Cụ thể, Công an tỉnh Thái Bình đã bắt Quách Việt Cường (SN 1974, Giám đốc Công ty Cổ phần BBI Thái Bình, trụ sở tại 459, đường Trần Hưng Đạo, TP.Thái Bình).
Cường bị bắt để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản" liên quan đến các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình.
Trong vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" được Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, trước đó Công an tỉnh này đã khởi tố Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường, SN 1971, TP.Thái Bình), vợ Đường Nhuệ là Nguyễn Thị Dương (SN 1980), Ninh Đức Lợi (46 tuổi, TP.Thái Bình).
Ở diễn biến trước khi Cường bị khởi tố, trao đổi với PV Dân Việt, đối tượng Cường thừa nhận với PV việc thu hộ tiền "báo ca" cho Đường Nhuệ.
Theo đó, anh Cường đã từng giúp Đường Nhuệ nhận báo ca 2 lần và chính đơn vị anh cũng phải nộp tiền cho Đường Nhuệ.
Theo người đàn ông này, anh đã thu hộ giúp Đường Nhuệ 2 lần, 1 lần 82 triệu và 1 lần 83 triệu, tuy nhiên anh C nói không liên quan gì tới việc làm vi phạm của Đường.
Trong vụ án "Cố ý gây thương tích" mà Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vợ chồng Đường Nhuệ và đàn em, ngày 7/4, khi khám xét nhà vợ chồng Đường Nhuệ tại TP.Thái Bình, cơ quan chức năng đã thu được nhiều tài liệu liên quan đến việc bảo kê hỏa táng này.
Theo đó, cơ quan điều tra đã thu được 2 tờ giấy ghi nội dung "Bảng các dịch vụ báo ca tháng 10/2017", có chữ ký của bị can Nguyễn Thị Dương.
Cơ quan công an còn thu được hợp đồng giữa Công ty TNHH Đường Dương với các đơn vị tang lễ của các ông bà Đỗ Văn Bằng, Nguyễn Đức Lệ, Nguyễn Văn Khoản, Lê Tuấn Long, Tạ Văn Thịnh, Nguyễn Đình Chưởng…
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu được 1 bản hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty TNHH thương mại Thành Phát với bà Nguyễn Thị Hương (gồm 134 tờ và được đánh số thứ tự từ số 01 đến số 134 và số thứ tự 120a, có chữ ký của bị can Nguyễn Thị Dương).
1 tờ giấy viết tay của Công ty tang lễ An Lạc Viên có chữ ký của bị can Dương; quy chế hoạt động hiệp hội tang lễ, bảng kê có chữ ký của Dương; 2 tờ giấy có ghi tên các cơ sở, chủ các cơ sở làm dịch vụ tang lễ có chữ ký của Dương cũng được phát hiện.
Đáng chú ý, Công an Thái bình còn thu được 2 tờ giấy A4 ghi nội dung theo dõi ca sang đài – VP Thái Bình từ 30/11 đến 15/12, có chữ ký của bà Vũ Thị Ngọc Lan (mẹ kế của Đường Nhuệ) do bà Lan tự nguyện giao nộp khi thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đường Nhuệ.
Trong vụ bảo kê hỏa táng này, Đường Nhuệ bị tố giác thu phí 500 nghìn đồng/ca hỏa táng người qua đời khi đưa sang một đơn vị dịch vụ ở Nam Định. Những người bị Đường ép phải nộp 500 nghìn trên phải báo ca hỏa táng cho Đường mỗi khi nhận được việc hỏa táng, nếu không báo họ sẽ gặp vấn đề trong kinh doanh.
Thông tin mà PV tìm hiểu từ một chủ cơ sở kinh doanh hoạt động tang lễ tại TP.Thái Bình, bị can Ninh Đức Lợi chính là người giới thiệu cho Đường Nhuệ về việc có thể bảo kê các hoạt động hỏa táng trên địa bàn.
Từ đó, Đường và đàn em ép buộc các chủ cơ sở dịch vụ hỏa táng tại địa bàn Thái Bình phải thực hiện việc báo ca như trên.
Đáng chú ý, mặc dù Đường Nhuệ ép buộc các cơ sở tang lễ phải nộp tiền báo ca hỏa táng người chết nhưng chúng không làm bất cứ một việc gì liên quan, chính vì vậy sự việc đã tạo ra sự bức xúc trong dư luận.
Khi các cơ sở kinh doanh tang lễ đã "ngoan", theo chủ một cơ sở kinh doanh hoạt động tang lễ tại Thái Bình, Đường phân chia địa bàn hoạt động của họ, nếu ai nhận đám ngoài địa bàn sẽ bị Đường cắt địa bàn hoặc buộc dừng hoạt động kinh doanh.
Ở phía Nam Định, ông Trần Ngọc Giao – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Long (đơn vị sở hữu Đài hóa thân tại Nam Định) cũng xác nhận, ông đã nắm bắt được việc Đường Nhuệ cùng đàn em có những hành vi như trên.
Theo ông Giao, từ cuối năm 2017, Đường Nhuệ đã bắt đầu chèn ép, đánh đập một nhân viên của đơn vị được Công ty Hoàng Long ủy quyền ở Thái Bình. Việc làm này nhằm buộc doanh nghiệp dừng hoạt động để Công ty TNHH Đường Dương độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.
Theo lời Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Long, Công ty TNHH Đường Dương sau đó cũng đã đề nghị phía công ty của ông Giao cho mình độc quyền nhận các ca hỏa thiêu ở Thái Bình, tuy nhiên đề nghị này đã bị ông bác bỏ.
Khi bị vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Long từ chối, theo ông Giao, hoạt động của một số đơn vị dịch vụ tang lễ ở Thái Bình đã gặp một số khó khăn.
Đường Nhuệ ép các cơ sở dịch vụ khi nhận ca hỏa táng hoặc là đưa sang Hải Phòng, hoặc sang Nam Định thì phải đóng 500 nghìn/ca hỏa táng.
"Người dân tại Thái Bình phản đối, nói nếu bắt sang Hải Phòng họ sẽ chôn cất, không hỏa táng nữa nên Đường cho họp các dịch vụ tang lễ, nói cho quay lại Nam Định nhưng thu 500 nghìn đồng/ca hỏa táng… Ăn cả trên xác người chết, Đường Nhuệ không còn là người nữa" - ông Giao cho biết.
Cũng theo ông Giao, mặc dù biết sự việc này nhưng thẩm quyền điều tra, xử lý thuộc cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, khi cơ quan chức năng tỉnh này chưa xử lý thì người thiệt thòi trước mắt chính là người dân Thái Bình khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.