Người Việt ở Ukraine: "Chỉ về Việt Nam khi quá bất ổn"

Thứ hai, ngày 10/03/2014 08:33 AM (GMT+7)
Có những ông bố, bà mẹ người Việt và những người thân Ukraine đã phải khóc hết nước mắt, dù có thể mới là nghĩ tới lúc sẽ phải chia tay để các cháu theo bố mẹ về Việt Nam.
Bình luận 0
Lại nữa ở trong nước, những người ruột thịt xem TV, đọc báo thấy tình hình căng thẳng cũng liên tục gọi điện, nhắn tin bảo về... Thật là ruột gan cứ rối như tơ vò!

Đối với những người dân Ukraine vốn từ xưa tới nay luôn sống hiền hòa vui vẻ thì những ngày qua với họ thật là cơn ác mộng hãi hùng. Sau những ngày nóng bỏng, dữ dội ở Maidan cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, thành phố Kiev tuy đã dần yên tĩnh trở lại nhưng ở khắp mọi nơi vẫn luôn bắt gặp những gương mặt nặng trĩu lo âu bởi hiểm nguy còn rình rập, khó khăn phía trước còn chất chồng.

Đa số người Việt Nam sống tại Ukraine đều đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, họ là những người được cử sang đi học, công nhân sang hợp tác lao động ở lại định cư theo luật định cho phép. Với họ, Ukraine đã trở thành quê hương thứ hai và nhiều người - với tâm niệm "An cư mới lạc nghiệp" - đã chăm chỉ làm ăn, tích cóp, mua được nhà, xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc, con cái học hành thành đạt.

Chị Hoàng Thị Chót:
Chị Hoàng Thị Chót: "Trong lúc này mình nên đồng cam cộng khổ, giúp đỡ những người nhân viên để họ có việc làm."

Năm 2013 là một năm làm ăn rất khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến nhiều gia đình phải hết sức tiết kiệm, chật vật chèo chống mong giữ cho cuộc sống của gia đình không bị xáo trộn để con cái được yên tâm học hành.

Nhưng rồi hy vọng, mong mỏi cho một năm mới mưa thuận gió hòa làm ăn thuận lợi đã bị tan thành mây khói trong những ngày cuối tháng Hai vừa qua và giờ đây trước những biến động không lường trước được của Ucraina, tâm lý của người Việt đều phấp phỏng, lo âu.

Trong lúc sự kiện xẩy ra ở Maidan đang nóng thì bà con đã nhận được sự quan tâm sâu sát của Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ukraine bằng những thông báo và khuyến cáo hết sức hữu ích phát trên phương tiện thông tin đại chúng là kênh truyền hình đối ngoại VTV4. Cho đến khi tình hình biến động với những cuộc biểu tình lan đến hai thành phố lớn của Ucraina là Kharkov, Odessa - nơi tập trung nhiều người Việt làm ăn sinh sống - thì tinh thần bà con ta mới thực sự hoảng hốt và hoang mang.

Những ngày này, các phương tiện thông tin đại chúng đã làm việc dường như căng hết cỡ. Thông báo của ĐSQ được phát liên tục trong những bản tin trên truyền hình, báo chí trong nước, các kênh truyền hình và đặc biệt tổ công tác của phóng viên Duy Nghĩa – Kênh truyền hình VTV4 đã luôn theo sát ở những điểm nóng nhất như Maidan, kịp thời phản ánh xác thực tình hình tại Ucraina. ĐSQ làm việc không có ngày nghỉ, thành lập tổ công tác cộng đồng nhằm giúp đỡ, hướng dẫn cho bà con.

Anh Thái - Hương :
Anh Thái - Hương : "Tôi theo dõi và cũng nắm được tình hình, không quá lo lắng, chỉ về Việt Nam khi thật sự thấy căng thẳng."

Nhiều gia đình đã tới ĐSQ để hoàn thiện giấy tờ phòng khi có chuyện xảy ra thì có thể chủ động thu xếp nhanh chóng. Ở Kiev, trừ một số người do không làm ăn được hoặc những gia đình đã có tính toán lên kế hoạch từ trước cho việc trở về Việt Nam của mình.

Số còn lại - những người tâm niệm rằng mình đã định cư ở đây lâu rồi, đã coi đây là quê hương thứ hai, nơi từng cho mình một cuộc sống bình yên – nghĩ nếu bây giờ trở về thì những ông, bà người Ucraina đã và đang chăm nom săn sóc con cái mình, coi gia đình mình như ruột thịt, bây giờ cũng chỉ mong có gia đình mình làm nguồn an ủi cho tuổi già cô đơn, sẽ như thế nào.

Hay ái ngại khi những người nhân viên bán hàng đã cùng mình buôn bán trải qua bao mùa gió tuyết mưa rơi rồi sẽ phải đi tìm việc làm thế nào trong lúc khó khăn này. Họ tự trấn an bằng những ý nghĩ mình chỉ cần chú ý giữ gìn cẩn thận hơn khi đi ra ngoài và khi chưa có gì căng thẳng và các hoạt động vẫn bình thường, thì vẫn xác định sẽ bám trụ cho đến lúc chẳng may tình hình có chiều hướng xấu đi mới tạm trở về Việt Nam để bảo đảm an toàn cho gia đình.

Mặc dù đã xác định như vậy nhưng gia đình nào cũng có những điều băn khoăn giống nhau, đó là với các gia đình có các cháu bé học lớp một, lớp hai trở xuống thì việc đưa các cháu về là dễ dàng vì không ảnh hưởng nhiều tới việc học của các cháu. Nhưng đối với các cháu học lớp bốn, lớp năm trở lên là rất khó, ai cũng băn khoăn làm sao có điều kiện cho các cháu theo học bằng tiếng Nga, chứ nếu học bằng tiếng Việt thì các cháu không thể nào theo kịp, dẫn đến việc các cháu chán nản, ảnh hưởng tới chương trình học tập.

Nhà cửa thì dù lo thắt ruột vì đó là công sức lao động vất vả nhọc nhằn mới dành dụm mua được cũng đành khóa cửa để đấy, có muốn bán thì cũng khó bán vào lúc này, còn hàng hóa thì giải quyết làm sao...

Với nhiều gia đình, năm vừa qua do hàng hoá bán chậm nên hầu như tiền nong, vốn liếng mắc hết trong đống hàng tồn, muốn giải quyết để lấy tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày còn khó thì để lo được tiền mua vé máy bay cho cả gia đình cũng là nan giải.

Chị Băng - Đa:
Chị Băng - Đa: "Đã có kế hoạch thu xếp để về nhưng chưa thuyết phục được con cái."

Thế cũng đã hết đâu, với những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở bên này thì môi trường, sinh hoạt liệu có dễ thích ứng. Đối với bọn trẻ, đây là nơi chôn rau cắt rốn của chúng, những bà, những cô bảo mẫu chăm sóc chúng từ khi còn bé tí và gia đình họ đã trở thành những người thân thiết như ruột thịt.

Điểm chung khi được hỏi là khi tình hình căng thẳng, mọi người muốn đi về đâu, thì một trăm phần trăm mọi người đều nói sẽ về Việt Nam. Vì sao họ lại không đi sang một nước khác thì câu trả lời của anh Trần Văn Vinh – người đã có hai mươi mấy năm gắn bó với nước Ucraina - được mọi người đồng tình:

“ Nếu tình hình có xấu đi lắm thì cả gia đình sẽ về Việt Nam. Ở đó có những người thân yêu ruột thịt của mình. Nếu chẳng may trở về tay trắng thì vẫn còn có sự đùm bọc, che chở của người thân, xóm làng, chứ nếu đi sang nước khác với hai bàn tay trắng, phải làm lại từ đầu mà không có người quen thân thì rất khó khăn vì đã lớn tuổi. Có câu “Quê hương mỗi người chỉ một”, mà mọi người ở đây đều đã có hai quê hương .”

Cầu mong chiến tranh đừng xảy ra, bình yên sẽ trở lại với Ucraina. Cuộc sống rồi sẽ tốt đẹp lên với những gia đình người Ucraina và người Việt – những người yêu hòa bình, chăm chỉ, cần cù trong lao động.

(Kiev 5.3.2014)
Quê Hương (Theo Quê Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem