Người mẫu nam quay cuồng với thu nhập "bèo bọt"

Thu Hương Thứ sáu, ngày 14/08/2015 09:38 AM (GMT+7)
Nhiều người mẫu nam phải vất vả với gánh nặng mưu sinh vì mức thù lao bèo bọt.
Bình luận 0

Tuần lễ thời trang đem lại nguồn thu rất lớn. Chẳng hạn như mỗi năm tuần lễ thời trang New York lại đem về nguồn lợi nhuận khổng lồ lên tới 400 triệu đô la cho thành phố. Tuy nhiên nguồn doanh thu lớn không tỉ lệ thuận với thù lao của người mẫu. Thực tế là người mẫu thường có mức lương rất thấp. Và người mẫu nam có thu nhập bấp bênh hơn nhiều so với người mẫu nữ.

img

 Show diễn thời trang nam

Một minh chứng rất rõ ràng thế này. Người mẫu nữ dẫn đầu danh sách 10 chân dài kiếm tiền nhiều nhất thế giới trong năm 2014 bỏ túi đến 47 triệu đô la. Trong khi đó người mẫu nam thu nhập cao nhất thế giới cùng năm là Sean O’Pry chỉ có thu nhập hơn 1 triệu đô la. Sự chênh lệch quá lớn về tiền thù lao cho thấy trong làng mốt, tầm ảnh hưởng và vị trí của giới mẫu nam thấp hơn rất nhiều so với giới người mẫu nữ.

Nếu không phải làm việc vì đam mê, ít có người mẫu nam nào có thể khẳng định mình bám trụ được với nghề vì tiền.

Người mẫu nam điển trai gốc Nga Măvey Lykov là một tên tuổi không hề xa lạ gì trong làng mẫu. Anh được nằm trong danh sách 25 người mẫu nam thành công nhất hành tinh và rất nổi bật với nhiều chiến dịch thời trang của các thương hiệu lớn. Mặc dù nổi tiếng song Matvey Lykov cho biết anh vẫn thường phải sống trong những căn hộ đầy ắp người mẫu nam. Với điều kiện sống tồi tệ, Matvey Lykov thẳng thắn thừa nhận với Los Angeles Time rằng bản thân chẳng thích thú gì với kiểu sống tạm bợ như vậy.

“Trước show diễn đầu tiên ở Milan, chúng tôi phải sống trong một căn hộ thuộc quyền sở hữu của một mẫu nam trong nhóm. Tôi sống với mấy người mẫu gốc Canada. Họ hành xử như động vật vậy. Họ phá nát đồ đạc, ném ghế và cả chai bia từ tầng 4 xuống những chiếc ôtô đỗ dưới đường. Một người không thể chịu nổi cảnh đó, anh ta thu xếp hành lý và tìm tới một khách sạn ngay trong đêm đó. Nhiều người mẫu nam rất lôm nhôm, không gợi cảm chút nào đâu” – Matvey Lykov kể lại một trường hợp điển hình về cuộc sống ngay trước và trong thời điểm diễn ra những tuần lễ thời trang.

img

Hậu trường show diễn thời trang nam

Nếu có mức thu nhập cao, đại đa số các người mẫu nam chắc chắn sẽ không chọn cách sống tiết kiệm như thế. Thực tế là với mức lương bèo bọt cho mỗi show diễn, họ thậm chí còn không đủ tiền để chi trả chi phí ăn uống, đi lại và vô vàn phụ phí khác khi tham dự các tuần lễ thời trang. Đó là còn chưa kể tới việc nhiều nhà mốt còn “ăn quịt” tiền thù lao cho người mẫu sau khi show kết thúc.

Là một trong những người mẫu thuộc top đầu, Matvey Lykov được trả chỉ khoảng 1000 đô la (khoảng 21 triệu đồng) cho một show diễn. Cần phải nói thêm là chỉ số ít những người mẫu hàng đầu mới nhận được mức tiền nay. Còn lại các chân dài vô danh thường không được trả tiền mà được trả bằng thứ khác, chẳng hạn như quần hay áo.

Mỗi mùa thời trang Matvey Lykov diễn khoảng trên dưới 10 show, bỏ túi khoảng hơn 10.000 đô la (khoảng 210 triệu đồng). Matvey Lykov còn phải trải 20% số tiền kiếm được cho công ty quản lý người mẫu. Trong một năm, tổng cộng tiền đi diễn, chụp hình cùng đủ mọi công việc liên quan tới nghề người mẫu khác, Matvey Lykov kiếm được gần 40.000 đô la (khoảng hơn 800 triệu).

Bạn có thể cho rằng đây là con số khá khẩm so với nhiều ngành nghề khác nhưng hay nhớ lại, Matvey Lykov thuộc top 25 người mẫu nam hàng đầu thế giới và thu nhập của anh cũng chỉ hơn nghề công nhân vệ sinh chút đỉnh. Sự so sánh càng trở nên chênh lệch hơn nữa khi chúng ta tiếp tục nhớ lại tuyên ngôn đầy tự mãn của siêu mẫu nữ thuộc thế hệ vàng Linda Evangelista, đó là: "Tôi không bao giờ ra khỏi giường nếu kiếm ít hơn 10.000 USD/ngày".

Matvey Lykov sống rất cần kiệm. Anh hiện đang sống trong 1 căn hộ khiêm tốn cùng 4 người đàn ông khác, tất nhiên họ đều không phải là người mẫu. Nếu như các chân dài nữ hàng đầu luôn được xe hơi đưa rước thì Matvey tới các địa điểm diễn show thời trang bằng tàu điện ngầm.

Mới đây, bộ phim tài liệu “Homeless – Vô gia cư” đã vén bức màn cuộc sống của một người mẫu nam có thâm niên trong nghề, đó là Mark Reay. Mark Reay không thuộc top đầu nhưng cũng không phải người mẫu vô danh. Anh từng chu du khắp các kinh đô thời trang lớn như Milan, Paris, Madrid.  Mark từng diễn cho Gianni Versace, Franco Moschino, Missoni…

img

Người mẫu vô gia cư Mark Reay

Thời kỳ đắt show nhất, thu nhập của Mark cũng chỉ vỏn vẹn 10.000 đô la mỗi năm (khoảng 230 triệu đồng). Có lần chụp ảnh cho tạp chí Vogue Pháp, anh chỉ được trả thù lao 60 đô (khoảng 1,3 triệu đồng). Kể cả trong giai đoạn thành công nhất trong nghề, với thu nhập ít ỏi, Mark Reay cũng phải chia sẻ phòng trọ chật hẹp cùng một nhóm các người mẫu nam khác.

Sau này, khi tuổi đã cao, Mark Reay cũng không tích lũy được chút nào từ những năm tháng làm người mẫu, anh sống vô gia cư, lang thang vất vưởng trên mái nhà, vệ sinh cá nhân tại phòng tắm công cộng hoặc phòng gym.

Đó là vài trong số các trường hợp của những người mẫu nam có tên tuổi. Còn hàng ngàn người mẫu vô danh hoặc không mấy nổi tiếng còn có thu nhập ít ỏi hơn nhiều. Họ không trông mong kiếm được món hời từ tiền diễn show thời trang và chụp ảnh tạp chí. Mức thù lao của 2 lĩnh vực này rất thấp. Thậm chí, sau mỗi show diễn, người mẫu nam thường được nhà thiết kế trả thù lao bằng hiện vật (quần áo, giày dép, nước hoa….) thay vì tiền. Đại đa số các người mẫu nam đều thường cố gắng tìm kiếm cơ hội được tham gia vào những chiến dịch quảng cáo của những thương hiệu lớn. Người mẫu nam Lykov khẳng định đó mới là “tiền thật”.

img

Diễn show được rất ít tiền

Thù lao cực “hẻo” nhiều người mẫu nam chìm vào nợ nần. Tổ chức bảo vệ người mẫu ModelAlliance từng tiết lộ trong số 1000 người mẫu nam và nữ họ từng phỏng vấn để phục vụ cho dự án thì có những người mẫu nam nợ công ty quản lý của họ từ 1000 – 20000 ngàn đô la (khoảng 21 – 420 triệu đồng). Số nợ nần thường đến từ tiền môi giới đặt show, tiền quản lý, tiền vay chi tiêu cho quá trình tham gia các hoạt động thời trang…

Nói về mức thu nhập thấp của giới người mẫu nam, Sean O’Pry – “nam thần” kiếm nhiều tiền nhất làng mẫu nam vẫn tỏ ra khá lạc quan: “Tôi không phàn nàn gì về mức thu nhập bản thân. Vào cuối ngày, tôi cảm thấy mình vẫn rất may mắn vì những công việc đã làm. Tôi không cần phải đi giày cao gót hay mặc bikini. Tôi hài lòng với sự nghiệp của mình”.

img

Sean O'Pry

Trái ngược lại, một người mẫu nam thuộc top 10 và được trả lương cao thứ 2 trong giới là David Grandy thì thẳng thừng nhận định thu nhập của người mẫu nam là “thấp nhất của thấp”.

David Grandy – gương mặt lâu năm của Dolce&Gabbana cảm thấy vô cùng bức xúc khi trong cùng một chiến dịch thời trang, dù vai trò của người mẫu nam và nữ ngang nhau nhưng người nam chỉ nhận thù lao bằng 1/4 so với người nữ. Cay đắng hơn anh cho biết trong những chuyến bay, mẫu nữ hàng đầu được đi khoang thương gia còn mẫu nam thường phải đi hạng phổ thông.

img

David Grandy 

Bổ sung thêm vào chuyện di chuyển giữa các tuần lễ thời trang, người mẫu nam Matvey Lykov chia sẻ anh từng nằm trong nhóm 40 người mẫu nam phải đi bằng hãng máy bay hạng bét nhất. 

Khi nhìn vào người mẫu nam trong các chiến dịch quảng cáo thời trang, bạn thường hiểu lầm rằng họ có cuộc sống rất xa hoa. Nhưng thực tế, nhiều người mẫu nam phải quay cuồng đỡ gánh nặng mưu sinh với mức thù lao bèo bọt. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem