Người Pháp đào kênh phục vụ cả quân sự và kinh tế (Kỳ 1)

Thứ tư, ngày 04/07/2018 18:34 PM (GMT+7)
Với hệ thống kênh đào được thi công trong khoảng 80 năm, người Pháp đã tạo nên sự chuyển biến kinh tế, xã hội rõ rệt cho vùng Đồng Tháp Mười.
Bình luận 0

Lục tỉnh Nam Kỳ đầu thế kỷ 19 là vùng đồng bằng phần lớn ngập nước. Nhiều vùng ở Tây Nam Bộ ngập mặn, nhiễm phèn, đất rộng mà không canh tác được. Vua chúa nhà Nguyễn và nhất là người Pháp đã dùng sức lao động của người dân Việt Nam để làm nên một hệ thống kênh dẫn nước khổng lồ, đan kín đồng bằng Nam Bộ. Chính hệ thống kênh đào này đã thau chua, rửa mặn, hồi sinh cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn, phát triển nông nghiệp. Ngoài chuyện phục vụ người Pháp khai thác thuộc địa một cách triệt để, hệ thống kênh đào cũng đã làm nên một vùng đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước và tràn trề sức sống đến tận ngày nay. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài nghiên cứu của tác giả Trần Hữu Thắng, Giảng viên Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về hệ thống kênh đào thời Pháp thuộc ở vùng Đồng Tháp Mười.

Với đặc thù về điều kiện tự nhiên: vùng trũng, nước úng, chua - phèn, vào mùa lũ lụt cả đồng bằng bị ngập, thực vật chủ yếu là lau sậy và rừng Tràm. Vì thế, để khai hoang, các bậc tiền nhân người Việt phải tìm ra phương thức hữu hiệu nhất để chinh phục vùng đất hứa. Thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, đã đào kênh Bà Bèo, kênh Lợi Tế, kênh Bo Bo, nhằm phục vụ an ninh - quốc phòng.

Sau này, những kênh đào buổi đầu khai phá đó, đã trở thành tuyến thủy lộ quan trọng. Từ đây, Đồng Tháp Mười đã được khai hoang nhưng vùng đất này vẫn còn hoang sơ, ít người biết đến. 

img

Bản đồ hệ thống song ngòi, kênh rạch Nam Bộ

Sau khi chiếm được Nam Kỳ, tư bản Pháp đầu tư vốn phát triển hạ tầng để phục vụ cho hoạt động khai thác. Trong đó, luôn có một khoảng ngân sách vốn đầu tư cho công việc đào, vét kênh rạch ở Nam Kỳ mà chủ yếu là vùng Tây Nam Bộ.

Với hệ thống kênh đào được thi công trong khoảng 80 năm, người Pháp đã tạo nên sự chuyển biến kinh tế, xã hội cho vùng Đồng Tháp Mười. Chỉ riêng trong nông nghiệp, công việc “dẫn thuỷ nhập điền”, “thau chua, rửa phèn, tháo úng” ngày càng có hiệu quả hơn trước, đất đai tươi xốp, màu mỡ dần. Công cuộc khai hoang được đẩy mạnh, dẫn đến diện tích đất canh tác không ngừng được mở rộng, năng suất và sản lượng lúa cũng tăng và hình thành lên một vựa nông sản mới cung cấp cho Sài Gòn - Chợ Lớn.

Hệ thống kênh đào vùng Đồng Tháp Mười thời thuộc Pháp nhiều hơn về số lượng, chú trọng hơn về giao thông thương mại. Giao thông nội thủy bắt đầu nối liền với các vùng lân cận, làm cho địa thế cô lập của “vùng trũng” dần dần được xoá bỏ, tạo điều kiện cho vùng Đồng Tháp Mười tiếp nhận thêm nguồn nhân lực, vật lực và văn minh từ những đô thị lớn như Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An, Sài Gòn - Chợ Lớn.

img

Làng nổi trên sông ở Châu Đốc - An Giang

Cấu tạo địa hình: Đồng Tháp Mười được phân ra 3 vùng: vùng cao bên bờ sông Tiền, có độ cao từ 1,5m - 2,0m (từ Hồng Ngự xuống Tiền Giang); vùng trung tâm, có độ cao từ 0,4m - 0,75m (huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, thị xã Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hoá, gò Tháp Mười thuộc các huyện tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang); vùng giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, độ cao từ 0,3m - 0,4m, riêng dãy phù sa cổ phía Bắc cao từ 2,0m - 4,0m thuộc các huyện Đức Huệ và Thủ Thừa. Do cấu tạo địa hình như vậy, nên Đồng Tháp Mười mang tính chất một “đồng lụt kín”.

Thổ nhưỡng: hầu hết đất đai bị nhiễm phèn. Đây là điều bất lợi rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp - trồng trọt, cũng là một trong những trở lực tự nhiên chủ yếu đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười trong nhiều thế kỉ. Sông ngòi - kênh rạch, Đồng Tháp Mười có sông Tiền bao boc̣ phía Tây và phía Nam. Có sông Vàm Cỏ Đông bao bọc phía Đông và sông Vàm Cỏ Tây nằm giữa bồn trũng Đồng Tháp Mười. Phia Bắc là các rạch Sơ Hạ - Cái Cò - Long Khốt nối tiếp nhau kéo dài từ sông Tiền đến sông Vàm Cỏ Đông.

Ngoài ra, còn có một hệ thống kênh rạch thiên nhiên chằng chịt nối liền với các sông lớn.

Chế độ thủy văn: dòng chảy vùng Đồng Tháp Mười phụ thuộc vào sông Tiền và hệ thống sông Vàm Cỏ. Chế độ dòng chảy trong vùng này rất phức tạp và chia thành hai mùa rõ rệt, là mùa kiệt và mùa lũ.

img

Bản đồ địa hình vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Những đặc điểm tự nhiên trên đã quy định tính đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười mà nổi bật lên là các yếu tố: nước - mưa - lũ lụt - chua phèn.

Từ đây, đặt ra cho con người phải tìm ra những biện pháp nhằm khai hoang, cư trú và sản xuất có hiệu quả nhất.

Trần Hữu Thắng (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem