Người phụ nữ đầu tiên chạy đua vào Nhà Trắng (Kỳ cuối): Đi trước thời đại

Thứ năm, ngày 28/06/2018 19:20 PM (GMT+7)
Bà Woodhull từ một phụ nữ chìm trong cuộc hôn nhân đầu đời thất bại đã trở thành một phụ nữ có đam mê, quyết tâm, không sợ hãi khi đòi hỏi phụ nữ cũng phải có một chỗ bình đẳng ở Mỹ.
Bình luận 0

ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI

Ở New York, hai chị em bà đã trở thành các nhà duy linh, lên kế hoạch gặp và thuyết phục triệu phú đường sắt và tàu thủy Cornelius Vanderbilt, một người góa vợ và rất quan tâm tới phong trào duy linh. Bà Woodhull hi vọng mình có thể làm hài lòng ông Vanderbilt vốn luôn ám ảnh bởi khao khát liên lạc với người mẹ đã chết. Nhiều năm trôi qua, các nhà báo viết rằng bà Woodhull có thể đã trở thành người tình của ông này, trong khi đó có người lại bảo đó là Tennessee.

img

Bà Victoria Woodhull trong một buổi diễn thuyết.

Người đàn ông giàu có hàng đầu Mỹ đã giúp hai chị em Woodhull và Tennessee kinh doanh. Công ty Woodhull và Claflin đã mở cửa trên phố Broad năm 1870. Họ đã trở thành những người phụ nữ đầu tiên làm nghề môi giới cổ phiếu, thành lập và điều hành một công ty môi giới ở Phố Wall. Sự kiện này đặc biệt khác lạ thời kỳ đó. Vào ngày mở văn phòng, hai chị em ăn mặc bắt mắt, váy quá ngắn so với chuẩn mực thời đó. Hàng nghìn người tò mò kéo đến. Báo chí gọi hai chị em Woodhull là “nữ hoàng tài chính” và “nhà môi giới quyến rũ”.

Bằng số tiền kiếm được nhờ kinh doanh môi giới, năm 1870, hai chị em Woodhull đã thành lập một tờ báo cấp tiến mang tên Tuần báo Woodhull & Claflin. Năm 1871, bà Woodhull đã đóng vai trò lãnh đạo trong Hiệp hội Công nhân Quốc tế Karl Marx. Khi đó, bà cho tờ tuần báo đăng bản đầu tiên bằng tiếng Anh tác phẩm “Tuyên ngôn đảng Cộng sản” của Karl Marx và Friedrich Engels. Tờ báo này hoạt động trong 6 năm.

Cũng trong năm 1871, bà Woodhull thông báo sẽ tranh cử tổng thống, thể hiện khao khát mạo hiểm vô bờ và chứng tỏ mình là người đi trước thời đại. Tâm điểm của tuyên ngôn mà bà thể hiện là một xã hội tự do, không có những luật lệ can thiệp vào quyền của bất kỳ cá nhân nào, dù là đàn ông hay phụ nữ, da trắng hay da màu nhằm mục tiêu theo đuổi hạnh phúc. Bà tin rằng phụ nữ cần được tự do tìm kiếm tình yêu thực sự cho dù có kết hôn hay không. Theo ý bà, lý tưởng nhất là chế độ một vợ một chồng cho dù chế độ này không phải là mục tiêu hiện thực trong phần lớn các cuộc hôn nhân khổ đau.

img

Tranh biếm họa về bà Woodhull.

Bà Woodhull vận động cho “tình yêu tự do”, tức là phụ nữ có quyền kết hôn, ly dị và nuôi con mà chính phủ không được can thiệp vào. Bà phản đối “nô lệ tình dục”, tức là tiêu chuẩn hai mặt dung thứ cho đàn ông đã kết hôn không chung thủy nhưng lại bêu xấu, gạt ra lề nếu phụ nữ có chồng nhưng không chung thủy. Bà khuyến khích mại dâm hợp pháp hóa. Trong một bài phát biểu tại tòa nhà Steinway ở New York, bà tuyên bố “quyền tự nhiên, hợp hiến và không thể xâm phạm được yêu người mình yêu, được yêu bao lâu tùy ý và có thể thay đổi tình yêu hàng ngày nếu tôi thích”.

Năm 1872, bà Woodhull đã trở thành người phụ nữ đầu tiên điều trần trước một ủy ban quốc hội là Ủy ban Tư pháp Hạ viện về chủ đề quyền bầu cử của phụ nữ. Luận điểm của bà là Tu chính án sửa đổi 14 và 15 Hiến pháp Mỹ đã đảm bảo quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Do đó, điều mà quốc hội cần làm chỉ là thông qua một luật đảm bảo các quyền này. Lúc đó, nhà cải cách xã hội Susan Anthony cũng đồng tình với luận điểm của bà Woodhull và đã đề nghị bà nhắc lại tại Đại hội của Hiệp hội Quyền bầu cử của phụ nữ quốc gia.

Khi đó, bà Woodhull nổi tiếng vì tài hùng biện, có sức thu hút và quá khứ không bình thường. Khán giả nghe các bài thuyết trình của bà lên tới hàng nghìn người. Dù vậy, vẫn có nhiều người, cả nam và nữ, cho rằng một phụ nữ ly hôn không bình thường, không e ngại khi nói về tình dục, tôn giáo, chủng tộc như bà Woodhull là điều ghê tởm.

Ngày 2.11.1872, ba ngày trước ngày bầu cử tổng thống, do bị nhà thuyết giáo được kính trọng tại Brooklyn là ông Henry Ward Beecher công kích quá nhiều, hai chị em bà Woodhull đã đăng chi tiết trên tuần báo về vụ ngoại tình của ông này. Ngay sau đó, trên bục giảng kinh, ông này đã chỉ trích quan điểm của bà Woodhull về tình dục và hôn nhân. Đáp lại, bà Woodhull cho biết bà không phản đối sự ngoại tình của ông Beecher mà phản đối thói đạo đức giả của ông này.

Khi cuộc bầu cử tổng thống cận kề, bà Woodhull, chồng và em gái đã bị bắt với cáo buộc “không đứng đắn” khi xuất bản một “tờ báo tục tĩu” chỉ vì có một bài báo đề cập tới từ “trinh tiết”. Ba người về sau được xử vô tội. Tuy nhiên, không lâu sau, danh tiếng của bà Woodhull đã bị một cú đấm mạnh thứ hai trên báo chí. Cú đấm đến từ tác giả Harriet Beecher Stowe, một nhà văn có giọng lưỡi cay nghiệt và là chị gái của ông Beacher. Bà Stowe đã gọi bà Woodhull là “mụ phù thủy vô liêm sỉ”.

Năm 1876, sau khi ly hôn người chồng thứ hai, ngừng xuất bản tờ tuần báo và trở thành mục tiêu bị căm ghét ở Mỹ vì dám phanh phui vụ ngoại tình của ông Beecher, bà Woodhull đã rút lui về hậu trường, sống ở London. Ở đây, bà kết hôn lần ba với ông John Biddulph Martin, con trai một gia đình kinh doanh ngân hàng giàu có người Anh dù bị mẹ của Martin phản đối kịch liệt.

Cặp đôi sống ở London. Năm 1892, bà Woodhull định tranh cử tổng thống lần hai nhưng nỗ lực bất thành. Tại thời điểm đó, bà không nhận được ủng hộ từ các nhà thúc đẩy quyền bỏ phiếu cho phụ nữ. Bà và chồng chấp nhận thực tế và quay trở về Anh sống.

Ông Martin chết năm 1901. Bà Woodhull, một trong những phụ nữ đầu tiên có xe ô tô ở Anh, đã sống một cuộc sống góa bụa giàu có trong một biệt thự trên khu đất rộng 1.200 mẫu ở Cotswolds.

Thùy Dương (Báo Tin Tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem