Ngày cuối tuần 13/5, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,55- 67,25 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng ở chiều mua vào bán ra so với cuối tuần trước. Hiện nay chênh lệch giá mua - bán đang đứng ở mức 700.000 đồng/lượng, bằng với tuần trước.
Giá vàng thế giới hôm nay 13/5 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trên ngưỡng 2.000 USD/ounce, với mức 2.011 USD/ounce, giảm 7 USD/ounce so với giá cuối tuần trước.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 13/5 mua bán quanh mức 56,35- 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng so với mức giá cuối tuần trước. Đáng chú ý, chênh lệch mua- bán vàng trang sức giảm nhẹ 50.000 đồng, về mức 1 triệu đồng/lượng, so với mức trung bình trên 1 triệu đồng/lượng của tuần qua.
Với biến động liên tục tăng mạnh vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce của vàng thế giới, trong 2 tuần qua, vàng trong nước cũng biến động, nhưng chỉ tăng nhẹ khoảng 100- 200 nghìn đồng do mãi lực mua bán trầm lắng, nên khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước hiện nay chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/lượng.
So với vàng miếng SJC dao động quanh mức 67 triệu đồng mỗi lượng, vàng trang sức cập nhật theo sát giá vàng thế giới nhiều hơn.
Đáng chú ý, sự quan tâm của người Việt Nam với vàng đang có dấu hiệu giảm xuống. Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) mới đây cho biết, nhu cầu vàng của Việt Nam từ từ 19,6 tấn trong quý I/2022, đã giảm 12% còn 17,2 tấn trong quý I năm nay.
Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm 10%, từ mức 14 tấn xuống còn 12,6 tấn trong 3 tháng đầu năm nay. Nhu cầu trang sức giảm 18%, từ 5,6 tấn xuống còn 4,6 tấn.
Giải thích cho sự suy giảm nhu cầu vàng ở Việt Nam, đại diện của WGC cho rằng, sự suy giảm nhu cầu trang sức vàng ở Việt Nam một phần do quý I/2022 được nhìn nhận là quý có nhu cầu mua vàng trang sức trong nước mạnh nhất kể từ năm 2007.
Việc mua trữ vàng trang sức trong quý I/2023 ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong dịp Tết Nguyên đán, sau đó giảm dần vào tháng 2 và tháng 3 do giá vàng tăng. Giá vàng gần đạt mức cao kỷ lục trung bình trong quý I/2023 là 1.890 USD/lượng, cùng với giá tăng là những diễn biến phức tạp của vàng.
Theo một số doanh nghiệp, thị trường kinh doanh vàng trong nước tchỉ có cao trào ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), sau đó mua bán rơi vào trầm lắng. Những ngày giá vàng thế giới rơi mạnh, hay tăng vọt lên đỉnh, thì giá vàng miếng trong nước vẫn duy trì mức ổn định 66- 67 triệu đồng/lượng, không có biến động giá tăng hoặc giảm mạnh như trước. Bên cạnh đó, giá vàng ở mức cao, khủng hoảng kinh tế buộc người dân thắt chặt chi tiêu, góp phần tác động đến tiêu thụ trang sức giảm.
Cũng theo báo cáo của WGC, lượng vàng trang sức toàn cầu tiêu thụ trong quý I/2023 duy trì ở mức ổn định với 478 tấn. Nhu cầu đầu tư toàn cầu vào vàng thỏi và xu vàng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 302 tấn, mặc dù có sự biến động đáng kể ở các thị trường chính.
Đầu ngày 13/5, giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 2.011 USD/ounce. Giá vàng đi xuống khi vai trò ‘hầm trú ẩn’ của vàng suy giảm, dưới sức ép đến từ phiên tăng giá của đồng USD. Một lý do quan trọng để nhiều nhà đầu tư chưa vội bán vàng là cuộc khủng hoảng trần nợ Mỹ.
Theo nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals, cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ vẫn đang là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro.
Nhà phân tích của Công ty Giao dịch Ngoại hối OANDA (Mỹ) lưu ý đồng USD không thể tăng giá trong dài hạn vì thị trường đang lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái vào cuối năm 2023. Điều này có thể thúc đầy nhà đầu tư tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào giá vàng thế giới để phòng ngừa rủi ro.
Hiện giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.010,5 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 2.019,8 USD/ounce.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.