Không thể có bàn thắng trong lần cuối khoác lên mình màu áo tuyển Việt Nam nhưng với những gì tiền đạo này đã đóng góp cho ĐT Việt Nam, Anh Đức luôn xứng đáng với những lời cảm ơn từ người hâm mộ.
Người… không được chọn
Nguyễn Anh Đức sinh ngày 24/10/1985 tại tỉnh Sông Bé (sau này được tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước vào năm 1997). Anh Đức sinh cùng thời với những Lê Công Vinh, Phan Thanh Bình và Phạm Văn Quyến, và cả bốn cầu thủ trên đã cùng nhau góp mặt trong đội hình U23 Việt Nam tại SEA Games 2005.
Tiền đạo Nguyễn Anh Đức.
Với hàng công đầy sức mạnh, người hâm mộ hi vọng rằng các cầu thủ trẻ sẽ mang về tấm HCV khu vực đầu tiên, sau bao khắc khoải chờ mong. Nhưng những gì diễn ra sau đó, đã đưa sự nghiệp của cả bốn tiền đạo đầy tiềm năng năm ấy rẽ theo những hướng rất khác nhau. Người được kì vọng nhất- Văn Quyến phải đứng trước vành móng ngựa vì những hành động sai trái của mình, Thanh Bình sa sút, cơ hội vô tình mở ra với hai cái tên còn lại, nhưng chỉ có Công Vinh là thực sự có duyên với đội tuyển. Anh Đức- phương án “thứ yếu” tại SEA Games 23, tiếp tục là cái tên không tạo ra được nhiều dấu ấn mỗi lần lên tuyển.
Sau khi qua tuổi khoác áo các lứa U, Anh Đức có dịp được tập trung cùng ĐTQG, nhưng ở đó, Công Vinh và Việt Thắng thi đấu ổn định. Trong khi tiền đạo quê Bình Dương không tạo được nhiều dấu ấn trong mắt các HLV và cơ hội cứ thế, cứ thế nhỏ dần với Đức “Eto”.
Không thể phát huy hết khả năng trong màu áo tuyển, nhưng tại CLB, Anh Đức luôn là một “huyền thoại” của Becamex Bình Dương. Năm 2006, ở tuổi 21, Anh Đức kí hợp đồng với đội bóng quên hương và gắn bó với đội chủ sân Gò Đậu trong suốt 13 năm sự nghiệp (cho đến thời điểm này). Với lối chơi đơn giản, mạnh mẽ nhưng rất hiệu quả, tiền đạo sinh năm 1985 luôn là đầu tàu của đội bóng đất Thủ trong hành trình chinh phục các danh hiệu.
Năm 2009, Becamex Bình Dương lọt vào tới bán kết AFC Cup và ở mùa giải sau đó, tiền đạo mang áo số 11 đã có 3 bàn thắng sau 5 lần ra sân tại đấu trường này. Becamex Bình Dương luôn sở hữu trong đội hình những ngoại binh xuất sắc, tiêu biểu có thể kể đến Huỳnh Kesley Alves nhưng trong suốt 14 năm qua, vị trí của Nguyễn Anh Đức trên hàng công đội bóng này chưa một lần lung lay. Dù là chơi theo phong cách nào, dù là dưới thời HLV nào, Anh Đức vẫn luôn “chắc suất” tại vị trí cao nhất trên hàng công đội bóng đất Thủ luôn là người đội trưởng mẫu mực.
Chức vô địch V.League 2014, 2015; Cup Quốc gia 2015, 2018 và Siêu cup Quốc gia 2015, 2016 là những danh hiệu mà cầu thủ sinh năm 1985 đã có được cùng đội chủ sân Gò Đậu. Ở hạng mục cá nhân, Anh Đức là chủ nhân Quả bóng vàng Việt Nam 2015 ở tuổi 30, cùng với đó là hai lần lọt top 3 Quả bóng vàng Việt Nam các năm 2017, 2018. Một bộ sưu tập danh hiệu đáng mơ ước với mọi cầu thủ và chừng đó là đủ để chứng minh thực lực của Đức “Eto”.
Nhưng xứng đáng làm người được chọn
Kể từ sau AFF Cup 2014, Anh Đức không còn cơ hội góp mặt thường xuyên tại ĐT Việt Nam. Tưởng như khán giả sẽ không còn trông thấy hình ảnh Anh Đức khoác áo ĐT Việt Nam và giang rộng đôi tay ăn mừng bàn thắng nữa, thì bất ngờ thay, tiền đạo này đã có màn “comeback” cực kì ngoạn mục. Thời điểm HLV Mai Đức Chung làm HLV tạm quyền tại đội tuyển, vị HLV này đã đặt vấn đề mời Anh Đức trở lại ĐTQG. Khát khao cống hiến cho màu áo tuyển trong tiền đạo này vẫn còn hừng hực cháy, nên khó có lí do gì để Anh Đức từ chối lời đề nghị đó. Và sau đó, mọi chuyện vượt xa mong đợi của cả người hâm mộ, các vị HLV lẫn chính bản thân tiền đạo quê Bình Dương. Nói dễ hiểu hơn, HLV Mai Đức Chung đã mời Anh Đức trở lại ĐT Việt Nam ở thời điểm ít ai ngờ tới, Anh Đức nhận lời, và phần còn lại là lịch sử!
Dù đã bước qua tuổi “băm” nhưng đặt trong lối chơi, sơ đồ chiến thuật của HLV Park, Anh Đức vẫn rất nguy hiểm, nhờ sức càn lướt tốt và độ bén cần thiết của một trung phong cắm. Hãy nhìn cách vị chiến lược gia người Hàn loay hoay với những phương án mới, từ Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh hay Nguyễn Việt Phong để rồi vẫn phải gọi trở lại “lão tướng” sinh năm 1985.
Chỉ trong ba năm từ 2017 đến 2019, Anh Đức đã có 7 bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam (và trong khoảng thời gian từ 2006-2014, tiền đạo này chỉ có 5 lần lập công trong màu áo tuyển). Trong số những bàn thắng của tiền đạo 34 tuổi, pha volley vào lưới ĐT Malaysia tại chung kết lượt về AFF Cup 2018 có thể coi là bàn thắng đáng nhớ nhất, và ý nghĩa nhất. Nếu coi sự nghiệp của Anh Đức trong màu áo ĐT Việt Nam là một bản nhạc, thì bản nhạc ấy sẽ có thật nhiều những nốt trầm nối tiếp nhau. Nhưng rồi đoạn kết lại là một khúc vĩ thanh với đầy những nốt cao thật rực rỡ, thật ấn tượng để khép lại một bản nhạc khó quên và cũng thật thú vị, thật lạ kì!
Dù ở trên sân cỏ hay ngoài sân cỏ, Anh Đức luôn cho thấy sự mẫu mực và chỉn chu cùng thái độ làm việc chuyên nghiệp. Năm 2017, ở tuổi 33, Anh Đức là vua phá lưới V.League năm đó với 17 bàn thắng, nhiều hơn cả những Dyachenko, Gaston Merlo hay Hoàng Vũ Samson. Để duy trì được phong độ và thể lực, tiền đạo này chắc hẳn đã phải tuân theo những giáo án luyện tập cùng chế độ sinh hoạt nghiêm túc. Khi không tập luyện thể thao, Anh Đức tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình và có lẽ những ngày tháng Đức “Eto” gắn bó với trái bóng tròn cũng không còn nhiều nữa.
Cá nhân tiền đạo này cũng đã vạch ra cho mình con đường riêng, đã chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chia tay sân cỏ. Tại CLB lẫn ĐTQG, Tiến Linh đang ngày càng tiến bộ, đang dần hoàn thiện mình hơn nhưng có lẽ HLV Park sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng xem liệu Tiến Linh có thể khỏa lấp được vị trí của đàn anh trên hàng công đội tuyển hay không.
Đôi chân của người chiến binh già đã dừng lại, dưới chân anh không chỉ là những bàn thắng, là chức vô địch, mà còn là cảm xúc vui sướng của triệu triệu trái tim. Một lần nữa, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Anh Đức, sau tất cả những gì tiền đạo này đã đóng góp cho ĐT Việt Nam. Chúc Anh Đức luôn đạt được nhiều thành công trong quãng thời gian tới, khi mà bóng đá dần lui vào dĩ vãng và trở thành một kỉ niệm đẹp trong tâm trí tiền đạo này.
PV (Foxsports/VN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.