5 vấn đề của nông nghiệp cần được giải quyết
Là người gắn bó với ruộng đồng, nông nghiệp lâu năm, theo quan điểm của ông hiện nay, nông nghiệp nước ta đang gặp phải những vấn đề gì?
- Nông nghiệp Việt Nam hiện có ba nút thắt. Nút thắt đầu tiên trong TCCNN hiện nay của Việt Nam là nhận thức. Về phía trung ương thì rõ ràng đã xác định phải tái cơ cấu nhanh nếu không Việt Nam sẽ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nhận thức đó lại chưa được thấm nhuần đến những “người lính” trên chiến trường đó là – doanh nghiệp chủ thể của tái cơ cấu nông nghiệp.
Nút thắt thứ hai là hệ thống cơ chế chính sách không đồng bộ, chắp vá trong tổ chức thực hiện. Thứ ba, cái tồn tại lớn nhất, cản trở nhất trong hoạt động của chúng ta hiện nay là hệ thông hành chính nhà nước vừa chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, chậm trễ vô cùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy sản xuất lúa giống của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình vào tháng 7.2016. ảnh: Đăng Quang
Chúng ta thường nói đến việc, TCCNN không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn. Vậy theo ông, để môi trường đầu tư nông nghiệp thông thoáng hơn, cần giải quyết những vấn đề gì?
- Việc đầu tiên cần làm trong thực hiện đề TCCNN là chúng ta phải quy hoạch lại các vùng sản xuất. Dứt khoát phải chuyển đổi cơ cấu nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học. Hiện nay, các nghiên cứu về hệ thống canh tác trên các vùng sinh thái của các viện trường đã có nhiều kết quả, ngành nông nghiệp nên khai thác để hình thành các vùng quy hoạch.
Hai là, về nông nghiệp công nghệ cao. Tôi cảm nhận thấy dường như chúng ta còn hiểu nhầm về khái niệm của lĩnh vực này. Theo tôi, nông nghiệp công nghệ cao là khai thác tối đa điều kiện tự nhiên để đem lại giá trị cao nhất, hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất chứ không phải công nghệ cao là nuôi cấy mô, nhà kính, cải tiến gen, nếu hiểu như thế là sai. Việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng cần phải có tính toán làm sao cho phù hợp và nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì mới thực sự hiệu quả.
Ba là, chính sách về đất đai. Tôi đồng ý cần phải tích tụ đất đai để có những mô hình lớn, song nhà nước cũng phải tạo ra các cơ chế thuận lợi để các đơn vị, cá nhân “nhảy” vào làm, xây dựng các mô hình lớn.
Bốn là vấn đề vốn. Nông nghiệp là ngành quay vòng vốn chậm, nhanh là nửa năm, chậm 10 năm mới có thu. Như trồng cây cà phê, cao su…, nhà nước phải có chính sách ưu đãi như thế nào về lãi suất cho hợp lý, khuyến khích các đơn vị tiếp tục làm.
Năm là, vấn đề về thuế, hiện nay còn rất nhiều bất cập. Ngành sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn, phải chắt chiu thậm chí là lấy công làm lãi thì thuế thu nhập doanh nghiệp bị đánh đồng với các ngành khác như kinh doanh bất động sản, viễn thông…là không công bằng. Ví như ThaiBinh Seed nhập thiết bị, máy móc về sản xuất hạt giống vẫn chịu thuế 5% như các doanh nghiệp khác…
Xác định doanh nghiệp là chủ thể
“Nhờ đi đúng hướng, có nhiều đột phá trong ứng dụng KHCN đã giúp ThaiBinh Seed có tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, vươn lên trở thành một trong những công ty giống cây trồng hàng đầu Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trên thị trường cả nước và có uy tín đối với thị trường khu vực.
Ông Trần Mạnh Báo
|
Là một công ty giống hàng đầu của Việt Nam, ThaiBinh Seed đã thực hiện đề án tái cơ cấu như thế nào? Ông có thể cho biết cụ thể về những kết quả mà đơn vị mình đã đạt được trong suốt 45 năm phát triển ?
- Từ năm 2001, ThaiBinh Seed đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột chính là xây dựng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và mở rộng quan hệ hợp tác, trong đó KHCN chính là nền tảng, tiền đề để tiếp thu công nghệ, hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ hợp tác và huy động mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển.
Chiến lược phát triển từ điểm tựa là KHCN của ThaiBinh Seed được thể hiện một số lĩnh vực như về hoạt động nghiên cứu khoa học. Ðây được coi là hướng mũi nhọn của ThaiBinh Seed. Với kinh phí mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Năm 2002, ThaiBinh Seed đã thành lập Phòng Nghiên cứu phát triển, năm 2007 thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vừa là nơi nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm giống mới, xây dựng quy trình canh tác vừa là nơi trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân…
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ThaiBinh Seed đã chủ động xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam. Ðây là thương hiệu đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam. ThaiBinh Seed cũng là công ty đầu tiên ở Việt Nam xây dựng thương hiệu và mua bản quyền giống lúa thuần. Ðến nay, ThaiBinh Seed đã đăng ký bảo hộ bản quyền di truyền 15 giống cây trồng mới tại Văn phòng Bảo hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hơn 30 nhãn hiệu sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Một vấn đề nữa là, hoạt động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và quản lý. Trong những năm qua, hoạt động nổi bật của ThaiBinh Seed là lai tạo giống mới, chế biến, bảo quản và cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất. Ðến nay, Công ty đã áp dụng hai hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO và hệ thống quản lý tổng hợp chất lượng toàn diện (TQM) của Nhật Bản.
Đặc biệt, hiện nay ThaiBinh Seed đã hoàn thành tái cơ cấu và đào tạo lại nguồn nhân lực với 52% người lao động có trình độ đại học và trên đại học, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác để có cơ hội tiếp cận nguồn gen và giống mới của các nước trong khu vực và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của cả nước, kết hợp với đào tạo cán bộ. ThaiBinh Seed hiện là thành viên Hiệp hội Giống châu Á - Thái Bình Dương (APSA) và có quan hệ với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong tái cơ cấu nông nghiệp, ông đánh giá như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp?
- Trong tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta phải xác định rõ “người lính trên chiến trường” phải là doanh nghiệp. Đặc biệt chúng ta phải chú ý đến hệ thống hợp tác với doanh nghiệp, đó là hệ thống nông dân, hợp tác xã hay tổ, đội, trang trại…
Nhà nước cũng cần tính toán ngay việc mở trường đào tạo doanh nhân nông nghiệp, biến nông dân thành doanh nhân. Chúng ta cứ sang Nhật Bản, Hàn Quốc… mới thấy được, các học sinh ở các nước này sau khi học hết lớp 12, họ có một trường đào tạo, lập nghiệp từ nông nghiệp, các học sinh sau khi được đào tạo bài bản, các em đạt trình độ kỹ sư giỏi, xuất sắc đều quay trở về quê hương thành lập doanh nghiệp. Đó là nhu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp mà chúng ta phải làm ngay, càng nhanh càng tốt.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.