Sài Gòn năm 1964, giữa bao nhiêu thông tin hỗn độn về chiến sự và những hình ảnh xã hội thượng lưu theo phong trào Âu - Mỹ tràn ngập phố phường, người ta bỗng chú ý đến một chuyện mới lạ.
Đó là sự kiện Hãng hàng không Air Vietnam lần đầu tiên tổ chức cuộc thi tuyển “chiêu đãi viên hàng không”. Người ta càng chú ý hơn đến “cô Bắc kỳ nho nhỏ” Đặng Tuyết Mai, đẹp như một hoa khôi, là một trong 4 cô gái giành “vương miện” của cuộc thi danh giá này.
Xuất thân từ một gia đình gia giáo, được học hành tử tế, lại được trời cho nhan sắc hơn người, cô gái trẻ 20 tuổi Tuyết Mai có khá nhiều cánh cửa vào đời, như học làm bác sĩ, làm nghệ sĩ, đi du học… Nhưng cô đã chọn thử sức ở một cuộc thi mới lạ, một nghề mới lạ, quanh năm làm việc trên bầu trời.
Cuộc thi tuyển rất gắt gao. Cả bốn kiều nữ trúng tuyển đều là những cô gái dáng dong dỏng cao, giỏi hai ngoại ngữ Anh, Pháp và kiến thức xã hội phong phú, hiểu biết nhiều vấn đề trong xã hội. Tuyết Mai cho rằng, do cô may mắn được cha mẹ sinh ra có chút nhan sắc và mê đọc sách từ bé nên kiến thức phổ thông có sẵn, nên đã không chút lúng túng trong phần thi ứng xử tình huống.
Ngay hôm sau cuộc thi, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cả Sài Gòn như tạm lắng dịu, như quên những chuyện chiến sự, chuyện giật gân, scandal về các minh tinh, nghệ sĩ vốn dĩ thường ngày chiếm hết thời gian. Tất cả xôn xao bàn tán về 4 chiêu đãi viên đẹp như tiên giáng trần đầu tiên của Hãng Air Vietnam.
Lúc đó trên bàn tướng tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ cũng có một tờ báo đưa tin về “Hoa khôi Sài Gòn Đặng Tuyết Mai” đoạt giải cuộc thi của Air Vietnam. Hình ảnh cô gái trẻ có nụ cười mê hồn đã khiến hàm râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ co giật nhiều lần và đôi mắt cực kỳ quyến rũ của chàng nghệ sĩ không trung dán chặt vào bức ảnh cô chiêu đãi viên hàng không là hoa khôi Đặng Tuyết Mai.
Như là duyên trời định, chỉ ít lâu sau, trên chuyến bay từ Manila về Sài Gòn, cô chiêu đãi viên hàng không - hoa khôi Tuyết Mai đã rón rén đến phục vụ bữa ăn nhẹ cho tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ. Khỏi phải nói, viên tướng lịch lãm, hào hoa đã không bỏ lỡ cơ hội làm quen người đẹp.
Ba tuần sau, Tuyết Mai nhận lệnh đặc biệt đi phục vụ chuyến bay của đoàn sĩ quan cao cấp không quân Việt Nam Cộng hòa sang Bangkok tham dự các hoạt động giao lưu, tiếp kiến nhà vua Thái Lan, nhận huân chương danh dự của không quân Hoàng gia Thái Lan. Trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng hòa, không ai khác, chính là tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Vừa tán gái vừa dẹp đảo chính
Tướng Nguyễn Cao Kỳ sinh năm 1930, lớn hơn Tuyết Mai những 14 tuổi. Cho đến thời điểm tháng 9/1964, lúc gặp người đẹp Tuyết Mai, Nguyễn Cao Kỳ đã qua một đời vợ người Pháp, có 5 người con riêng. Còn Tuyết Mai cũng có một chút cảm tình với một chàng phi công không quân dưới trướng của tướng Kỳ, nhưng chưa đủ nồng nàn, chưa gọi là tình yêu.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên trên chuyến bay từ Manila về Sài Gòn, hình ảnh Tướng Kỳ đã in đậm trong tâm hồn cô gái trẻ. Để rồi trong lần gặp lại trên chuyến bay sang Bangkok cũng do tướng Kỳ sắp đặt, trái tim bé bỏng của cô gái trẻ đã bị chinh phục.
Tuyết Mai nhớ lại, phái đoàn không quân của tướng Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu đi thăm Thái Lan tưng bừng khí thế, vui vẻ tràn đầy. Buổi sáng, cả đoàn ăn sáng, dạo chơi, bàn bạc, đến tối sẽ đi vũ trường nào, thăm viếng chùa nào ngày mai, ăn món gì, mua quà gì…
Trong lúc cả hội bàn tán xôm tụ, tướng Kỳ bỗng xuất hiện với vẻ mặt rất nghiêm nghị, dõng dạc nói như ra lệnh: “Không đi đâu cả. Về ngay khách sạn thu dọn hành lý về. Sài Gòn đang xảy ra đảo chính”. Mọi nụ cười tắt lịm trên môi, không ai biết điều gì sắp xảy ra.
Suốt ba giờ trên máy bay từ Bangkok về Tân Sơn Nhất, Tuyết Mai không cần mặc trang phục của Air Vietnam như thường lệ, vì Tướng Kỳ cho biết: “Bay đêm, đáp sân bay không quân, không cần câu nệ nghi thức”.
Trên suốt chuyến bay hồi hộp ấy, Tuyết Mai được mời ngồi bên cạnh Tướng Kỳ, được nghe thông báo tình hình chiến sự đang diễn ra tại Sài Gòn. Bằng sự thông minh vốn có, cô gái chia sẻ vài thông tin với ông, khiến Tướng Kỳ cảm phục và khen ngợi hết lời.
Đáp xuống sân bay quân sự, Tuyết Mai và Cao Kỳ được xe đón về tư dinh của Tướng Kỳ. Sài Gòn đang diễn ra cuộc đảo chính lần thứ 2 trong năm 1964. Đó là ngày 13/9/1964, các tướng lĩnh làm cuộc biểu dương lực lượng, yêu cầu “Quốc trưởng” - trung tướng Nguyễn Khánh ra đi.
Bằng một phong thái tỉnh táo khác thường, tướng Kỳ ngồi trong tư dinh vừa tán tỉnh, trấn an người đẹp Tuyết Mai, vừa nắm bắt tình hình, ra lệnh cho máy bay ném bom khu vực trung tâm Sài Gòn, nơi đang có hàng trăm xe tăng của lực lượng đảo chính.
Sự can thiệp của Nguyễn Cao Kỳ ngay lập tức mang lại kết quả, lực lượng đảo chính biết không thể thành công, nên đã rút lui trong trật tự, không hề có máu đổ. Tất cả thừa biết rằng, không quân của tướng Kỳ có thể san bằng tất cả nếu họ manh động.
Sau một đêm tá túc tại nhà tướng Kỳ, Tuyết Mai quay về nhà. Hôm sau thức giấc, Tuyết Mai được người nhà cho biết có một viên sĩ quan đến nhà gửi tặng hoa hồng phấn - loài hoa mà cô yêu thích nhất cùng một lá thư. Trong thư, Tướng Kỳ ngỏ lời mời Tuyết Mai ăn cơm trưa tại nhà hàng Caravelle ở trung tâm Sài Gòn kèm lời tán tỉnh “hy vọng những bông hồng này sẽ đem lại chút hạnh phúc nhỏ bé khi đánh thức cô dậy”.
Đến khách sạn Caravelle, Tuyết Mai thấy tướng Kỳ đã đậu máy bay trực thăng trên nóc khách sạn, ngồi đợi cô trong phòng ăn đặc biệt. Giữa không gian ấm cúng và lý tưởng có một không hai của đất Sài Gòn, trong men rượu vang tê tái đầu lưỡi và tiếng nhạc du dương, tướng Kỳ đã ngỏ lời cầu hôn Tuyết Mai. Sau này nhớ lại, Tuyết Mai không thể diễn tả được cảm giác rất đặc biệt và thiêng liêng khi ấy.
Đám cưới lớn nhất Sài Gòn
Đám cưới của tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ và cô chiêu đãi viên Hàng không Air Vietnam được tổ chức tại chính nơi mà viên tướng đã ngỏ lời cầu hôn - Khách sạn Caravelle, vào tháng 11/1964. Đây được coi là sự kiện tâm điểm của báo giới và dư luận Sài Gòn khi ấy và là đám cưới tổ chức lớn nhất, đông khách nhất, tốn kém nhất ở Sài Gòn cho tới thời điểm ấy.
Đến dự tiệc cưới có cả ngoại giao đoàn ở Sài Gòn và hầu hết bạn bè thân thiết của tướng Kỳ trong lực lượng không quân. Đến mừng ngày vui, Thủ tướng đương nhiệm Trần Văn Hương đã gửi tặng một món quà là 200.000 đồng tiền Sài Gòn, khi ấy, số tiền đó lớn đủ để trang trải phí tổn của tiệc cưới tại nhà hàng Caravelle.
Còn tướng Nguyễn Khánh thì tặng cho “đôi uyên ương” một món quà lộng lẫy - một chiếc xe Ford Falcon, kiểu năm 1960. Đây cũng là chiếc xe hơi đầu tiên mà Nguyễn Cao Kỳ được làm chủ, vì trước đó tướng Kỳ chỉ lái xe hơi do quân đội cấp.
Theo ghi nhận của mọi người, trong suốt cuộc hôn nhân kéo dài 23 năm (từ 1964 - 1987), Tướng Kỳ luôn tỏ ra là người chồng chung thủy, không bị tai tiếng về tình ái như các tướng lĩnh Sài Gòn khác (kể cả Nguyễn Văn Thiệu). Đó có thể nói là cuộc hôn nhân “như mơ”. Một sự kiện khác đã tô điểm thêm cho cuộc hôn nhân này là khi tuần trăng mật vẫn còn vương vấn nồng nàn chưa tan.
Hội đồng tướng lĩnh ở Sài Gòn đã họp lại đồng thuận để Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng, thành lập nội các mới sau vụ ám sát Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu. Ban đầu tướng Kỳ từ chối, nhưng không được, cuối cùng ông đồng ý với điều kiện: “Tôi phải xin phép vợ tôi đã”.
Tướng Kỳ nhớ lại: “Phản ứng đầu tiên của vợ tôi là “không được” (không được làm thủ tướng). Lý do? Vì lúc ấy chúng tôi là vợ chồng mới cưới, chúng tôi không muốn dính líu đến các mưu đồ chính trị. Tuy nhiên, sau khi tôi giải thích cho vợ tôi nghe các sự việc đã xảy ra (về cuộc họp và sự ủng hộ cuồng nhiệt của các tướng lĩnh), vợ tôi đã hiểu và đồng ý với việc tôi đứng ra thành lập chính phủ mới. Ngày hôm sau, tôi trở lại phòng họp của hội đồng quân lực để xác nhận quyết định này của tôi”.
Dù làm Thủ tướng, nhưng tướng Nguyễn Cao Kỳ và cô vợ trẻ Tuyết Mai vẫn tiếp tục ở trong căn cứ không quân như cũ, thay vì chuyển đến một khu công thự dành cho mình theo cương vị mới, đó là một nhà lầu ba tầng cách Dinh Độc Lập không xa.
Thế là từ đấy, cô tiếp viên hàng không hoa khôi Sài Gòn nhí nhảnh, hồn nhiên phải giã từ mọi thứ đam mê thời con gái, giã từ những chuyến bay của Air Vietnam để học làm “Đệ nhị phu nhân” của Việt Nam Cộng hòa, một bước ra đường có kẻ hầu, người hạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.