Hơn 50 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968 đã làm rung chuyển miền Nam Việt Nam và cả nước Mỹ. Cú đánh chiến lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam khiến cho quân Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh tại Việt Nam, từ “tìm và diệt” sang “quét và giữ”, buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và góp phần dẫn tới Hiệp định Paris năm 1973, khi người Mỹ chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam.
50 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ đã dày công tìm hiểu về cuộc tấn công chiến lược này. Một trong số đó là cuốn sách về "bí ẩn" cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 của nhà báo Merle L. Pribbenow, được xuất bản tại Mỹ năm 2008. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu tới bạn đọc phần trích lược từ cuốn sách này do dịch giả Nguyễn Việt dịch.
Sự ra đi của tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại một sự lúng túng to lớn. Ngày hôm sau, hai sĩ quan cao cấp, tướng Chu Huy Mân và thượng tướng Nguyễn Văn Vịnh, được cử vào Nam để truyền đạt cho Bộ tư lệnh miền Nam những dự tính mới nhất của Đảng về chiến dịch Đông - Xuân 1967-1968.
Cần phải chọn một nhà lãnh đạo mới cho miền Nam, và gần như không thể tránh khỏi việc chỉnh sửa kế hoạch. Tên ông là Văn Tiến Dũng.
Lực lượng điệp báo chuẩn bị phương án cho Tổng tấn công Mậu Thân.
Trong một bài phỏng vấn với tờ báo Quân đội Nhân dân vào năm 2004, Đại tướng Văn Tiến Dũng miêu tả những gì xảy ra sau đó: “Càng nghĩ về tình hình, tôi lại càng tin rằng chúng ta phải có những mục đích mới, những mục tiêu mới, và những phương pháp tiến công mới. Chúng ta cần rà soát lại toàn bộ kế hoạch đông-xuân 1967-1968. Tôi xin được gặp đồng chí Lê Duẩn để thảo luận về vấn đề này.”
Trước đây, ai cũng nhất trí về các điều kiện cần có trước khi một cuộc tổng khởi nghĩa được tiến hành. Đó là quân đội VNCH cũng như bộ máy an ninh VNCH bị nghiền nát và các lực lượng Mỹ bị tê liệt và/hoặc vô hiệu hóa. Bởi vì nếu các điều kiện đó không được đảm bảo, quân đội VNCH và lực lượng Mỹ sẽ chỉ đơn giản là đàn áp “những người cách mạng” thường dân không có vũ trang xuống đường trong cuộc tổng khởi nghĩa.
Ngày 18-19/07/1967, Bộ Chính trị họp để xem xét kế hoạch mới nhằm giành thắng lợi mang tính quyết định. Ý tưởng về kế hoạch mới dường như đã được trình bày lần đầu tiên ở cuộc gặp này: một cuộc tấn công chính trị quân sự một mất một còn hướng vào các thành phố. Trong khi các lực lượng lớn của miền Bắc tập trung nỗ lực vào việc lừa quân địch ra khỏi các thành phố và kìm chân đủ lâu để có thể lật đổ chính quyền VNCH.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Các ghi chép của tướng Văn Tiến Dũng tại cuộc gặp cho thấy, lãnh tụ đáng kính của VNDCCH, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nêu nhiều câu hỏi về tính khôn ngoan của kế hoạch. Các ghi chép của tướng Văn Tiến Dũng cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những điểm sau:
1. Dự thảo báo cáo tốt, toàn diện, lạc quan, nhưng cần xem báo cáo của Quân ủy có chủ quan không?
2. Tranh thủ giành thắng lợi sớm, nhưng phải chú ý đánh lâu dài.
3. Thuận lợi có nhiều nhưng phải thấy những khó khăn như mặt hậu cần bảo đảm.
4. Nói giành thắng lợi quân sự, nhưng phải chú ý đến việc giữ sức dân, nếu người và của kiệt quệ, thì quân nhiều cũng không đánh được.
5. Phải chú ý mở rộng chiến tranh du kích, tăng cường trang bị cho du kích.
6. Phải làm sao ta càng đánh càng mạnh, đánh liên tục đánh được lâu dài
Dù còn nhiều ý kiến, nhưng việc lập kế hoạch vẫn được thực hiện với một nhịp điệu gấp gáp và đến cuối tháng Tám kế hoạch đã thành hình.
Thành viên Bộ Chính trị, ông Phạm Hùng, người đã được cử vào Nam hồi tháng Tám để thay tướng Nguyễn Chí Thanh làm bí thư Trung ương Cục miền Nam và lãnh đạo miền Nam, mang theo bản dự thảo đầu tiên của kế hoạch mới “tấn công các đô thị”. Các nhà lãnh đạo cao cấp từ tất cả các vùng miền Nam được gọi ra Bắc để được thông báo về ý tưởng mới, trước khi quay trở về xây dựng kế hoạch riêng của mình nhằm thực hiện ý tưởng trong sự bí mật tuyệt đối.
PV (Khám Phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.