạnh nhưng họ thích trải nghiệm không khí Hà Nội nên vẫn đặt xe. Như vậy cũng giúp chúng tôi có thêm thu nhập. Trời rét nhưng tôi chuẩn bị áo mưa che chắn cho mình và khách đỡ lạnh", ông Khoa chia sẻ.
"Thời tiết có lạnh đến mấy chúng tôi vẫn chở khách và làm việc bình thường"
Công việc của ông Khoa thường bắt đầu từ sáng sớm tới tối muộn, khi nào hết khách ông mới trở về nhà. Cũng từ công việc này giúp ông có thêm thu nhập để lo cho con cái ăn học, nên người.
"Các con tôi giờ đã có công việc, nhà cửa ổn định rồi nhưng vì đam mê với nghề này tôi vẫn muốn đi làm để có thêm thu nhập. Nghề này không tránh được những ngày gió sương, lạnh giá hay mùa hè oi nóng. Thế nhưng vì yêu công việc nên tôi không ngại gì thời tiết. Trời lạnh tôi mặc thêm áo để giữ ấm cơ thể", ông Khoa nói.
Ông Khoa kể, cách đây 1 tuần có nhặt được ví trong đó có giấy tờ tuỳ thân cùng nhiều tiền Rial Oman. Ngay sau đó ông đã tìm mọi cách đăng facebook, zalo và sự hỗ trợ của Cảnh sát 113 đã tìm được khách nước ngoài đánh rơi để trao trả lại.
"Trời có nắng nóng hay giá lạnh khi khách có nhu cầu chở chúng tôi đều nở nụ cười tươi. Tôi cũng biết một chút vốn liếng tiếng Anh nên có thể trò chuyện với khách, giúp họ hiểu hơn về văn hoá, con người Việt Nam. Thời tiết có lạnh đến mấy nhưng nếu có khách đi chúng tôi vẫn chở và làm việc bình thường", ông Khoa nói.
Tranh thủ chờ người thuê bốc vác ở khu vực chợ Đồng Xuân, anh Nguyễn Văn Tuấn (45 tuổi, quê Thanh Hoá) ngồi co ro, hơ hai tay vào khu vực đang đốt lửa sưởi ấm. Càng về chiều tối anh Tuấn càng cảm nhận rõ cái lạnh sâu nơi Thủ đô.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Tuấn chia sẻ, đã gắn bó với nghề bốc vác ở chợ Đồng Xuân từ nhiều năm nay. Thời tiết có lạnh đến bao nhiêu nhưng vì công việc mưu sinh, lo cho cuộc sống gia đình anh vẫn phải chịu khó, cố gắng.
"Công việc của chúng tôi tự do làm từ 2,3 giờ sáng, mưa rét có người thuê là may lắm rồi. Chính vì vậy tôi luôn cố gắng làm thật tốt, ngày cố gắng cũng kiếm được 300-400.000 đồng. Tuy nhiên, có ngày tôi chỉ kiếm được 100.000 đồng hoặc vài chục nghìn đồng. Vì cái Tết sắp tới và con cái đang tuổi ăn học phải cố gắng hơn", anh Tuấn tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.