Người lớn tranh cãi, “thi gan” giữ trường, hơn 600 trẻ thất học

Tùng Anh - Quyết Thắng Thứ hai, ngày 29/09/2014 14:23 PM (GMT+7)
LTS: NTNN số 215-216 (số ra ngày 8-9.9) phản ánh tình trạng hàng trăm trẻ em ở xã Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh) không được tới trường khai giảng vì những tranh cãi về sáp nhập trường. Cho tới ngày 27.9, số trẻ em không được đi học ngày càng tăng cao, lên tới hơn 600 trẻ. Vì sao vùng đất học Hương Khê lại chấp nhận “thà để con thất học còn hơn sáp nhập trường”? NTNN đã tìm hiểu vấn đề này và nhận thấy thực trạng khá nghiêm trọng.
Bình luận 0

Ngày 26.9, có mặt tại xã Hương Bình, PV NTNN ghi nhận thực tế hàng trăm người dân Hương Bình đã dựng lều bạt, cắt cử người ngày đêm túc trực ở cổng trường phản đối, không cho chính quyền di dời tài sản của Trường THCS Hương Bình sang các trường lân cận. Trong khi đó, trên các ngả đường làng, trẻ em chơi dài trong giờ lẽ ra đi học và bày tỏ nỗi khao khát cháy bỏng được tới trường.

“Ở nhà chơi mãi chán rồi”

Đi dọc con đường mòn Hồ Chí Minh, cách thành phố Hà Tĩnh gần 50km, chúng tôi tìm đến xã Hương Bình khi năm học mới đã được gần 1 tháng. Trên các ngả đường liên thôn vào xã, PV NTNN bắt gặp rất nhiều em lứa tuổi lớp 7, lớp 8 đầu trần, chân đất kẹp 3 trên những chiếc xe đạp cà tàng đi về phía cánh đồng trong cái nắng chang chang của miền Trung. Khi được hỏi, sao thứ 6 mà các em không đi học, tất cả đều trả lời: “Bố mẹ không cho đi học để… chờ cả làng”. Em Phan Minh Tiến (thôn Bình Giang) - “cựu” học sinh lớp 7A Trường THCS Hương Bình kể: “Em nghỉ học từ hè đến ni là gần 4 tháng rồi, không còn trường nữa, bố mẹ không cho đi học ở trường xã bên vì xa quá, em mới tập đi xe đạp không thể tự đi được. Nghỉ ở nhà buồn lắm, ngày nào chúng em cũng rủ nhau ra đồng bắt chim, mò cua, mò cá”.

Tiến cũng cho biết, lớp 7A của em chỉ có 6 bạn được bố mẹ cho đi học tại Trường THCS Hòa Hải cách xã Hương Bình gần 10km, các bạn còn lại đều phải ở nhà, bạn thì phải trông em, bạn thì theo bố mẹ làm việc đồng áng. Khi được hỏi có muốn đi học không, Tiến trả lời: “Muốn nhưng không ai cho đi mô, ở nhà chơi mãi chán rồi ạ”.

Quá nhỏ để đi mò cua, bắt cá, nhiều em ở lứa tuổi tiểu học, mầm non được các gia đình trong xóm “gom” lại để tự trông nhau trong khi bố mẹ đi làm. Nhìn các em tụm năm tụm bảy chơi trò dạy học với sách mới, bút mới mà không người lớn nào có thể cầm lòng. Trong khi đó, các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn xã Hương Bình vẫn vắng tanh. Các cô giáo phải cố duy trì trường lớp sạch sẽ để chờ ngày… học sinh của mình sẽ được bố mẹ cho đi học. Được biết, đến ngày 27.9 cả xã chỉ có 26/215 học sinh mầm non, 28/255 học sinh tiểu học và gần 60/247 học sinh THCS được đến trường. Đa số các em được đi học là con em cán bộ và đảng viên trong các thôn trên địa bàn xã. Như vậy, toàn xã hiện có hơn 600 trẻ em bị buộc phải nghỉ học.

Bô lão đội mưa, đội nắng canh trường



Chị Nguyễn Thị Hòa  (thôn Bình Giang)
  
Tôi vẫn mua sách vở mới cho cháu, hàng ngày vẫn cố gắng dành thời gian chỉ bảo cháu ôn bài. Tôi cũng sợ con mất kiến thức, nhưng sợ mất con nhiều hơn nếu đi học trên quãng đường xa như vậy. Vừa mới đây, cũng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ việc 1 em học sinh lớp 3 đạp xe đi học đói quá ngã xuống mương chết đuối. Chúng tôi hoang mang lắm”.
 
Quá trưa, chúng tôi mới đến được tới Trường THCS Hương Bình. Lúc này, dưới cái nắng chang chang vẫn còn hàng chục các bô lão ngồi quây quần trên những những chiếc ghế gỗ kê dưới tấm bạt lớn in chứng nhận “Trường THCS đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 – 2016”. Phía dưới, các cụ bà ngồi nhai trầu, đánh tam cúc giải khuây trong thời gian ngồi “canh” trường. Hầu hết những người túc trực thường xuyên ở đây đều là các bô lão, rất nhiều cụ đã ngoài 80 tuổi. Người dân ở đây cho biết, cảnh tượng này đã diễn ra gần 3 tháng nay, lúc ít nhất cổng trường có vài chục người. Nếu có báo, đài về, hay có người đến di chuyển cơ sở vật chất trường thì cả làng kéo đến phải vài trăm người.

 

Nói về chủ trương sáp nhập trường, người dân cho rằng họ ủng hộ, nhưng lý do họ phải đội mưa đội nắng để phản đối là do cách làm của chính quyền xã chưa đúng, có tính áp đặt và không lấy ý kiến nhân dân trước khi ra quyết định.

Ông Lê Đức Bình (xóm Bình Khai) – cựu Hội trưởng Hội Phụ huynh Trường THCS Hương Bình bức xúc nói: “Trường vừa được công nhận là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2, dân làng chúng tôi những năm qua đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho trường rất lớn. Hơn nữa, đây lại là ngôi trường có truyền thống hơn 100 năm đã gắn bó với bao thế hệ con em trong làng, đâu phải nói bỏ là bỏ dễ thế được”.

Nhiều người dân khác thì phản ánh, khi có chủ trương sáp nhập trường, tỉnh chỉ lấy ý kiến của lãnh đạo, cán bộ xã, huyện mà không hề hỏi dân: “Chúng tôi đã đưa đơn kiến nghị lên cả huyện, tỉnh, trung ương nhưng không có kết quả” – ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, địa điểm Trường Hương Bình không bao giờ lụt lội trong khi đó lại đưa học sinh xuống “rốn” lụt là xã Hòa Hải - nơi mỗi năm có hàng chục lần lụt lội phải nghỉ học, đường đi lại khó khăn. Điểm Trường THCS Phúc Đồng thì nằm ngay trên đường Hồ Chí Minh, hàng ngày có rất nhiều xe cỡ lớn đi lại. “Đó là chưa kể đến việc khoảng cách từ nhà đến hai điểm trường kia có em phải đi tới 10km. Đối với học sinh lớp 6 – 7, đó là điều không thể. Bố mẹ không yên tâm để con đi học với nhiều hiểm nguy như vậy”.

Để chứng thực về quãng đường, anh Lê Đăng Thắng (xóm 9, thôn Bình Hưng) có con học lớp 7 đã đưa chúng tôi xuống hai điểm trường sáp nhập là Hòa Hải và Phúc Đồng. Từ địa điểm Trường THCS Hương Bình xuống THCS Hòa Hải dài 7km, con đường liên thôn được đổ bê tông sạch sẽ. Anh Thắng chỉ cho phóng viên 2 đoạn cầu đã xảy ra tai nạn trên con đường này: “Cầu Hào nằm bắc qua một con suối cạn, mùa này nhìn thế nhưng chỉ cần 1 trận mưa lớn là ở đây lụt phăng cầu, mấy năm trước đã từng có 2 chú bộ đội về cứu hộ lũ bị cuốn trôi ở đây. Đoạn cầu trên cũng có 2 mẹ con đi về gặp lũ mà chết thương tâm. Cả đoạn đường dài 7km không có nổi 1 nhà dân, không có một chỗ sửa xe đạp thử hỏi các con đi học như thế làm sao an toàn được?” – anh Thắng lo ngại.

Đắng lòng cho con nghỉ học

Anh Phan Ngọc Lai - phụ huynh em Phan Thị Thắm (học sinh lớp 8), nhà cách Trường THCS Hòa Hải tới 13km cho biết: “Đường từ nhà đến trường cả đi cả về 26km sức đâu đi học cho nổi. Hôm trước có đoàn truyền hình về ghi, con tôi đã đạp xe thử cho họ quay, đi rồi về đến Hương Bình thì ngất vì hết sức. Thử hỏi như thế thì làm sao yên tâm cho con đi học”.

Cũng theo anh Lai: “Việc cho con nghỉ học là bất đắc dĩ, nhìn con ở nhà rầu rĩ nhớ trường nhớ lớp mà tôi cũng xót hết cả ruột. Nhưng cho con đi học cũng không đành vì sớm muộn học xa thế cũng không đủ sức. Chỉ mong chính quyền có một cách làm nào đó hợp lý để con em chúng tôi được đi học”.

Khi được hỏi về việc tại sao phản đối dồn trường cấp 2 lại cho cả học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học mà không lo ngại các em thất học, mù chữ, không lo lắng các em ở nhà không người trông nom sẽ gặp nguy hiểm? Nhiều người biện minh: “Học hết mầm non, lên tiểu học rồi cũng lên THCS, lúc ấy con cũng phải bỏ học vì không còn trường, thà rằng bỏ học luôn. Không cho các cháu nhỏ đi học cũng là để gây sức ép mong chính quyền… nghĩ lại”

   Tuy cương quyết, nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của rất nhiều người, việc bắt con nghỉ học là một điều rất xót xa.  Đa số phụ huynh có con học mầm non, tiểu học cũng đồng thời có con đang học THCS. Nhiều người trong thâm tâm rất muốn cho con đi học nhưng lại sợ dân làng nói này nói kia, sợ mọi người “cô lập” nên đành cho con ở nhà. 

Còn tiếp...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem