Nguy hiểm như làm... chổi chít

Ái Liên Thứ tư, ngày 10/09/2014 07:35 AM (GMT+7)
Nghề làm chổi chít ở thôn Đông Am Vàng (xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang) đã có gần 20 năm nay, góp phần xóa đói giảm nghèo cho gần 300 hộ dân. Nhưng ít ai nghĩ nghề này cũng lắm hiểm nguy cần cảnh báo.
Bình luận 0

Nghề lúc nông nhàn

Ông Giáp Văn Bắc -Trưởng thôn Đông Am Vàng cho biết, hiện thôn có tới gần 300 hộ thì hầu hết làm nghề này. Dân làng ngày một phấn khởi vì đời sống cơm áo của họ không ngừng được cải thiện,

Gia đình anh Giáp Văn Thắng ở thôn Đông Am Vàng là hộ đầu tiên trong thôn mạnh dạn vay vốn, làm nghề quy mô lớn. Lúc đầu ai cũng nghĩ nghề này nhẹ nhàng, có thể làm vào lúc nông nhàn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, bà con mới thấy đó cũng là nghề… nguy hiểm. Nói về sự nguy hiểm, anh Giáp Văn Thắng chia sẻ, nguy hiểm đầu tiên là khâu hái chít.

Với đặc tính thời tiết cũng như phong tục canh tác của bà con vùng cao Hà Giang, Tuyên Quang… mà số lượng cây chít ngày một ít đi, phải vượt núi băng rừng hiểm trở mới có thể kiếm được chít. Anh kể: “Tai nạn mà người hái chít hay gặp nhất là rắn cắn.

Trong một lần đi rừng cùng với người mà tôi đặt mua chít lâu năm ở Tuyên Quang, tôi bị một con rắn hổ mang cắn, lưỡi cứng đờ, chân tay co giật… cũng may mà người đi cùng tôi biết cách sơ cứu nên tôi may mắn sống sót”.

Ô nhiễm từ bụi chít

Tới nhà anh Giáp Văn Thắng, chúng tôi chứng kiến nơi làm việc với máy móc hết sức thô sơ, những bó chít chất ngang mái nhà, những âm thanh vang cả một góc làng bởi tiếng máy khoan, tiếng cưa, tiếng chặt… Và khiếp sợ nhất là bụi chít bay mù mịt. Anh Thắng cũng thừa nhận: “Sản xuất chổi chít, nỗi khổ lớn nhất là bụi. Sau các công đoạn làm chổi, quần áo của chúng tôi nhuốm màu bụi xanh do các hạt chít rơi rụng, phủi bằng tay cũng không sạch. Tôi nghĩ ra cách dùng quạt thổi bụi chít. Phải dùng quạt quanh năm, ngay cả những hôm rét mướt nên người làm lại phát sinh các bệnh đường hô hấp”.

Đã có thời gian, anh Thắng bị đau rát vùng ngực, họng và mũi cũng ngứa rát, phải đi khám phổi ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Kết quả là phổi nhiễm nhiều bụi, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Trước thực tế ô nhiễm môi trường không khí từ bụi cây chít ngày càng nhức nhối, cụ Giáp Văn Thiệp đã nghĩ ra chiếc “máy hút bụi chít”. Cụ tận dụng từng con ốc vít, thanh sắt... để lắp ráp máy, thiết kế tách biệt giữa phần hút với phần xả bụi ở hai đầu của thân máy, qua đó giảm thiểu tới mức tối đa các tác hại do bụi chít mang lại.

Kể từ đó, như một thói quen, mỗi khi bắt tay vào công việc làm chổi, mỗi thợ làm chổi đều đặt chiếc máy hút bụi cạnh nơi làm việc của mình. Nhờ đó, các bệnh về hô hấp của thợ làng giảm, năng suất lao động tăng hơn.

Tuy nhiên nhiều người làm chổi vẫn băn khoăn, hiện cả thôn làm nghề này, máy hút bụi chít mà cụ Thiệp sáng tạo đã giảm thiểu một phần bụi nhưng không khí vẫn rất ô nhiễm và ảnh hưởng đáng lo ngại cho sức khỏe của thợ làng. Họ mong mỏi có các nhà khoa học nghiên cứu máy kiểm soát được bụi chít, để thợ làng làm việc an toàn hơn.

   Ông Nguyễn Hoài Muôn - Chủ nhiệm HTX Tiểu thủ công nghiệp thương binh xã Việt Lập cho biết, với sức sản xuất, tiêu thụ và giá chổi ổn định như hiện nay, mỗi lao động có thu nhập bình quân 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem