Người trẻ “học” kết nối với ông bà của mình

Bảo Tâm Thứ tư, ngày 24/05/2023 12:30 PM (GMT+7)
Khi trưởng thành, người trẻ thường gặp những cản trở trong giao tiếp với gia đình, đặc biệt là những người khác thế hệ như ông bà. Khoảng cách vô hình này đã thúc đẩy họ phải "học" cách kết nối với ông bà của mình.
Bình luận 0

Giao tiếp chính là chìa khóa để thấu hiểu và yêu thương. Tuy nhiên, nhịp sống vội vã cùng những khác biệt thế hệ đã khiến người trẻ gặp khó khăn trong việc kết nối với ông bà của mình. 

Những khoảng trống khó để mở lòng

Vân Chi, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân kể rằng, cô và bà mình ở chung một nhà nhưng do khác biệt thế hệ nên cô ít khi trò chuyện, tâm sự với bà dù vẫn có những tương tác hằng ngày. 

"Hồi bé, tôi gần gũi với ông bà hơn vì cái 'tôi' khi ấy không lớn như bây giờ. Hiện tại, tôi và bà hay bất đồng quan điểm, nên tôi tránh nói chuyện tâm sự với bà"- Vân Chi thổ lộ.

Người trẻ “học” kết nối với ông bà của mình - Ảnh 1.

Bà Tuyết Phương cảm thấy được yên lòng nếu có cháu gái bên cạnh. (Ảnh: NVCC)

Còn Thu Uyên, sinh viên Đại học Thương mại cho biết, cô dường như rất ít khi bảy tỏ tình cảm với ông ngoại của mình và ngược lại, ông cũng vậy với cô. 

Lý giải về điều này, Thu Uyên cho hay có thể ông ngoại cô là một người rất nghiêm khắc nên cô ngại giao tiếp và thân thiết với ông.

"Tuy nhiên, khi bước chân vào Đại học, tôi dần mở lòng hơn với ông ngoại và tận dụng những phút giây trò chuyện với ông về sách, cũng từ đó quan hệ ông cháu dần cởi mở hơn. Tôi hay vào phòng ông mượn sách, thỉnh thoảng còn mua sách mới tặng ông. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì đã mang lại niềm vui cho ông từ những điều nhỏ nhặt như thế"- Thu Uyên bày tỏ.

Người trẻ “học” kết nối với ông bà của mình - Ảnh 3.

Tú Trinh "vỡ lẽ" ra nhiều điều khi trưởng thành. (Ảnh: NVCC)

Người trẻ “học” kết nối với ông bà của mình - Ảnh 4.

Phân cảnh xúc động trong Doraemon: Stand By Me 2 (Ảnh: Netflix Anime)

Có thể khẳng định, việc kết nối không thể xuất phát từ một phía mà cần có sự vun đắp, xây dựng từ hai phía và chìa khóa để hai bên cùng thấu hiểu và yêu thương chính là sự giao tiếp, sẻ chia.

Và kết nối còn mang đến những giá trị đáng quý trên con đường hoàn thiện bản thân của người trẻ. Thế hệ trẻ biết cách yêu thương người khác, dần cảm nhận được những khổ cực và thiếu thốn của thế hệ trước, học cách trao đi và biết thể hiện tình cảm với những người thân trong gia đình, đặc biệt là ông bà mình.

Người trẻ “học” kết nối với ông bà của mình - Ảnh 5.

Sự yêu thương là chìa khóa để kết nối (Ảnh: Netflix)

 Yêu thương là chìa khóa để kết nối thế hệ

Chị Trần Thị Thành - Điều dưỡng trưởng tại Viện dưỡng lão Bách Niên Thiên Đức tìm được niềm vui khi làm công việc chăm sóc người cao tuổi. Chị Thành cho rằng, để có sự kết nối với thế hệ trước, con cháu cần có sự yêu thương, nhẫn nhịn và cần có thời gian.

 "Để có thể thấu hiểu thì cần phải chia sẻ với các cụ nhiều, yêu thương thể hiện ở những cử chỉ quan tâm chăm sóc hàng ngày", chị Trần Thị Thành cho hay.

Là một người trẻ, Ngọc Thanh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) học được nhiều điều sau khi dành thời gian trò chuyện với ông bà: "Ông bà dạy tôi, yêu là cho đi tất cả, đó là cách sống nhân văn, con người đối với con người. Cho đi không nhất thiết phải là vật chất mà có thể là tinh thần. Tôi cảm thấy, đôi khi chỉ là một lời an ủi, động viên nhưng cũng đủ làm ấm lòng người lớn tuổi.

Những hành động tuy nhỏ nhưng cũng sẽ làm cho ông bà cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ người trẻ. Thấu hiểu và sẻ chia giúp tình thân, tình thương giữa ông bà và con cháu thêm khăng khít, tâm hồn chúng ta cũng vì vậy mà thêm nhẹ nhàng, thư thái. Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn đều được xóa nhòa".

Người trẻ “học” kết nối với ông bà của mình - Ảnh 6.

Ngọc Thanh biết cách yêu thương hơn nhờ thấu hiểu ông bà của mình (Ảnh: NVCC)

Mạch sống hối hả đã khiến người trẻ đắm mình trong những guồng quay không có điểm dừng, từ đó dần đánh mất đi những phút giây quý giá ở bên người thân, đặc biệt là ông bà, những người đã bước vào tuổi "xế chiều".

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, thế hệ trước cần có sự thích ứng, chia sẻ với lớp trẻ, biết cách dung hòa với lối sống hiện tại. "Cần thông cảm cho con cháu, lớp trẻ luôn phải đối mặt với áp lực, thách thức và dễ bị đào thải trong thời đại 4.0, không thể sống theo nếp sống cũ. Cả hai phía phải có sự đồng cảm, thấu hiểu nhau, đây chính giải pháp quan trọng để giúp giúp cân bằng cuộc sống và thu hẹp khoảng cách thế hệ"- Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.

Người trẻ “học” kết nối với ông bà của mình - Ảnh 6.

TS. Nguyễn Quốc Anh khẳng định sự thấu hiểu đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa hai thế hệ (Ảnh: NVCC)

Chữ "yêu" là chữ nghĩa cả đời cần phải học, đặc biệt là ở độ tuổi mà người trẻ, khi còn thiếu kinh nghiệm, trải đời và đặc biệt đang bị chông chênh chưa hiểu hết giá trị của cuộc sống. Giao tiếp, kết nối và thấu hiểu với ông bà của mình là những điều mà bất cứ người trẻ nào cũng cần học trong hành trình trưởng thành của mình.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem