Người trồng cao su điêu đứng vì giá mủ thấp

Nguyễn Hữu Thứ sáu, ngày 15/08/2014 07:39 AM (GMT+7)
Thời điểm này đang trong mùa thu hoạch cao su nhưng các nhà vườn Bình Dương, Bình Phước... đang gặp khó khăn do giá mủ xuống thấp. Thậm chí tại đây đã xuất hiện tình trạng người dân chặt cao su để chuyển sang cây trồng khác.  
Bình luận 0

Cao su đang mất lợi thế

“So với năm trước thì giá mủ năm nay chỉ được khoảng 2/3 giá. Giá công cạo cũng giảm đi, lúc trước tôi thuê công nhân cạo hơn 1,5ha mẫu cao su với tiền công 4,5 triệu đồng/tháng nhưng hiện nay chỉ trả được hơn 2 triệu đồng/tháng.

Tính ra với giá cả như hiện nay thì giống như mình ăn chia 50 – 50 với công cạo”- anh Nguyễn Văn Tú (ngụ huyện Đồng Phú, Bình Phước) cho biết. Còn ông Hoàng Văn Hân (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cũng cho biết có hơn 3ha cao su 7 năm tuổi. Trước đây có thuê nhân công cạo nhưng do giá mủ thấp nên hiện hai vợ chồng ông tự cạo và tự trút mủ để lấy công làm lời.

Tương tự bà Lưu Thị Hoa (ngụ xã Tân Bình, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết nhà bà có vườn cao su khoảng 5ha nhưng hiện nay gia đình bà đang tự cạo mủ. Thậm chí do giá mủ liên tục xuống thấp trong vòng 2 năm trở lại đây nên mới đây gia đình bà đã đốn bỏ gần 1ha cao su để chuyển sang trồng cây khác. Cũng theo bà tại khu vực nhiều nông dân không còn mặn mà với cây cao su vì giá mủ quá thấp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và một số khu vực của Đông Nam Bộ nhiều nông dân đã chặt bỏ cao su để chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên tình trạng này diễn ra đối với các hộ có diện tích cao su lớn, có đất nhiều để đa dạng hóa cây trồng. Còn các hộ có diện tích cao su ít vẫn khai thác cầm chừng.

Không nên vội chặt

Ông Nguyễn Hoàng Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân Bình Dương xác nhận trên địa bàn tỉnh có tình trạng nông dân chặt cao su để chuyển sang trồng cây khác. Nhiều nông dân chặt vườn cao su để chuyển sang làm trang trại heo, trại gà. Theo ông Vinh, nguyên nhân nông dân chặt bỏ bớt cây cao su do giá mủ thấp, giá mủ cao su giảm khoảng 30% so với năm 2013. Cũng chính vì vậy mà trên địa bàn tỉnh có gần 1/3 diện tích cao su tiểu điền tạm ngừng khai thác hoặc khai thác cầm chừng.

Tuy nhiên theo ông cần phải kiểm soát và có định hướng để nông dân không vội vàng chặt bỏ cây cao su. Hiện Hội Nông dân tỉnh đang đề xuất UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng cao su. Trong đó phương án kêu gọi doanh nghiệp ngồi lại, chấp nhận bù lỗ thu gom mủ cao su cho nông dân đang được tính đến.

“Sắp tới sẽ có một hội thảo riêng với sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân để tháo gỡ khó khăn cho cây cao su” - ông Vinh nói. Trong khi đó tại Bình Phước tình trạng chặt cây cao su cũng xảy ra tại một số khu vực và chủ yếu diễn ra ở các vườn cao su tiểu điền.

Ông Doãn Văn Chiến- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước (thuộc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước) cho biết tình trạng chặt cao su ở Bình Phước không nhiều. Chủ yếu người dân chặt để trồng lại cao su hoặc chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn như trồng tiêu, cây ăn trái kể cả cây điều.


Sở khuyến cáo nông dân không chạy theo diện tích trồng cao su thay vào đó tập trung tái canh vườn cao su hết tuổi khai thác và thâm canh vườn hiện có để nâng cao năng suất”.
Sở NNTPT Bình Phước


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem