Người Việt "nghiện" điện thoại, mạng xã hội ngày càng trẻ hóa (Bài 2)
Người Việt "nghiện" điện thoại, mạng xã hội ngày càng trẻ hóa (Bài 2)
Khải Phạm
Thứ ba, ngày 21/03/2023 06:45 AM (GMT+7)
Độ tuổi giới trẻ nghiện điện thoại thông minh và mạng xã hội ngày cảng nhỏ lại. Điều này tạo ra nhiều hệ lụy xấu đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam hiện nay.
Người Việt nghiện điện thoại, mạng xã hội ngày càng trẻ hóa
Điện thoại thông minh giờ đây là phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống của người dân và kèm theo đó là mạng xã hội bùng nổ. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm trở lại đây, mạng xã hội đang ngày càng phát triển khiến giới trẻ nghiện khó rời.
Theo nghiên cứu của các tổ chức uy tín và UNICEF cho biết, tỷ lệ người dùng mạng Internet trên thế giới là 62,5% ở Việt Nam là 73,2%. Trong khi đó, số người thường xuyên sử dụng mạng xã hội trên thế giới là 58,4% và ở Việt Nam là 78,1%.
Năm 2022, Việt Nam có khoảng 72,1 triệu người dùng Internet, 95,8% trong số đó truy cập bằng điện thoại thông minh với mức trung bình hàng ngày là 6 giờ 38 phút và hơn 2 giờ sử dụng mạng xã hội.
Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khảo sát trong quý III/2022 tại Việt Nam, có 89% trẻ em sử dụng mạng Internet, trong đó 87% sử dụng hằng ngày. Giới trẻ sử dụng điện thoại thời gian 5-7 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 36% trẻ em được giáo dục về an toàn mạng.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) từng nói rằng, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ - đây là một trong các nhóm sử dụng mạng xã hội cao nhất hiện nay. Các thống kê cũng chỉ ra rằng, các mạng xã hội mà giới trẻ Việt Nam thường xuyên sử dụng như Youtube (92%), Facebook (91,7%), Zalo (76,5%)... Qua đó cho thấy, các mạng xã hội này ngày càng phổ biến.
Theo bà Lê Thị Ngọc Linh, mạng xã hội có nhiều thông tin, kết nối mọi người là những điểm tích cực. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nội dung xấu, độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia về tâm sinh lý, việc hình thành, phát triển lối sống, nhân cách tốt đẹp của con người - đặc biệt là giới trẻ.
Chia sẻ với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, Google cũng đưa ra khảo sát về độ tuổi sử dụng điện thoại và mạng xã hội ngày càng trẻ.
"Độ tuổi trung bình sử dụng điện thoại và mạng xã hội hiện nay chỉ khoảng 9 tuổi. Trong khi đó, độ tuổi trung bình để được cập nhật kiến thức để sử dụng điện thoại, hay mạng xã hội an toàn là 13 tuổi", ông Nam cho biết.
Việc sử dụng điện thoại và mạng xã hội trước tuổi khiến trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu an toàn trên không gian ảo này.
"Trẻ em Việt Nam hiện nay đang có 5 năm sử dụng điện thoại và truy cập mạng xã hội khi chưa có kiến thức, kỹ năng. Chính vì thế, trẻ em hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ thiếu an toàn ở trên không gian mạng. Qua đó, trẻ em không có năng lực bảo vệ bản thân trước những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội", PGS.TS Trần Thành Nam nói thêm.
Cha mẹ cần làm gì để con trẻ an toàn hơn trên mạng?
Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em, việc tham gia mạng xã hội không kiểm soát dễ dẫn đến việc nhận thực lệch lạc. Đặc biệt, điều này sẽ khiến gia tăng tỷ lệ phạm pháp nghiêm trọng liên quan đến sử dụng các trang mạng nhằm đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức cá nhân.
Các tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay mua bán hàng giả, hàng cấm. Thậm chí, mạng xã hội cũng là nơi giới trẻ thể hiện, thách thức nhau dẫn đến những vụ ẩu đả ngoài đời thực để lại những hậu quả đau lòng.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, không chỉ là những thông tin xấu độc quá nhiều trên mạng xã hội mà trẻ em không thể bảo vệ mình còn là sự việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống.
"Với 4 năm tham gia mạng xã hội không kiến thức, tình trạng bạo lực học đường, quan hệ tình dục trước tuổi cũng ngày càng có độ tuổi nhỏ hơn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng nạo phá thai trong độ tuổi vị thành niên từ 15-19 tuổi khá cao trong những khoảng thời gian nhất định ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ", ông Nam phân tích.
Trong khi đó, việc hạn chế trẻ em sử dụng điện thoại, mạng xã hội hiện nay gần như là không thể khi công nghệ đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, để giảm những tình trạng đáng tiếc, hậu quả đau lòng, cha mẹ sẽ đóng vai trò quyết định.
"Bắt trẻ tuyệt giao với mạng xã hội là điều không thể, nhưng cha mẹ có thể lôi kéo con mình ra ngoài để phát triển toàn diện về mặt thể chất, văn hóa, tinh thần. Để làm được điều đó, cha mẹ phải có đủ thời gian, sân chơi cho trẻ em. Đặc biệt, các hoạt động trên môi trường thực phải đủ hấp dẫn. Các hoạt động ở nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ nghề nghiệp, sở thích phải đa dạng", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng phải nâng cao năng lực sử dụng mạng xã hội để bảo vệ chính con em mình. Trước khi con sử dụng điện thoại, mạng, cha mẹ phải dạy cho con từ trước 9 tuổi.
"Trước 9 tuổi, cha mẹ cần phải dạy con mình thế là thông tin trên mạng, có nguy cơ độc hại và đâu là thông tin riêng tư và cách ứng xử để tránh lộ, lọt. Dạy con mình những hành vi không phù hợp trên mạng, tất cả hành vi đó là bắt nạt cần nên chặn để an toàn", ông Nam đưa ra giải pháp.
Khi công nghệ và xã hội phát triển, việc cấm con trẻ không sử dụng điện thoại thông minh hay mạng xã hội là điều không thể. Do đó, mỗi cha mẹ cần là tấm gương, dành nhiều thời gian cho con hơn để hiểu, chia sẻ và trang bị cho con những kiến thức cần thiết giúp con tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.