Nhiều nông dân cầm can đi mua xăng về bơm nước cho ruộng chỉ nhận cái lắc đầu, nhiều cửa hàng thậm chí còn lập hàng rào rồi treo biển “hết xăng”. Thế nhưng, phóng viên phát hiện từ những cây xăng này dân buôn lậu muốn mua bao nhiêu cũng có…
|
Một cửu vạn và chiếc xe không số đai hàng qua cầu Tà Nu, sang bên kia biên giới. |
Sôi động nghề buôn xăng
Dọc tuyến biên giới, tình hình xuất lậu xăng dầu sôi động từ những ngày giáp Tết cho đến nay. Giới con buôn huy động mọi phương tiện, từ thủy đến bộ, xe gắn máy, xe ba gác, xe máy cày, xuồng máy, vỏ lãi để chở xăng, dầu qua Campuchia. Nhiều người dân sống ven biên giới lâu nay không biết đến buôn bán cũng “tập tành” làm con buôn khi sử dụng phương tiện mưu sinh hàng ngày tham gia trung chuyển xăng, dầu để kiếm lời.
Ông Ba Tài, dân thương hồ khu vực huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, ông có chiếc ghe loại 8 tấn, chuyên đưa đồ hàng bông sang tỉnh Takeo (Campuchia) tiêu thụ. Theo thói quen, ông hay trữ 5 - 7 can dầu để chạy máy. Mấy ngày qua, thấy nhiều bạn hàng mỗi chuyến ghe thường chất kèm chục can xăng dầu xuống hầm ghe đưa sang Campuchia, ông Tài bắt chước làm theo. “Mình làm cò con, tiền lời dư mua xăng, cà phê, thuốc hút” - ông nói.
Tại các sà lan bán lẻ xăng dầu trên kênh Vĩnh Tế (huyện Tịnh Biên, An Giang) rất nhiều người dân tham gia quy trình “mua gom”. Nếu không có vốn, người dân chỉ cần dùng xe máy chở xăng đến dọc các điểm “trung chuyển” cặp bờ kênh vẫn nhận được tiền công khoảng 15.000 đồng/can. Tại đây, hàng chục vỏ lãi lần lượt thay nhau chất đầy can xăng dầu theo ngả kênh Tư Mèo vượt biên qua Thom Đưng, Kirivong, Takeo.
Dọc theo các cửa khẩu ở Long An, người dân Campuchia sang Việt Nam cắt lúa, mua hàng cũng đai theo 4 - 5 can nhựa loại 30 lít, khi về họ tạt vào cây xăng bơm đầy các can rồi ung dung chở về, mỗi chuyến bỏ túi cả trăm ngàn tiền lời.
Ở biên giới Đồng Tháp, nhiều sà lan bán lẻ xăng dầu trên sông Sở Thượng tham gia vào “quy trình” xuất lậu xăng dầu một cách công khai. Hàng đống can nhựa chứa đầy xăng dầu được để sẵn trên sà lan. Ghe buôn, vỏ lãi ghé “ăn hàng” chỉ cần “một đổi một” (đổi can không lấy can có dầu), trả tiền rồi rú ga tăng tốc qua bên kia biên giới…
Tại khu vực cửa khẩu Khánh Bình (An Giang), nhiều cây xăng luôn chất sẵn can không, buổi tối số can này sẽ được bơm đầy xăng dầu, sau đó đưa xuống ghe vận chuyển qua cửa khẩu Chraythom. Theo Hải quan Khánh Bình, huyện An Phú buôn lậu xăng dầu chủ yếu hoạt động về đêm nên khó kiểm soát.
Ưu tiên cho… con buôn
Theo điều tra của Dân Việt, nhiều cây xăng dọc biên giới còn giở chiêu “hết xăng” với khách hàng mua lẻ mà chỉ ưu tiên bơm xăng vào can cho con buôn. Theo người dân, xăng bán để xuất lậu giá thường cao hơn giá quy định trong nước khoảng 500 - 1.000 đồng/lít. Đây là lý do khiến nhiều chủ cây xăng không muốn bán cho nông dân.
Tại huyện Giang Thành (Kiên Giang), nhiều điểm kinh doanh xăng dầu dọc bên đường cũng kéo kín rào, treo bảng hết xăng. Thế nhưng khi trời sẩm tối thì hàng đống can nhựa bơm đầy xăng dầu ở những cây xăng này sẽ được chuyển lên xe tải, xuống ghe để vận chuyển qua bên kia biên giới.
Sáng 10-2, trong vai người đi đường hết xăng, tôi lếch thếch dắt xe vào cây xăng Thanh Hiền (ấp 4, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An) để đổ xăng. Lúc này chủ cây xăng đã cho kéo hàng rào phía trước các trụ bơm, chỉ chừa một lối đi nhỏ.
Thấy tôi kêu đổ xăng, một người đang bơm xăng vào đống can nhựa khoát tay bảo không có. Thấy “khách” cứ ngần ngừ không chịu đi, một người khác bước ra chỉ vào tấm biển “cấm lửa, hết xăng” dựng trước trụ bơm rồi chỉ tôi dẫn xe ra ngoài.
Bên trong cây xăng này, các xe gắn máy cứ mỗi xe chất 4 can (tương đương 120 lít) rồi chạy qua cầu Tà Nu, qua cầu KT10 rồi lao về biên giới. Chúng tôi thử đo thời gian, cứ mỗi xe “ăn hàng”, đưa tới đường biên rồi quay trở lại cây xăng chỉ mất chưa đầy 15 phút.
Sáng 11-2, chúng tôi quay lại cây xăng Thanh Hiền, tấm biển “cấm lửa, hết xăng” vẫn nằm ở vị trí cũ, mọi việc lại diễn ra đúng “kịch bản”: Không bán lẻ, chỉ bán sỉ cho con buôn! Qua cầu Tà Nu, chúng tôi vào cây xăng Minh Quý (cách cây xăng Thanh Hiền chừng 300m) thì nơi đây cũng kéo hàng rào, treo biển hết xăng. Chúng tôi chuyển qua cây xăng Hồng Thủy (ấp Tà Nu, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng), tình trạng “hết xăng” lại tiếp diễn!
Dù các cây xăng xung quanh khu vực cầu Tà Nu đều thông báo “hết xăng” nhưng trên các con đường, dân cửu vạn vẫn đai hàng lao vun vút về bên kia biên giới. Nhiều người dân sống ở xã biên giới Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng) bức xúc: “Chúng tôi muốn đổ xăng cho chiếc xe gắn máy cũng phải chạy gần 20km ra thị trấn Vĩnh Hưng, trong khi dân đi lậu mua bao nhiêu cũng có. Đúng là kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
-------------
>> Bài 2: Những cây xăng “vua"
Hữu Danh - Phương Dung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.