Một góc nhìn của GS Nguyễn Lân Dũng về cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Một góc nhìn của GS Nguyễn Lân Dũng về cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan
GS.TS Nguyễn Lân Dũng
Thứ tư, ngày 05/07/2023 13:20 PM (GMT+7)
Tôi gọi nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là anh, vì anh hơn tôi có 1 tuổi, lại có quan hệ họ hàng với tôi. Anh là con rể cụ Hồ Đắc Di, mà bà Di lại là em gái bà Huyên- mẹ vợ tôi.
LTS: Báo điện tử Dân Việt xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của GS.TS Nguyễn Lân Dũng cảm nhận về cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, một người anh và cũng là một người có quan hệ họ hàng gần gũi, thân thiết với GS Lân Dũng.
Tôi rất thích bài anh viết trên mục Góc nhìn của VnExpress. Anh tự nhận "mình không phải người tài nhưng được người tài sử dụng."
Tôi không nghĩ như thế. Thường người ta nghĩ người tài là người có nhiều học hàm, học vị. Khi anh chưa hoàn thành bậc Đại học ở Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO) thì đã bị điều về công tác tại Bộ Ngoại giao. Nhưng anh thực sự có tài.
Ít ai thông thạo cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh đủ mức làm phiên dịch cho lãnh tụ hai nước, làm đặc trách trong các trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.
Ít ai đủ trình độ giảng dạy để đào tạo nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao nước ta. Cũng ít ai đủ trình độ để làm nổi cương vị Bộ trưởng Thương mại rồi làm Phó Thủ tướng Chính phủ…
Nhưng tôi thường thầm nghĩ anh thực sự là người tài khi được đọc những ý kiến phát biểu của anh trên báo chí:
Anh từng quan niệm: Đối với mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là nghĩa vụ thiêng liêng, không bảo vệ được chúng thì khỏi nói đế chuyện phát triển. Ngược lại, không nỗ lực tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất để phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia thì cũng không lấy đâu ra "thực lực" và không thể tạo dựng được "vị thế" cần thiết để bảo vệ đất nước".
Anh viết: Dũng khí cần song hành với mưu lược, nhiệt huyết cần đi đôi với sự tỉnh táo, có trái tim nóng chưa đủ mà cần có cái đầu lạnh.
Anh viết: Người ta nói không có bạn vĩnh viễn, không có thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Do đó mình phải xác định cho thật rõ lợi ích của mình ở đâu. Lúc này lợi ích tối cao của ta là giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đi đôi với yêu cầu duy trì môi trường quốc tế thuận lợi để thực hiện dân giàu, nước mạnh. Hai lợi ích ấy gắn bó mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, không thể xem nhẹ mặt nào.
Anh viết: Bản thân nhân tài phải có hoài bão, phải dấn thân, ham mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, sống lương thiện chứ không nên chỉ đòi hỏi một chiều ở xã hội.
Anh viết: Mỗi người phải biết lượng sức, đừng bao giờ nghĩ mình là người không thay thế được. Tôi luôn tâm niệm: Không nên biết cách lên, nhưng nhất định phải biết cách xuống đúng lúc và đúng cách.
Anh viết: Có lẽ không nên nói quá nhiều những chuyện cao xa, mà hãy học làm người tử tế đã… Tôi trân trọng nhất là lòng tự trọng… Thật đau buồn thấy bây giờ sao lòng tự trọng bị đánh mất nhiều thế.
Anh viết: Cá nhân tôi nghĩ cuộc sống biến đổi không ngừng, có những chuyện hôm qua là mới, hôm nay đã không còn phù hợp. Đổi mới, sáng tạo, phải là yêu cầu thường xuyên, không ngừng nghỉ.
Anh viết: Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới.
Anh viết: Khát vọng thì phải thực tế. Vì khát vọng chung của đất nước là khát vọng rất lớn, nhưng khát vọng đó khi chuyển sang mỗi người, mỗi thanh niên thì phải là thực tế. Nhiều khi các bạn có những khát vọng rất đẹp nhưng lại xa vời với năng lực của bản thân.
Tôi nghĩ, nếu không phải là người tài thì làm sao nghĩ được và viết được như vậy?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.