Người nâng niu bảo tàng Bác Hồ

Thứ sáu, ngày 03/09/2010 08:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Nguyễn Đình Sơn ở phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hoá gần 30 năm qua đã lặn lội khắp nơi để sưu tầm một bảo tàng về Bác.
Bình luận 0
img
Ông Nguyễn Đình Sơn bên những tài liệu về Hồ Chí Minh.

Cũng như bao nhiêu thanh niên khác, kháng chiến chống Pháp nổ ra, Nguyễn Đình Sơn lên đường làm nhiệm vụ cao cả đó là sửa đường, gỡ bom cho từng đoàn xe chở vũ khí phục vụ trận Điện Biên Phủ.

Khi hòa bình lập lại, ông được điều về Cục Cảnh vệ và vinh dự được làm người lính bảo vệ cho Người. “Tôi đã được tập võ cùng Bác, ăn cơm cùng Bác và được Bác ân cần dạy bảo. Những lời dặn dò thân thiện đó như tình cảm của một người cha đang dạy cho con. Từ đó tôi quyết tâm sau này có điều kiện sẽ làm một cái gì đó để tỏ lòng thành kính” - ông Sơn tâm sự.

img
Các bài báo về Bác Hồ được ông Sơn lưu giữ.

Khi người vợ của ông qua đời, để lại đàn con thơ dại, ông Sơn đã xin về Công an Thanh Hóa công tác. Đến năm 1982 ông nghỉ hưu và lúc đó ông mới có được thời gian rảnh rỗi để thực hiện tâm nguyện của mình: Tìm lại dấu tích của Người. Tháng 2 - 1983, ông Sơn được giao làm Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tư liệu của Người, do ông đề xuất với Ban đề tài tư liệu lịch sử 2253NV Thanh Hoá.

Sau bao nhiêu năm miệt mài, tìm kiếm nghiên cứu, ông Sơn và Ban đã thu thập được hàng nghìn bài báo về Bác, hàng nghìn bức ảnh và hơn 50 bút tích, bài nói chuyện của Người. Ngoài ra, Ban còn được một Việt kiều Pháp tặng cho một số cuốn phim độc nhất vô nhị mang tên “Việt Nam – Bác Hồ”, “Việt Nam đất nước con người”, “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”. Hiện những bộ phim quý giá này đã được tặng cho Viện Tư liệu phim Việt Nam.

Giờ đây tuổi đã già, đôi chân đã yếu nhưng ngày ngày ông vẫn đi, đi tới bất kỳ nơi đâu có di vật của Bác để nghiên cứu, sưu tầm.

Ngôi nhà do các con ông xây cho bố, giờ đây đã trở thành một “bảo tàng Hồ Chí Minh”, một kho tư liệu để học sinh học tập, tìm hiểu mỗi khi cần tìm tài liệu về Bác Hồ. “Nếu một bức ảnh nào về Bác bị rách thì tôi đau lắm, chẳng khác gì như dao cứa vào thịt mình”- ông nói.

Dù đã ở cái tuổi “bát tuần”, nhưng để bổ sung thêm tư liệu cho bảo tàng của mình, ông Sơn vẫn miệt mài nghiên cứu và viết những cuốn sách như “Chung một tấm lòng với Bác”, “Trọn lòng với Bác kính yêu”… “Tôi bây giờ chỉ mong một điều duy nhất là có sức khỏe để tiếp tục hành trình con đường đi tìm bút tích của Người để con cháu đời sau gìn giữ, học hỏi và tự hào về một vị lãnh tụ của dân tộc” - ông Sơn tâm sự

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem