Ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh: Đâu là "điểm cân bằng" hợp lý?
Ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh: Đâu là "điểm cân bằng" hợp lý?
Vũ Khoa
Thứ năm, ngày 10/10/2024 16:20 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia, ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần không quá nhỏ, không khiến phát sinh chi phí quản lý hành chính và không tạo ra số lượng người bị hoãn xuất cảnh quá nhiều.
Nên chia nhiều ngưỡng áp dụng hoãn xuất cảnh với người nợ thuế?
Thời gian qua, ngành Thuế đã tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp và người nộp thuế cho rằng, đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định hiện hành chưa cụ thể về ngưỡng nợ thuế sẽ bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người nộp thuế cũng cho rằng, các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi khi doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính nhất thời.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Tổng cục Thuế cho biết, các cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế, và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể.
Để đảm bảo thu thuế, nhưng vẫn tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thuế đã có một số giải pháp như nộp dần tiền thuế nợ, không tính tiền chậm nộp... Đặc biệt nếu người nộp có khó khăn, cũng có những chính sách như gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp,…
Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định, sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, để có ngưỡng phù hợp để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần thực hiện các thống kê nhằm phân loại trung bình nợ, đặc thù nợ của doanh nghiệp. Ngưỡng này không nên quá nhỏ vì cần đủ tính răn đe, không khiến chi phí hành chính quản lý phát sinh lớn, và không tạo ra số lượng người nợ thuế bị hoãn xuất cảnh quá nhiều.
"Giá trị nợ thuế vài triệu, thậm chí là vài chục triệu cũng không đáng. Thứ hai, có những doanh nghiệp nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài, ngược lại doanh nghiệp khác nợ ít (và vì lý do khách quan) nhưng hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu nên thường xuyên phải xuất cảnh. Do đó nếu chỉ áp dụng một ngưỡng sẽ khó cân bằng. Vì vậy, nên nghiên cứu và đưa vào quy định nhiều ngưỡng (khung) tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế. Ngưỡng thấp hơn sẽ áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp nào, ngưỡng cao hơn áp dụng cho nhóm nào", ông Vũ Sỹ Cường góp ý.
Về ý kiến cho rằng, người đại diện pháp luật trong trường hợp bị hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế, có khi chỉ là người lao động làm thuê cho doanh nghiệp, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần, Tổng cục Thuế khẳng định theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại điện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Đồng tình với quan điểm của Tổng cục Thuế, theo Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường giữa điều hành và quản trị tại một doanh nghiệp là khác nhau. Do đó, việc người đại diện về pháp luật doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm là phù hợp.
Thu hồi nghìn tỷ từ người nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh
Tổng cục Thuế cho biết, về cơ bản các quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đã được quy định tại Luật Quản lý thuế. Từ cuối năm 2023, ngành Thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của người nộp thuế bỏ địa chỉ đã đăng ký trên cả nước là khá lớn (15.602 tỷ đồng).
Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi "Thông báo tạm hoãn xuất cảnh" đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Đồng thời gửi người nộp thuế để biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Các kênh thông tin để thông báo, nhắc nhở, cảnh báo được thực hiện qua ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile, và cả nhắn tin, do đó người nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế.
Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân khi biết được thông tin về các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế của cơ quan thuế, nhất là các quy định về tạm hoãn xuất cảnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã tự giác đi nộp những khoản thuế nợ từ nhiều năm trước đó.
Nhiều doanh nghiệp đã tập trung thu xếp nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế nhằm được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Kết quả thu hồi nợ thuế 9 tháng 2024 đạt khá, cơ quan thuế đã thu được 56.092 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Con số 1.844 tỷ đồng cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nợ thuế mà ngành Thuế triển khai. Số thu được lớn hơn tổng số thu của 2 địa phương có số thu thấp.
Mặt khác, trong thời gian qua Tổng cục Thuế ghi nhận có tình trạng đối phó của người nộp thuế như thay đổi người đại diện pháp luật khi có thông báo tạm hoãn xuất cảnh. Trước tình hình trên, cơ quan thuế chủ động nắm bắt thông tin phản ánh, rà soát thông tin nợ thuế, thông tin về thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
Để tăng cường công tác quản lý nợ thuế, ngày 23/9/2024, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4216/TCT-QLN. Theo đó, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai 11 nhóm giải pháp để thu hồi nợ thuế, đồng thời, đảm bảo dữ liệu tạm hoãn xuất cảnh được cập nhật trên hệ thống để thuận lợi cho người nộp thuế tra cứu thông tin trên website của ngành Thuế và trên các ứng dụng eTax, eTax Mobile.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.