Nguyễn Đăng Cảo: Vị Thám hoa có tài tiên tri, bỏ tu tiên vì... thịt cầy

Thứ bảy, ngày 06/04/2024 14:33 PM (GMT+7)
Ngửa bụng phơi sách, ví nhà Thanh như ếch ngồi đáy giếng, mê thịt cầy hơn tu tiên… Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo là một vị đại khoa đặc biệt, cũng là nhân vật lịch sử tạo ra huyền thoại chưa từng có.
Bình luận 0

Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo có tài lạ, truyện đọc một lần là nhớ, người đương thời gọi là thần đồng. Thi Hương, thi Hội, thi Đình, thi Ðông các đều đỗ đầu. Ði sứ sang nhà Thanh nổi tiếng, được triều Thanh rất khen ngợi và phê tặng danh hiệu Khôi nguyên.

Thần đồng làng Bịu

Vì có nhiều đóng góp to lớn, sau khi Nguyễn Đăng Cảo mất, dân làng Hoài Bão đã lập đền thờ ông và đền thờ người cháu - Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo gần đình làng.

Nguyễn Đăng Cảo sinh năm Kỷ Mùi (1619), tự Bá Thành, hiệu Tùng Tiên. Ông quê xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, nay thuộc xã Liên Bão (Tiên Du - Bắc Ninh). Năm 28 tuổi ông đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa thi Bính Tuất 1646 thời vua Lê Chân Tông.

Khoa thi này triều đình không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn, nên ông là người đứng đầu trong số những người thi đỗ. Bởi vậy, người đời gọi ông là Đình nguyên Thám hoa.

Sau ông lại đỗ đầu khoa Đông các và làm quan Đông các Đại học sĩ năm 1659, xếp trên các vị Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Thiên, Phạm Duy Chất, Bùi Đình Viên.

Ông từng đi sứ, tiếp sứ và được tiếng sắc sảo. Tuy nhiên, ông không được trọng dụng vì tính tình cương trực, không theo thói đời và cũng không theo một luật tục nào.

Xung quanh cuộc đời Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo có rất nhiều giai thoại. Trong đó có chuyện kể rằng: Năm 13 tuổi, Nguyễn Đăng Cảo đã rất thông minh, đọc sách một lượt là nhớ. Còn nhỏ tuổi nhưng tính đã phóng khoáng, thường đi du ngoạn và giao thiệp rộng rãi.

Năm 16 tuổi một hôm đi chơi gặp thuyền buôn, ông hỏi người chủ cho xem tấm vải gấm và hỏi giá bán. Ông chủ thuyền vốn là người hay chữ nên ra một vế đối thử tài Nguyễn Đăng Cảo: “Hữu nhất thuần cẩm, thượng cầm hạ thú, sắc nhiều toàn thuyền, khang ninh phúc thọ” - nghĩa là: Có một tấm gấm quý, trên con cầm, dưới con thú, màu huyền sắc đẹp, mạnh khoẻ giàu sang sống lâu.

Nguyễn Đăng Cảo có đồng tiền đúc mang theo, nghĩ ngay ra vế đối lại: “Hữu nhất văn tiền, nội phương ngoại viên, diện đế tứ tự, thông bảo khai nguyên” - nghĩa là: Có một đồng tiền, trong thì vuông, ngoài thì tròn, mặt đề bốn chữ, thông bảo khai nguyên. Người chủ hàng nghe xong rất cảm phục liền biếu tặng Đăng Cảo tấm vải gấm quý đó.

Khi Nguyễn Đăng Cảo đi thi, ông thi 3 kỳ ở huyện đều đứng đầu. Khi về tỉnh dự thi vấn đáp, quan trường thi thấy Đăng Cảo vào không quỳ lạy mà chỉ chào, trong lòng không hài lòng, nên đã dùng những câu hiểm hóc của kinh lễ đưa ra những câu khó nhất để hỏi, nhưng Đăng Cảo đều trả lời trôi chảy.

Tuy nhiên, quan Tả Tham chính còn chất vấn thêm. Đăng Cảo bèn nói: “Theo điều lệ của triều đình, chỉ được hỏi 6 câu, nay các ông đã hỏi tôi đến 12 câu rồi, tôi biết nhưng tôi không trả lời nữa”.

Quan Hiến sát thấy vậy bèn nói nhỏ với viên quan Tham chính rằng: Đây là một nhân tài lớn. Do đó việc vấn đáp được kết thúc. Khoa này Nguyễn Đăng Cảo đỗ Giải nguyên -  khi ấy mới 24 tuổi (1638).

Tài tiên tri

Còn có giai thoại truyền rằng, Nguyễn Đăng Cảo sớm có tài tiên tri, nên trước khi vào thi Hội và thi Đình ông đã tiên đoán trước kết quả đỗ đạt. Khoa thi năm 1464, ngày thi đến nơi, em trai ông là Nguyễn Đăng Minh lo lắng cho rằng khoa này có nhiều người giỏi, chưa chắc hai anh em đã đỗ.

Đăng Cảo liền nói rằng: Chú cứ yên tâm, khoa này triều đình lấy nhất giáp chắc là về phần ta, thứ hai về ông bạn người Thanh Hoá, thứ ba - đệ tam giáp về phần chú.

Kết quả kỳ thi đúng như dự đoán, Nguyễn Đăng Cảo đỗ Đệ nhất giáp, còn Nguyễn Đăng Minh đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ. Ngày vào Điện nhà vua thi, Đăng Cảo sức học uyên thâm, văn lý hùng hồn đáng bậc Trạng nguyên, nhưng vì triều thần thấy ông là người ương ngạnh ngang tàng nên chỉ chấm đỗ đến Thám hoa.

Một lần bế con trai còn nhỏ của Nguyễn Đăng Minh là Nguyễn Đăng Đạo, ông nói với đứa bé: Triều đình ghét ta ngang bướng, đánh xuống Thám hoa, nhưng cháu ta – thằng bé này nhất định sẽ đỗ Trạng nguyên cho mà xem, không đánh nó xuống được đâu.

Quả nhiên, sau này vào năm 16 tuổi Nguyễn Đăng Đạo đi thi và đỗ tam trường. Năm 19 tuổi lại đỗ đầu hương cống, được triều đình cho vào học tại Quốc Tử Giám. Năm Chính Hòa thứ 4 (Quý Hợi, 1683) Nguyễn Đăng Đạo đỗ Trạng nguyên (Trạng Bịu), và làm quan đến chức Tể tướng.

Nguyễn Đăng Cảo: Vị Thám hoa có tài tiên tri, bỏ tu tiên vì... thịt cầy- Ảnh 1.

Ngửa bụng phơi sách

Khi làm quan trong triều, do nói năng không kiêng giữ nên mấy lần Nguyễn Đăng Cảo bị biếm chức. Tuy nhiên, vì tài năng ứng đối hơn người lại thông minh tột bậc nên mỗi lần có cơ sự khó xử, vua Lê đều phải vời ông ra giúp.

Có lần sứ Trung Hoa sang sách phong, đến trạm Xương Giang thì dừng lại và đưa cho Thế tử một vuông gấm, trên vuông gấm ấy có ba vạch ngang. Triều đình không ai đoán được, phải ban đặc chỉ để tuyên triệu ông vào hỏi. Ông thưa rằng: Việc đánh đố nhỏ nhặt như thế này, nào có đáng gì mà khiến chúa thượng phải bận tâm.

Nói rồi, ông cầm bút chấm mực, viết một nét sổ để trả lời. Sứ Trung Hoa liền theo người dẫn đường đến ngay. Chúa hỏi vì sao lại như thế, ông nói: Ba nét ngang là tượng của quẻ càn, chỉ Hoàng Đế. Có ba nét ngang rồi, nay chỉ cần thêm một nét sổ nữa là thành chữ Vương nghĩa là vua.

Một lần Nguyễn Đăng Cảo nhận mệnh nhà vua mang lễ vật lên biên giới gặp sứ nhà Thanh để tìm cách sao cho quân Thanh không kéo về Thăng Long. Đến Lạng Sơn, sứ thần nhà Thanh ra câu đối rằng: “Điểu nhập phong, thực tận trùng nhi hoá phượng” (nghĩa là chim vào gió ăn sâu mà hoá phượng).

Chữ “phượng” do chữ “điểu” viết trong lòng chữ “phong” mà thành. Đăng Cảo liền đối rằng: “Nhân cư nham, đả thi thạch chĩ thành tiên” - nghĩa là: Người ở cạnh núi, đẽo đá để thành tiên. Chữ “nhân” đứng bên cạnh chữ “nham”, bỏ chữ “thạch” thành chữ “tiên”.

Đến cửa ải, sau một tuần mưa dầm, bỗng nhiên trời hửng nắng, sứ nhà Thanh mang sách ra phơi, Nguyễn Đăng Cảo cũng kê gối trải chiếu rồi nằm phơi bụng mình ra. Sứ Tàu ngạc nhiên lắm, hỏi sao ông làm như vậy?.

Nguyễn Đăng Cảo trả lời: Sứ thần thượng quốc phơi sách, tôi phơi bụng (ý nói có sách ở trong bụng). Sứ Tàu thán phục, nhưng vẫn thử tài thêm, nói rằng: Sách “Đại học” bản chính bị đốt mất rồi, phiền ngài viết lại cho thì tốt quá?

Đăng Cảo nhận lời và ngồi viết ngay lại từ chính vận đến chú giải lớn, nhỏ y như bản gốc. Sứ Tàu kinh ngạc nói rằng: Năm trước quan Thái tử tâu vua sao Vân Khúc giáp ở An Nam, nay quả đúng như vậy.

Tiếng đồn đến nhà vua, vua Thanh liền cho vời ông tới bảo làm bài phú giải thích cho chư hầu về việc róc tóc. Đăng Cảo làm xong sớm liền trình lên vua Thanh. Xem xong vua Thanh phê rằng: Lời gọn, ý tận và sâu sắc, phong thêm cho Đăng Cảo làm Khôi nguyên Bắc triều… rồi liền ra lệnh bãi binh.

Tài năng đối đáp, văn chương sắc bén của ông đã làm cho sứ nhà Thanh phải kinh ngạc, nể phục. Từ đó, dân gian truyền tụng câu ca: “Làng Bịu có đấng Thám hoa/ Tiếng bay thượng quốc gần xa biết tài”.

Nguyễn Đăng Cảo: Vị Thám hoa có tài tiên tri, bỏ tu tiên vì... thịt cầy- Ảnh 2.

Bỏ tu tiên vì thịt cầy

Khi Nguyễn Đăng Cảo về trí sĩ, ngày ngày đội nón chống gậy, vai mang bầu nước, ngao du khắp nơi. Lần nọ nhân đêm trăng sáng, ông lên núi Lan Kha thì chợt thấy một đạo sĩ đang ngủ trên sợi dây nhỏ, mắc giữa hai cái gậy.

Ông lấy làm lạ, đến quỳ gối để đợi. Chừng một trống canh, vị đạo sĩ ngồi dậy nói: Ông có phải là Thám hoa người làng Hoài Bão không?.

Ông cúi lạy, rồi nói xin bỏ hết việc đời để đi tu tiên. Đạo sĩ nói: Ông có số nhưng không có mệnh, chớ tự làm khổ mình.

Ông cố kêu nài, đạo sĩ hỏi: Tu tiên có 3 thứ phải ghét, 5 thứ phải kiêng. Trong các thứ phải kiêng, có món thịt cầy, ông kiêng được không?.

Ông nói là kiêng được, đạo sĩ lấy gậy và dây cuốn vào rồi giao cho ông vác đi. Ông đi mãi, qua không biết bao nhiêu núi sông phong cảnh khác thường, không giống với những nơi ông ngao du trước đó. Gần trưa, hai người đi qua một cái chợ, mùi thịt cầy trong các quán bay ra sực nức.

Ông thèm quá, xin đạo sĩ cho một bữa chót. Đạo sĩ bằng lòng. Ăn xong, ông đi ra, đạo sĩ nói: Ta chính là Trần Đồ Nam. Ông có số nhưng không có mệnh, đừng tự làm khổ mình nữa.

Nói rồi, đạo sĩ đưa ông một phương thuốc chữa bệnh cho trâu bò và vụt biến mất, không thấy đâu nữa. Ông lau mặt nhìn kỹ, thì ra đấy chính là chợ Cầu Lim ở làng Nội Duệ, cách núi Lan Kha chỉ chừng hơn một dặm.

Nguyễn Đăng Cảo đi sứ, vua Thanh thử tài sứ thần nên ra vế đối: “Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền thệ nguyệt” (Chó già rụng lông còn ngó ra sân sủa lên bóng trăng). Nguyễn Đăng Cảo đối: “Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy tiên” (Ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng ngó lên trời). Thấy vế đối ngang tàng, lại có ý coi nhà Thanh hẹp hòi “như ếch ngồi đáy giếng”. Vua quan nhà Thanh không dám coi thường sứ thần nước Nam, sai quan tiễn sứ đoàn ra về rất trịnh trọng.


Trần Siêu (Theo Giáo dục và Thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem