Điều đặc biệt, cả hai vị tướng này đều xuất thân từ khoa Luật trường Đại học Đông Dương, sau đó, trong giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh chống Mỹ, hai ông đã sát cánh bên nhau trong Tổng hành dinh, một người là Tổng tư lệnh, một người là Phó Tổng tham mưu trưởng.
Ông Cao Văn Khánh sinh ở Huế ngày 1.5.1917, xuất thân từ một gia đình trí thức yêu nước. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, ông ra Hà Nội học Trường Đại học Đông Dương, khoa Luật.
Tướng Cao văn Khánh (bên phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Lê Hữu Đức (cục trưởng cục tác chiến) tại Tổng hành dinh.
Giáo viên dạy Toán “thần tượng”
Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, đồng thời do mẹ ốm, Cao Văn Khánh trở về Huế, tham gia dạy học tại trường trung học Phú Xuân do anh trai ông mở.
Khác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đam mê lịch sử và trở thành thầy dạy Sử ở trường trung học Thăng Long, Hà Nội, ông Cao Văn Khánh dạy Toán.
Ngoài trường Phú Xuân, ông còn được mời dạy tú tài toán ở nhiều trường khác như Providence Thuận Hóa, Lycéum Việt Anh cùng các giáo viên uy tín khác như Cao Xuân Huy, Thanh Tịnh, Hữu Ngọc..
Theo cuốn sách "Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử" do con gái của ông, PGS.TS Cao Bảo Vân – Phó Viện trưởng Viện Paster TP HCM - biên soạn, thì các học sinh cũ kể rằng, thầy Khánh "luôn đúng hẹn đến từng phút, nách kẹp giáo án, không hút thuốc bao giờ, không nói tục dù là nói vui".
Do dạy nhiều trường, nên sau này ông đi đâu cũng gặp học trò cũ, cả bên dân sự lẫn quân đội.
Khi đó, Cao Văn Khánh là “thần tượng” của rất nhiều học sinh và cả thanh niên thành phố Huế, do vẻ ngoài đẹp trai, tài hoa, từ những bộ âu phục vừa vặn, kiểu đi xe đạp thể thao, đến tài chơi đàn, bơi lội, đấm bốc… Ông còn tham gia hoạt động hướng đạo với ông Tạ Quang Bửu - một giáo viên dạy toán ở Huế, sau trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyện nghiệp.
Tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp, phong trào Việt Minh lên cao khắp mọi nơi trên toàn quốc. Cao Văn Khánh gia nhập Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, ngôi trường đào tạo quân sự cho thanh niên ưu tú do chính quyền nhà Nguyễn mở ra và ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng.
Sau này, Thanh niên Tiền tuyến đã Việt Minh hóa, trở thành lực lượng nòng cốt tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Huế tháng 8.1945. Sau cách mạng tháng Tám, Cao Văn Khánh được giao nhiệm vụ tổ chức Ban Giải phóng quân ở Huế, với nòng cốt là các học viên của trường Thanh niên Tiền tuyến.
Quá trình chiến đấu của Cao Văn Khánh đã được nhiều bài báo đề cập, qua các chức vụ Khu trưởng khu V, Đại đoàn phó Đại đoàn 308 - đại đoàn chủ lực đầu tiên của QĐNDVN, tham gia các chiến dịch Hòa Bình, Biên giới, Điện Biên Phủ, các chức vụ Phó Tư lệnh quân khu 3, Tư lệnh Binh đoàn B70, rồi tham gia bộ chỉ huy các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị 1972...
Sự nghiệp nhà giáo gắn bó với Cao Văn Khánh cả trong thời kỳ quân ngũ. Sau ngày hòa bình lập lại, ông được cử làm Cục trưởng Cục Quân huấn. Các cán bộ Cục Quân huấn xác định, thời kỳ ông Khánh làm Cục trưởng, quân đội ta đã bắt đầu có những chuyển biến mới về chất lượng trên con đường xây dựng quân đội chính quy, hiện đại.
Từ năm 1960-1964, ông lại trở về nghề giáo với vị trí Hiệu trưởng Trường Sĩ quân Lục quân. Theo học viên nhà trường kể lại, Hiệu trưởng Cao Văn Khánh luôn có mặt đúng giờ làm việc, đúng giờ nghỉ thì về phòng riêng. Sau đó, cứ nghe tiếng giày thủ trưởng là biết mấy giờ. Trường sĩ quan Luch quân đã trở thành đơn vị kiểu mẫu cho toàn quân về xây dựng chính quy, các nề nếp từ lên lớp đến nghỉ ngơi, từ lý thuyết đến thực hành đều chỉ đâu là đúng đấy.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tướng Cao Văn Khánh giữ cương vị Phó tổng tham mưu trưởng trực tiếp phục vụ sự chỉ đạo chỉ huy của Tổng hành dinh, giúp Bộ Thống soái tối cao kịp thời nắm từng bước phát triển của cuộc Tổng tiến công của quân ta, nắm từng bước phát triển của các cánh quân, của từng mũi tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch.
Đám cưới nổi tiếng trong hầm tướng De Castrie
Chuyện tình yêu của Cao Văn Khánh với vợ, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản, cũng từng được nhiều báo chí khai thác. Bà là con gái của cựu Thượng thư bộ Hình của triều đình Bảo Đại là Tôn Thất Đàn. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, bà hăng hái tham gia hoạt động với vai trò y tá trong đội Giải phóng quân của Cao Văn Khánh ở Huế lúc mới 16 tuổi. Đến khi quân Pháp chiếm đóng Huế, bà ba lần bị Pháp bắt, khiến gia đình phải gửi bà lên chiến khu Việt Bắc để tránh cho bà bị bắt lần nữa.
Ảnh cưới của trung tướng Cao văn Khánh và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản trên tháp pháo xe tăng Pháp.
Tám năm sau, bà gặp lại Cao Văn Khánh trên chiến trường Tây Bắc, lúc bà đang là sinh viên y khoa. Được sự mai mối của người thầy - bác sĩ Tôn Thất Tùng, cùng Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ và ông Lê Quang Đạo, ông bà yêu nhau rồi kết hôn ngay sau chiến thắng Điện Biên, lúc đó, ông đã 37 tuổi, còn bà mới 24 tuổi. Hôn lễ được tổ chức ngay trong hầm của tướng De Castrie, người làm chủ hôn là ông Trần Lương (Trung tướng Trần Nam Trung). Ông bà có tấm ảnh cưới chụp trên tháp pháo chiếc xe tăng Pháp bị bắn cháy trên cánh đồng Mường Thanh, là một đám cưới “độc nhất vô nhị” thời bấy giờ.
Ông bà sống với nhau hạnh phúc, dù ông phải đi liên tục đi chiến trường. Năm 1980, do di chứng của chất động da cam bị nhiễm trên chiến trường, ông qua đời vì bệnh gan, để lại nhiều tiếc thương cho gia đình và đồng đội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về ông: “Đồng chí Cao Văn Khánh là một trí thức yêu nước, tham gia Cách mạng tháng Tám từ năm 1945. Anh là một cán bộ quân đội chỉ huy Đại đoàn 308, đánh những trận lớn trong kháng chiến chống Pháp, từng là Tư lệnh B.70 (binh đoàn chủ lực tại trong kháng chiến chống Mỹ. Một người hăng hái, trung thực, có nhiều kinh nghiệm hợp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.