Người Việt là Tổng Bí thư đầu tiên Đảng Cộng sản Malaysia

Triệu Bình Thanh Thứ tư, ngày 03/02/2016 06:19 AM (GMT+7)
Đó là phát hiện mà ông Nguyễn Mạnh Hà - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa công bố.
Bình luận 0

img

Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông -người đã trực tiếp làm việc với ông  Lai- Teak.  I.T

Đó là phát hiện mà ông Nguyễn Mạnh Hà - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa công bố. Ông Hà cho biết, trong một chuyến công tác ở Singapore, ông đã được mời vào Cục Lưu trữ an ninh quốc gia Singapore, tham quan khu trưng bày sự hình thành và phát triển của phong trào cộng sản.

Tại khu Đảng Cộng sản Đông Dương có một bức chân dung khiến ông hết sức bất ngờ, đó là ông Lai- Teak. Dưới bức chân dung ấy ghi: “Lai- Teak: (1) Người Việt Nam, quê ở Nghệ An; (2) Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Malaysia (từ 1935- 1948); (3) Lai- Teak được những người Cộng sản Malaysia coi là “Lenin của Malaysia”; (4) Lai- Teak qua đời trong một tai nạn vào tháng 5.1948.

Vậy ông Lai- Teak là ai?

Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông (tức Năm Đông) - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ giai đoạn 1943-1945 kể (được Đặng Thọ Truật ghi lại) như sau:

“Khi nghe đồng chí Trần Văn Giàu chỉ đạo sang Malaysia liên hệ với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Malaysia là người Việt Nam, tôi liền thu xếp đi ngay sang Malaysia. Tôi đến trụ sở Đảng Cộng Sản tìm gặp Lai- Teak. Hồi ấy, sau kháng Nhật thắng lợi, Đảng Cộng sản Malaysia hoạt động công khai, rất có thanh thế, có trụ sở lớn, treo cờ đỏ búa liềm đàng hoàng, Tổng Bí thư oai vệ lắm. Ngay ngày đầu gặp nhau, tôi đã nhận ra Lai- Teak chính là Phạm Văn Đắc, quê ở Long Đất, Bà Rịa, học sinh Trường Huỳnh Khương Ninh (chưa rõ việc dưới bức chân dung ông Lai Teak ở khu trưng bày tại Cục Lưu trữ an ninh quốc gia Singapore  ghi quê ông ở  Nghệ An có thể là do nhầm lẫn?- PV).

Chính tôi đã giới thiệu Phạm Văn Đắc vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, sinh hoạt tại Chi bộ Tân Định, Sài Gòn. Đến năm 1931, giặc Pháp khủng bố trắng, tôi và Đắc cùng tạm lánh sang Thái Lan. Đầu năm 1932, tôi quay về Sài Gòn nhưng tìm mãi không gặp được Đắc. Cuộc gặp nhau trên đất khách quê người lần này, tôi mừng lắm. Lai- Teak tiếp tôi rất thân tình, bố trí nơi ăn ở đàng hoàng.

Khi tôi đề nghị giúp Nam Bộ đánh Pháp thì được Lai - Teak ủng hộ rất nhiệt tình và còn bàn phương án tổ chức chu đáo, khoa học. Lai- Teak đã cho tôi 5 chiếc tàu thủy lớn, hàng vạn khẩu súng, đạn dược, thuốc men để chở về Việt Nam, đương nhiên là cho không.

Lai- Teak còn đề nghị đưa quân của Đảng Cộng sản Malaysia  sang giúp Việt Minh đánh Pháp. Sau hơn 3 tháng ở Malaysia, một bữa, tôi ngồi hút thuốc một mình trong trụ sở thì Lai- Teak ghé vào vỗ vai ra hiệu cho tôi đi ra ngoài vườn dạo chơi.

Khi chỉ còn hai người, Lai- Teak ôm tôi khóc và nói: “Hoàng (tên tôi lúc còn đi học) ơi, mày tha lỗi cho tao nghe. Nhận ra mày ngay từ đầu nhưng phải bí mật để lo đại sự. Mày cần gì cho Nam Bộ kháng chiến, tao sẽ hết lòng và tìm mọi cách đáp ứng, kể cả sức người, tính mạng. Nhưng từ rày, khi gặp nhau mày đừng nhìn tao như thế và cũng đừng tìm cách kiểm tra tung tích. Mày chỉ cần biết tao mãi mãi là người Cộng sản chân chính. Nhiệm vụ của tao đang làm là do Quốc tế Cộng sản giao cho”.

Ông Dương Quang Đông kể rằng từ đó hai người không còn liên lạc được với nhau nữa cho đến khi nghe tin Lai- Teak- Phạm Văn Đắc bị sát hại vào tháng 5.1948.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem