Nón lá giữa thảo nguyên Nga
Từ Mátxcơva đi theo tuyến Riazan chừng 110km, rẽ theo hướng Kolomna, qua thành phố chừng 25km nữa là đến một khu làng thưa vắng. Rời đường làng, xe chúng tôi băng qua đồng đi về phía sông Ôka chạy giữa cánh đồng bát ngát hàng nghìn hecta đến tận những hàng cây lúp xúp nhô lên một chiếc tháp nước cũ kỹ thời Xô viết.
Dưới chân tháp nước là một ngôi nhà hai tầng hoang tàn, vắng vẻ; bên cạnh là một ngôi nhà gỗ lụp xụp, không một bóng người. Phía góc lùm cây đã có một người chờ sẵn bên một chiếc ô tô phế liệu. Tuyến- người bạn đi cùng bảo, có người ra đón chúng ta. Một người đàn ông khó đoán tuổi ngượng nghịu bước tới cửa xe anh tự giới thiệu tên là Bùi Văn Lưỡng. Anh Lưỡng dẫn chúng tôi lên phòng ở tầng 2- nơi ở của tất cả 14 người cả nam và nữ.
Những người công nhân nữ, da tay nứt nẻ, mắt thâm quầng, đen xạm; còn anh em công nhân nam nhìn chung là gầy gò, quần áo nhầu nát và mệt mỏi. Đi làm về, sau khi ăn uống xong, họ chui vào màn ngủ dăm tiếng để chưa bình minh đã dậy đi làm.
Buổi trưa, anh em công nhân chỉ được nghỉ 1 giờ về ăn trưa, sau đó phải ra đồng lập tức. Mỗi ngày họ dậy từ 4 giờ sáng và làm việc đến 10 giờ đêm. Trừ 2 tiếng nghỉ ăn cơm và vệ sinh, vị chi là làm việc suốt 16 tiếng mỗi ngày như một chiếc rôbôt!
Đến mùa thu hoạch, họ cắt rau thì là, bắp cải, hành... cho vào các bao tải, chờ xe tải đến mang về thành phố. Mỗi ngày, một người phải cắt được từ 1,6-1,7 tấn rau.
Giữa trời nắng tháng 7, tháng 8, những người công nhân Việt nhỏ thó đội những chiếc nón bọc băng dính để được bền; nam giới mang theo mũ cối từ Việt Nam sang đội mới chịu được nắng gió thảo nguyên. Cường độ, thời gian lao động của họ chỉ có thể so sánh với công nhân châu Phi đào kim cương cuối thế kỷ XVIII.
Chưa một lần được đi phố
Về mùa đông giá buốt, khi tất cả thảo nguyên đóng băng, họ được đưa về làm việc trong một tầng ngầm của xưởng gần thành phố.
Công việc của họ vẫn như những chiếc máy, cho khoai tây, cà rốt và bao, cân lên và khâu lại. Có những thời gian, họ ngồi suốt ngày chọn, bóc bắp cải, chia loại để muối hoặc để bán ra của hàng.
Anh Lưỡng cho hay, rất may chủ của họ là người Nga rất đàng hoàng và sòng phẳng, 2 ngày công nhân được thanh toán tiền một lần, căn cứ vào sản phẩm khoán. Còn những nơi khác, chủ quỵt lương, trả chậm lương tới hàng tuần, thậm chí là hàng tháng.
Anh nói nhỏ với tôi, trừ đầu, trừ đuôi ra, mỗi ngày, một người có thể kiếm được 500 rúp (khoảng 17 USD). 500 rúp làm việc 16 giờ ròng rã, chấp nhận sự tàn phá sức khỏe, chấp nhận sống ở nơi cách biệt thế giới văn minh, không báo chí, không giao lưu, không người thăm hỏi.
Người có tri thức cao nhất ở đây là anh Lưỡng. Với vốn kiến thức tiếng Nga có được từ thời làm công nhân, anh vừa là đội trưởng, vừa là phiên dịch. Anh thật thà cho hay là, 11 năm nay, vẫn chưa có cơ hội để về thăm vợ con ở Thanh Hóa.
Có lẽ ngoài anh Lưỡng là người duy nhất biết thành phố, đã từng được đến các cửa hàng, còn lại thì anh chị em từ các đồng quê Hà Nam, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh bỏ quang gánh, rũ bùn, lên sân bay Nội Bài, qua Đomođeđovo, rời sân bay là đến thẳng một mạch ra đồng rau mịt mù, xa lắc.
Thỉnh thoảng có người quen từ Kolomka xuống, anh Lưỡng lại nhờ mua hộ nước mắm, bánh kẹo, mì tôm và nộp card điện thoại. Tiền chủ thanh toán cho, anh Lưỡng lên phố ra ngân hàng chuyển về một địa chỉ trong nước, các gia đình qua nhận. Nhưng bất tiện vô cùng.
Họ nhờ chúng tôi giúp mang ít tiền của tất cả anh em lên Mátxcơva chuyển về Việt Nam hộ. Về khoản này thì tôi mù tịt, tôi đành nhờ anh Tuyến. Mọi người rời đồng rau, tập trung quanh xe, lần giở trong người những đồng bạc buộc chặt, ướt đẫm mồ hôi, đếm trao cho anh Tuyến. Một ngày sau, số tiền đó đã được chuyển về quê theo đường dịch vụ.
Xong xuôi, họ lại ra đồng. Nhìn những dáng người lom khom trên thảo nguyên bạt ngàn của nước Nga mà cảm thương cho số phận những người con Việt xa xứ.
500 rúp làm việc 16 giờ ròng rã, chấp nhận sự tàn phá sức khỏe, chấp nhận sống ở nơi cách biệt thế giới văn minh, không báo chí, không giao lưu, không người thăm hỏi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.