Gặp phóng viên NTNN/Dân Việt những ngày đầu xuân trên nước Nhật, câu chuyện về cuộc đời ông, từ một người con được cha mẹ Nhật nhận nuôi, đến xây dựng lý tưởng sống và sự thành đạt cho chính mình, tất cả là sự bền bỉ và nghị lực hiếm có.
Được gọi là “một người Việt dấn thân ở Nhật Bản”, chắc hẳn hành trình đến với thành công của ông không hề dễ dàng, xin ông chia sẻ đôi chút về những kỷ niệm và dấu ấn của mình trong con đường đó?
Tính từ ngày tôi đến Nhật Bản đến nay cũng đã 39 năm, thời gian trôi đi cũng nhanh, những năm đầu đến Nhật, tôi gặp rất nhiều khó khăn, thứ nhất là ngôn ngữ, thứ hai là văn hóa, tập quán của Nhật. Tôi được cha mẹ nuôi bảo lãnh sang, trong quá trình ở với cha mẹ nuôi có nhiều bất đồng về ngôn ngữ, nhưng nhờ có sự chịu đựng, nhẫn nhịn nên đã vượt qua và hòa đồng được. Người Nhật Bản rất nghiêm khắc, kỹ lưỡng, nếu hiểu được tính cách, sở thích của họ thì mới đủ sức để chinh phục họ. Cha mẹ nuôi tôi thường dạy: “Khi con ra đường, con là con của ba mẹ, là người Nhật, mà đã là người Nhật thì phải biết vươn lên. Nếu con biết nhẫn nhịn, lễ phép, người Nhật sẽ giúp con”. Nhớ lời dạy đó, tôi luôn kiên trì, chịu đựng, vượt qua mọi khó khăn. Thời gian ở đây, để sống được với người Nhật tôi phải làm gấp 3 lần người ta mới tồn tại được. Nhớ lại quãng đời đã qua, bị đánh đập cũng có, bị chửi mắng cũng có, nhưng tôi đều phải chịu đựng hết thì mới có được ngày hôm nay. Hiện tôi có 3 siêu thị cây cảnh và đồ làm vườn ở Nhật, mỗi siêu thị có diện tích khoảng 5.000 m2.
Ông Ngô Hùng Lâm trong siêu thị cây cảnh của mình tại Chiba, Nhật Bản. ảnh: Lê Lâm
Ông Ngô Hùng Lâm, sinh năm 1961, Giám đốc hệ thống siêu thị Fuji Garden Center (Nhật Bản). Ông là tác giả cuốn sách “Chinh phục Phú Sỹ” được xuất bản và phát hành tại Việt Nam và là người góp phần quảng bá văn hóa và hữu nghị Việt Nam tại Nhật Bản.
|
Cơ duyên nào đưa ông đến lĩnh vực kinh doanh cây cảnh?
-Tôi đến Nhật là được cha mẹ nuôi tôi nhận về để hướng vào làm nghề xây, cắt. Khi tôi đến thì cái cửa nhà của cha mẹ tôi không đóng được, tôi thấy vậy nhưng không biết tiếng Nhật nên mới dùng ngôn ngữ cơ thể để chỉ ra ngoài mua cây về làm. Thấy tôi làm được và làm đẹp mẹ nuôi tôi đồng ý cho tôi làm nghề xây, cắt.
Trong thời gian đó tôi có vợ. Trong một lần vợ tôi rủ về Việt Nam chơi và đưa tôi đi về làng gốm Bát Tràng. Khi tôi quay lại Nhật, tôi nói với vợ tôi, em cho anh tiền để mua xe ô tô, nhưng anh không muốn mua ô tô, anh dành tiền đó để đầu tư mua đồ sứ sang bán, nếu như thành công thì chúng mình cùng hưởng, còn thất bại coi như anh… đụng xe. Vợ tôi đồng ý, từ đó, tôi bắt đầu bán đồ gốm sứ Bát Tràng, nhưng nếu chỉ để gốm sứ không thôi thì đơn điệu, nên vợ tôi mua thêm hoa về cắm trong đó cho sinh động, nhưng khi khách hàng đến xem gốm sứ cứ hỏi có hoa bán không, hỏi nhiều quá nên mình mới phát triển thêm nghề hoa.
Ông từng nổi tiếng với bài học “100-1=0”, bài học đó áp dụng thế nào cho nông nghiệp Việt Nam thưa ông?
100-1 thì bằng 99 chứ sao bằng 0 được. 100 ở đây gọi là 100%, tất cả các lĩnh vực kinh doanh, như ở Nhật, quan trọng nhất là uy tín, dù anh có sản phẩm tốt, chất lượng, giá rẻ nhưng anh không có uy tín thì anh vẫn thất bại. Uy tín là phải kiên trì, gìn giữ nó thì mình mới phát triển bền vững, lâu dài được. Hay nói cách khác, nghĩa là 100 quân lính tốt mà có một tên xấu sẽ dễ bị phá sản. Cho nên, ở khía cạnh là một nhà kinh doanh, luôn ứng phó với sự cạnh tranh rất ác liệt, nhất là ở một nước như Nhật Bản. Muốn bảo vệ chuyện kinh doanh của mình vững chắc, tôi bắt buộc phải dạy cho nhân viên của mình biết làm ăn lâu dài, bền vững, chứ không phải ăn xổi, chỉ biết có mình. Trong ngành nông nghiệp, khi mình đích thân trồng bó rau, hay nuôi một con cá, thì “100-1= 0” này nên tận dụng. Mình phải giữ được uy tín và người ta đến với mình bằng uy tín của mình chứ không phải chỉ chất lượng riêng không. Khi tôi sang đây, ít có người Nhật biết về Việt Nam. Dù sống xa quê hương, nhưng trong tâm tôi lúc nào Việt Nam cũng ở trong tim, tôi tự hào mình là người Việt Nam.
Xin cảm ơn ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.