Nguồn cung mới nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn khiêm tốn
Nguồn cung mới nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn khiêm tốn
Gia Linh
Thứ hai, ngày 22/07/2024 11:43 AM (GMT+7)
6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM chỉ hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô 610 căn hộ, tổng diện tích sàn 50.831 m2. Nguồn cung mới được đánh giá là khá "nhỏ giọt" trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn.
Liên quan đến tình hình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết theo Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM đặt chỉ tiêu phát triển đến năm 2030 là đầu tư xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội.
Riêng giai đoạn 2021 – 2025, thành phố đặt mục tiêu xây dựng khoảng 26.200 - 35.000 căn, giai đoạn 2026 - 2030 xây dựng khoảng 43.300 - 58.000 căn.
Về kết quả thực hiện, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã xây dựng hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô 610 căn hộ, tổng diện tích sàn 50.831 m2. Được biết, 2 dự án này bao gồm khu nhà ở xã hội Nguyên Sơn, huyện Bình Chánh với 242 căn hộ và dự án nhà lưu trú công nhân phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức với 368 căn hộ (trên tổng số 1040 căn).
Lũy kế từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 6 năm 2024, thành phố đã hoàn thành 4 dự án, gồm 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án lưu trú công nhân với quy mô 1.233 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 112.385 m2. Bên cạnh đó, TP.HCM có 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công, trong đó 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 4.386 căn hộ.
Các dự án này bao gồm: Khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (1.344 căn); Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình, quận Tân Bình (168 căn); Khu nhà ở xã hội - Khu nhà ở thương mại tại khu đất Chợ Bình Phú cũ, quận 6 (390 căn); dự án tại số 324 Lý Thường Kiệt, quận 10 (1.254 căn); Nhà lưu trú công nhân tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức (672/1.040 căn); Khu dân cư phường Long Trường, TP.Thủ Đức (558 căn).
Tuy nhiên, số lượng nhà ở được phát triển trong thời gian qua vẫn khá khiêm tốn, không thể đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân. Ngoài ra, để đặt được mục tiêu đầu tư xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của TP.HCM vẫn còn khoảng cách khá xa.
Nhà ở xã hội trông chờ vào trợ lực pháp lý
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết việc phát triển nhà ở xã hội tại địa phương còn nhiều vướng mắc đến từ vấn đề pháp lý, thủ tục đầu tư, nguồn vốn... Trong đó, khó khăn thiếu nguồn vốn đầu tư từ nhà nước, ngân sách nhà nước nên chưa thể bố trí đầy đủ để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu của nhà nước cho các đối tượng chính sách như cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên…
Hiện tại, TP.HCM chỉ bố trí được 10% nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, TP.HCM cần 37.700 tỷ đồng để phát triển các dự án nhưng thực tế thành phố chỉ có khả năng đáp ứng bố trí từ ngân sách khoảng 3.770 tỷ đồng.
Các chuyên gia đánh giá, việc nguồn cung nhà ở hạn chế, đặc biêt là phân khúc nhà ở vừa túi tiền chính là một trong những nguyên nhân khiến giá bán bất động sản liên tục tăng cao. Hiện tượng lệch pha cung cầu, giá nhà ở liên tục thiết lập mặt bằng mới đang là thực trạng tại thị trường nhà ở TP.HCM.
Theo đó, các chuyên gia nhận định việc gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội chính là mấu chốt giúp cân bằng thị trường. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển nhà ở hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn khiến mục tiêu cân bằng thị trường nhà ở càng khó thực hiện.
Trong tương lai, các chuyên gia kỳ vọng những quy định, chính sách mới có hiệu lực sẽ tác động đến mặt pháp lý, giúp các dự án có thể sớm được triển khai. Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng việc nhiều bộ luật quan trọng như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) sắp có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn đối với thị trường nhà ở xã hội. Đây sẽ là trợ lực quan trọng giúp thu hút nhà đầu tư, cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.