Người Thái nâng niu “hồn” nhà sàn

Nguyễn Dương Chủ nhật, ngày 13/11/2016 06:51 AM (GMT+7)
Dù cuộc sống có thay đổi, đồng bào Thái ở Lai Châu vẫn sinh hoạt yên ấm bên trong ngôi nhà sàn đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc mình. Với họ, nhà sàn chính là tài sản vô giá cả về vật chất và tinh thần, là nơi đoàn tụ của nhiều thế hệ, để con cháu biết được những phong tục văn hóa truyền thống của cha ông.
Bình luận 0

Nhà sàn đẹp bản

Bản Hua Ná, xã Pa Khóa (huyện biên giới Sìn Hồ) là một trong những địa chỉ được nhiều người ở Lai Châu biết tới khi nhắc đến việc lưu giữ vẻ đẹp của nhà sàn dân tộc Thái Tây bắc. Biết phóng viên NTNN đến tìm hiểu về nét đẹp nhà sàn, Trưởng bản Hua Ná Lò Văn Uốn không thể giấu được niềm hoan hỉ cho hay: Ở Hua Ná có 96 hộ dân, chỉ có 3 hộ không sống trong nhà sàn, số còn lại đều ở  những nóc nhà sàn xưa cũ, mộc mạc và đậm chất truyền thống. Việc giữ gìn văn hóa nhà sàn luôn luôn trong ý thức của từng hộ dân. Người dân trong bản chúng tôi luôn quan niệm nhà sàn là nơi sinh hoạt gia đình thiêng liêng, chính vì thế không gian ấy luôn luôn phải được bền vững.

img

Góc nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Ảnh: T.D

Ông Lò Văn Nguyễn – Trưởng bản Nậm Mạ 2 cho hay, trong bản có rất nhiều ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng chục năm. Đợt trước, có người ở nơi khác đến dò hỏi và có ý định muốn mua nhà sàn nhưng người dân không bán. Bởi lẽ, người dân trong bản biết rằng, giá trị truyền thống của nhà sàn không thể tính bằng giá trị vật chất.

Theo Trưởng bản Lò Văn Uốn, ngôi nhà sàn xưa của tổ tiên được làm hầu hết bằng gỗ to lấy trên rừng. Phải mất khá nhiều thời gian mới có thể tìm được cây gỗ lim, cây gỗ sấu ưng ý về làm cột nhà. Khi tìm đủ gỗ, đồng bào Thái phải ngâm gỗ 1 - 3 tháng trong ao nước thì mới được lấy lên làm cột cho ngôi nhà. Người Thái thường dựng nhà cao chừng 2m so với mặt đất để chống ẩm thấp và thú dữ xưa.

Điều đặc biệt trong ngôi nhà sàn người Thái đó là không sử dụng bất kỳ một mẩu sắt nào để vít, chằng chéo khi xây dựng. Nhà sàn thường được chia thành 3 - 5 gian buồng; tùy vào điều kiện và hoàn cảnh gia đình mà có nhà chia thành 7 gian buồng; nhà nào càng nhiều gian là thể hiện sự khá giả và sang giàu. Nhà sàn ở Hua Ná được trang trí nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo như hình bông hoa, sừng trâu, răng cưa... ở xà nhà, lan can cầu thang, cửa sổ... 

Giữ yên nếp nhà

Bản Nậm Mạ 2, xã Nậm Mạ thuộc vùng thấp của huyện Sìn Hồ cũng là nơi được xem là gìn giữ tốt những nét đẹp văn hóa độc đáo của nhà sàn dân tộc Thái Tây Bắc. Thuộc diện tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân bản Nậm Mạ 2 đã di chuyển đến nơi ở mới này. Tưởng như những ngôi nhà sàn cũ kỹ sẽ được người dân thay đổi về mặt kiến trúc cho phù hợp hơn với cuộc sống hiện tại, tuy nhiên bà con đã không làm như vậy.

Ông Lò Văn Nguyễn - Trưởng bản Nậm Mạ 2 cho biết: “Bản có trên 60 hộ đồng bào dân tộc Thái. Khi phải di chuyển từ bản cũ lên khu tái định cư, tất cả các hộ đều đã mang theo toàn bộ cột, khung, xà, thưng dựng mà không hề bỏ lại. Khi đó, bà con trong bản cùng giúp đỡ nhau tháo dỡ, vận chuyển, rồi lại đóng dựng. Vận chuyển những cột trụ gỗ to nặng không phải dễ dàng nhưng truyền thống của dân tộc vẫn phải giữ. Hiện tại bà con có thay đổi kiến trúc, chỉ là thêm vào vài mái nhà bằng tôn, bằng ngói fibro xi măng, móng trụ bằng bê tông...”.

Những ngôi nhà sàn ở bản Nậm Mạ 2 vẫn giữ được thiết kế truyền thống có hai cầu thang lên xuống nằm ở đầu nhà và cuối nhà. Theo quan niệm, cầu thang ở đầu nhà thường dành cho nam giới, những người cao tuổi đi lại; còn cầu thang cuối nhà là dành riêng cho con dâu, phục vụ việc nấu nướng, nội trợ, bếp núc. Bếp được đặt ở trong nhà và luôn luôn có lửa hồng để sưởi ấm không khí. Bếp lửa được người Thái coi như là “trái tim” của ngôi nhà. Để phù hợp hơn với điều kiện sinh hoạt hiện nay, nhiều ngôi nhà sàn cũng được quây gỗ kín gầm; mua tấm lợp tôn thay bằng ngói đá cho mái nhà...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem