Nguy cơ một ASIAD không HCV cho Việt Nam: Cảm ơn sự thất bại

Thứ sáu, ngày 19/11/2010 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Mỗi người dân khỏe mạnh là cả đất nước khỏe mạnh". Lời dạy của Bác Hồ dường như bị lãnh đạo ngành thể thao bỏ qua nhiều năm nay: Quá chú trọng cho thể thao đỉnh cao, bỏ qua thể thao quần chúng.
Bình luận 0
img
Đội tuyển nữ cầu mây Việt Nam (áo vàng) thua Indonesia trong trận đấu ngày 18- 11.

Đâu là "nguyên khí"?

Khi còn Ủy ban TDTT, cơ quan ngang bộ này có đến 2 vụ cùng lo một nhiệm vụ: Thể thao đỉnh cao. Điều này làm người ta biết đến Ủy ban TDTT khi ấy như một cơ quan chuyên lo chuyện đưa VĐV đi thi đấu quốc tế để giành huy chương chứ không phải một cơ quan có nhiệm vụ chính là xây dựng phong trào rèn luyện thể lực cho toàn dân như di huấn của Bác Hồ. Ông Vũ Quang Trung - cựu Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần chúng trước đây có lần tâm sự: "Cả nền thể thao nước nhà, người ta chỉ biết đến Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 và 2 thôi".

Ông Trung buộc phải nói thế vì thể thao phong trào của Việt Nam bây giờ đang ở mức phát triển thụt lùi. Sau khi xóa bỏ bao cấp, mọi mặt về đời sống, xã hội… của nước ta đều phát triển nhưng riêng thể thao phong trào thụt lùi rất mạnh, thậm chí tàn lụi bắt đầu vào thời điểm đó. Câu thành ngữ: "Trẻ uống nước trà - già tập thể dục" bắt đầu xuất hiện từ lúc ấy.

Về các giải thể thao phong trào cấp toàn quốc đã có mấy giải? Ngay như môn thể thao vua là bóng đá thì cũng chỉ duy nhất có Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc tổ chức vừa qua.

Điều ấy làm nảy sinh thực tế là 2 Vụ Thể thao thành tích cao lấy đâu ra "nguyên khí" để đào tạo ra các VĐV để đi thi đấu.

Vẫn biết đào tạo thể thao đỉnh cao cần phát hiện và đào tạo theo một phương pháp đặc biệt. Nhưng cũng nói thẳng đó là hướng đào tạo VĐV đỉnh cao của những nền thể thao lớn mạnh. Riêng với thể thao Việt Nam vẫn phải xác định "lấy ý kiến quần chúng" trước đã.

Ngôi nhà thể thao Việt Nam đang hỏng nặng phần nền móng. Phải phá bỏ hết đi để xây lại từ đầu. Nếu không cái cảnh cả đoàn thể thao 400 người đi tham dự một kỳ Đại hội tầm cỡ châu lục như ASIAD rồi lại nhìn nhau hỏi "HCV trông thế nào nhỉ?".

Cố đấm cũng không thể có xôi ăn

Không có "nhân tài", thiếu lực lượng kế cận, những nhân tài thưa thớt của thể thao Việt Nam đợt này phải căng sức trong một sân chơi không phải của họ. Đỗ Ngân Thương mà độ tuổi và sự phát triển cơ thể đã vượt qua độ tuổi "chín" của thể dục dụng cụ vẫn phải căng sức thi đấu, chuyện xếp thứ hai từ dưới lên không có gì là lạ. Nguyễn Mạnh Tường bắn súng đã sắp đến cái tuổi hưu của chế độ nhà nước chứ không chỉ ở tuổi "hưu" của một VĐV.

Đến 3 VĐV wushu vào chung kết nhưng cả đoàn thể thao Việt Nam đều biết là không có cửa. Wushu là môn mà Trung Quốc muốn ta thi đấu cùng, thậm chí còn “bỏ” cho chúng ta nhiều HCV ở các giải thế giới trước đây hòng gây sức ép để Ủy ban Olympic thế giới đưa môn này vào nội dung thi đấu.

Còn nhiều nội dung thi đấu nữa với nhiều "hy vọng vàng": Vũ Thị Hương, điền kinh - cầu mây nữ… Nhưng gần như chắc chắn là không thể có HCV, "hy vọng vàng" chỉ là cây cột chống cho ngôi nhà thể thao Việt Nam đang sa sút mà thôi.

Đến ASIAD lần này mới thật thua "trắng mắt". Một cuộc thay đổi cần phải diễn ra để thay đổi cục diện thể thao nước nhà.

Còn quá sớm để khẳng định một điều gì đó nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người nói cảm ơn bài học cay đắng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 16 tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem