Nghiên cứu này do Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển RCGAD (ĐH KHXHNV), Tổng cục Thống kê Việt Nam và Hội Phụ nữ phối hợp thực hiện.
|
Tình trạng bạo lực gia đình vẫn chưa được ngăn chặn (ảnh minh họa). |
83% số nạn nhân bị thương tích
Nghiên cứu đã khảo sát 900 người bị BLGĐ tại 9 tỉnh thành phố. Kết quả cho thấy 90% số nạn nhân bị các BL nghiêm trọng như tát, đá, đánh, đấm; 69% bị chồng dùng đồ vật đánh, ném vào người; 37% bị chồng dùng (dọa) dao, kiếm, súng để tấn công; 36% bị cưỡng ép quan hệ tình dục, 33% làm hại (dọa) giết con hoặc người thân của vợ.
Hậu quả, 83% số nạn nhân bị thương tích từ sây sát đến gãy xương, chấn thương đầu, nội tạng, 98% bị sang chấn tâm lý như trầm uất, sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn, mất ngủ. Tuy 83% bị thương tích nhưng tỷ lệ trình báo công an của nạn nhân là rất thấp (43%).
Tuổi tác, điều kiện sống cũng ảnh hưởng đến quyết định trình báo của chị em. Tỷ lệ trình báo thấp nhất ở miền Bắc và cao nhất ở miền Trung. Phụ nữ ly hôn trình báo cao hơn phụ nữ vẫn sống chung, phụ nữ càng nhiều tuổi, kết hôn lâu càng hay trình báo, nhưng phụ nữ trên 60 tuổi thì 100% câm lặng. Chị em không có thu nhập cũng thấp cổ bé họng, người không được quyết định chi tiêu càng ít kêu.
Vẫn có 65% số chị em bị BLGĐ cho biết đấy là chuyện riêng, nên giải quyết trong gia đình, 30% không muốn ai biết, 30% cho rằng đó là vụ việc nhỏ nhặt, 22% xấu hổ, 23% sợ chồng đánh thêm. Cũng có đến gần 10% chị em không tin tưởng vào công an. Và có đến gần 10% các chị lo sợ chồng mình sẽ bị bắt nếu báo công an.
“Đá bóng” và lẩn tránh
Tuy Luật Phòng chống BLGĐ có điều khoản quy định tất cả những người chứng kiến BLGĐ đều có trách nhiệm trình báo với cơ quan, đoàn thể có thẩm quyền nhưng đối với các vụ việc BLGĐ, 67% do nạn nhân tự trình báo; tỷ lệ người thân trình báo ngang với hàng xóm (19%). Đáng chú ý là tỷ lệ trình báo công an của “tai mắt nhân dân” như cán bộ Hội Phụ nữ, tổ dân phố, tổ hòa giải, UBND là rất thấp (khoảng 2-4%).
Phản ứng của công an khi được nạn nhân đề nghị giúp đỡ là khá tích cực: 83% đến thăm nạn nhân sau khi được trình báo. Nhưng vẫn có đến 35% số công an yêu cầu nạn nhân “cố gắng” tự giải quyết vụ việc trong nội bộ gia đình. Và 16% số công an “đá bóng” sang sân khác khi yêu cầu nạn nhân liên hệ với các cơ quan sở tại khác mà “xin giúp đỡ”.
Tuy hòa giải đang được xem là biện pháp chính, đầu tiên để giải quyết BLGĐ, nhưng BL vẫn xảy ra ở 77% số các gia đình đã được hòa giải.
Thái độ của công an rất quan trọng trong việc quyết định kết quả vụ việc và suy nghĩ của nạn nhân về công an. Nhưng hầu như công an chỉ nghe, chứ ghi chép lại vụ việc bạo lực và thương tích rất ít: 5% đánh giá mức độ thương tích, 2% có chụp ảnh, 23% đưa biên bản khai báo vụ việc cho nạn nhân. Cũng chỉ có 32% số công an lo về những mối đe dọa cho nạn nhân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xử lý vụ việc BLGĐ: chỉ có 28% số người gây BL bị xử lý hành chính, 12% số người gây BL bị buộc tội về mặt pháp luật, chỉ 1/100 vụ BLGĐ mà thủ phạm bị kết án tại tòa án.
Trong khi nhiều chị em mong muốn công an ghi nhận lời tố cáo một cách nghiêm túc, giúp đỡ nhiệt tình hơn, có biện pháp bảo vệ, cảnh cáo hoặc buộc tội bắt giữ anh ta (chồng gây BL), đưa đến cơ sở y tế hoặc nhà tạm lánh… Nghiên cứu cũng đã phỏng vấn sâu một số cán bộ công an. Đa số họ đều cho rằng, theo quy định của Luật Phòng chống BLGĐ thì vẫn chưa có đủ biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nạn nhân BLGĐ nên rất khó để công an có thể bảo vệ nạn nhân. Họ cũng ít được tập huấn về phòng chống BLGĐ.
Đây là nghiên cứu đầu tiên về phản ứng của cơ quan hành pháp và các dịch vụ tư pháp đối với các vụ việc BLGĐ tại Việt Nam.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.