Người “truyền lửa” cho phong trào làm giàu ở Mường É

Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 10/03/2019 04:20 AM (GMT+7)
Lão nông Lò Văn Dủng (SN 1960, xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) - người tiên phong trồng thành công cây chè lai trên đất Mường É. Từ trồng cây bẻ cành, bán lá chè mà mỗi năm ông Dủng thu hơn 100 triệu đồng.
Bình luận 0

Mạnh dạn trồng chè làm mô hình điểm

Trong chuyến công tác đến với xã Mường É, chúng tôi được nghe kể về lão nông Lò Văn Dủng. Lão được bà con nơi đây gọi là người “truyền lửa” cho phong trào xóa đói, làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc.

img

Cán bộ nông nghiệp xã Mường É hướng dẫn ông Dủng cách bấm tỉa cành cây chè. Ảnh: Tuệ Linh

"Ông Dủng là người đầu tiên trồng thành công cây chè trên đất Mường É. Khi biết cây chè đem lại giá trị kinh tế cao, ông Dủng đã chuyển giao kỹ thuật và vận động bà con bản Nà Vai chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả như ngô, sắn sang trồng cây chè”.

Ông Lò Văn Xuân - công chức địa chính - nông nghiệp - môi trường xã Mường É

Tìm đến nhà, lão Dủng đang uống trà và “đàm đạo” với bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè. Rót ly trà ấm mời chúng tôi, lão chỉ tay vào ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi và nói: “Từ mọi vật dụng trong nhà cho đến cái nhà sàn giá trị cả trăm triệu này đều nhờ cây chè cả đấy. Cây chè là cây xóa nghèo và đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình tôi đấy”.

Ngược dòng thời gian, lão Dủng kể lại cơ duyên đưa ông đến với cây chè. Tháng 3.2011, anh Lò Văn Sáng – nguyên cán bộ nông nghiệp xã Mường É đến vận động gia đình lão trồng chè làm mô hình điểm.

“Ban đầu, tôi cũng do dự về tính khả thi của mô hình do bao đời nay sống tại mảnh đất cằn này bà con chỉ biết đến đồng ruộng và nương ngô, nương sắn. Sau khi được cán bộ thuyết phục rằng đây là mô hình của huyện, Nhà nước cho không giống còn phân bón được hỗ trợ 3 năm liên tiếp. Nếu trồng thành công, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng sắn, trồng ngô. Do dự, cuối cùng gia đình tôi cũng đồng ý”.

Sau khi thu hoạch xong 1,5ha nương sắn, lão và gia đình bắt tay ngay vào việc trồng chè. Ngoài việc huy động gia đình và người thân, lão Dủng thuê thêm nhân công đào rãnh hàng trồng với kích thước sâu 40 cm, rộng 45 cm. Sau khi làm đất xong, ông Dủng lên bản Mông mua 20 tấn phân chuồng về bón lót.

Như đã hứa trước, tháng 6.2011, giống và phân được cán bộ chở đầy đủ lên đến tận nương. Lão Dủng chia sẻ, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, năm này qua năm khác, những gốc chè ngày càng bén rễ sâu vào đất.

Năm 2014, lứa chè đầu tiên đã bắt đầu cho thu hái với sản lượng trên 10 tấn. Với giá 7.000 đồng/kg, tôi thu được 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí lãi 40 triệu đồng.

Lãi gấp 3, gấp 4 so với trồng sắn, ngô

Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên sản phẩm chè của lão Dủng cho chất lượng rất thơm ngon, khi pha nước chè có màu xanh tự nhiên, vị đậm và ngọt không kém gì chè Phỏng Lái. Dần dần chè của lão Dủng được nhiều tổ chức, doanh nghiệp biết đến. Năm 2014, chè của lão Dủng đã được Công ty TNHH Thân Nga Phổng Lái (Thuận Châu) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

“Năm 2018, mỗi đợt hái, gia đình thu được 2,2 tấn. Thời gian thu hái bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 10. Tổng năm vừa qua, tôi thu được 17,6 tấn, với giá bán ổn định 7.000 đồng/kg, thu hơn 120 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi bỏ túi 80 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao gấp 3, gấp 4 so với trồng sắn, ngô” – lão Dủng phấn khởi.

Bản có 40 hộ dân sinh sống thì tỷ lệ hộ trồng chè là trên 80%. Không chỉ riêng bản Nà Vai, từ mô hình điểm của ông Dủng đã truyền cảm hứng đến các bản khác. Ban đầu diện tích chè ở Mường É chỉ có 1,5ha thì từ năm 2017 đến nay đã tăng lên hơn 200ha, trong đó hơn 20 ha đã cho thu hoạch.

Từ trồng chè, nhiều hộ dân đã có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu mỗi năm. Bà con gọi ông Dủng là người “truyền lửa” cho phong trào xóa đói, làm giàu ở mảnh đất Mường É.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem