Khởi nghiệp nghề dẫn chương trình bằng cách làm MC… đám cưới. Khát khao học hỏi và vươn lên đã tiếp cho Nguyên Khang sức mạnh bơi ra biển lớn và ghi dấu ấn tại XoneFM. Giờ thì, Nguyên Khang đã là một cái tên được yêu thích rộng khắp. Chia sẻ của Nguyên Khang về nghề dẫn chương trình.
Sôi nổi nhưng không ồn, kiến thức tốt, ngoại ngữ giỏi, nhiều kỹ năng, Nguyên Khang đang là cái tên “so hot” được nhiều chương trình chọn lựa. Thế nhưng, người giỏi đến đâu cũng đôi lần vấp phải sự cố hoặc bị dư luận xăm soi. Nguyên Khang nói về những áp lực, niềm vui trong nghề cũng như cách cậu vượt qua sóng gió.
Lướt qua sóng gió bằng bản lĩnh
Cách hay nhất khi giải quyết một vấn đề đó là biến nó trở nên nhẹ nhàng, dí dỏm, và nói ra cho người khác hiểu được vấn đề.
- Lần đầu Nguyên Khang xuất hiện ở vai trò MC là trong chương trình nào? Anh có còn nhớ cảm giác khi bước lên sân khấu khi ấy không?
Tôi còn nhớ lần đầu tiên mình đứng trên sân khấu làm MC đó là khi dẫn dắt chương trình cho câu lạc bộ tiếng Anh của Nhà văn hoá thanh niên. Cảm giác lúc đó rất run và hồi hộp. Tôi có cảm giác như tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hơi thở thì ngắt quãng và dồn dập. Lần đó, mình tự nghĩ: Thôi, thế là tiêu rồi. Nhưng thật may là tôi vẫn đủ bản lĩnh để vượt qua giai đoạn đầu căng thẳng và hồi hộp ấy.
- Từ quan sát thực tế, tôi cho rằng, MC dẫn dắt một chương trình, ổn thì không sao, thậm chí không ai lưu tâm đến mình. Nhưng chẳng may có sự cố xảy ra thì bị “ném đá” không thương tiếc. Tại Việt Nam cũng không hiếm những trường hợp như vậy. Liệu rằng, khán giả có quá khắt khe không?
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này của bạn. Thật ra, cái hay của MC không dễ nhìn thấy, trừ nhà sản xuất. Đó chính là khả năng xử lý tình huống một cách khéo léo trơn tru, nhất là trong những chương trình trực tiếp. MC không phải như những công việc nghệ thuật khác đòi hỏi khả năng biểu diễn, nên thường thì mọi người sẽ không chú ý quan sát lắm đến công việc này.
Nhiều nhà sản xuất rất đau đầu khi phải tìm một MC giỏi để cầm trịch một chương trình lớn. Và cá nhận tôi cũng cảm thấy rất thiệt thòi khi chương trình hay thì chả mấy ai viết bài khen MC, nhưng nếu có sự cố thì chúng tôi sẽ là tâm điểm của dư luận. Thế mới bảo đây là nghề “Làm dâu trăm họ” mà…(cười)
- Anh có thể chia sẻ trường hợp nào anh gặp phải sự cố hoặc phải chữa cháy cho chương trình?
Tôi từng là MC cho chương trình X-Factor mùa đầu tiên tại Việt Nam - một chương trình được đầu tư sân khấu rất hoành tráng. Cứ sau mỗi tiết mục biểu diễn, sân khấu cần thời gian để chuẩn bị cho tiết mục mới. Tôi nhớ có lần thời gian để dàn dựng sân khấu là 3 phút, thế nhưng vẫn chưa xong, đạo diễn có báo vào tai nghe MC.
Lúc ấy, tôi phải vừa nghe hiệu lệnh kéo dài phần dẫn của đạo diễn, vừa phải suy nghĩ lời dẫn cho tiết mục tiếp theo, miệng vẫn phải cười tươi. Tôi chỉ kết thúc phần dẫn sau khi đạo diễn bảo: Cắt. Cái khó nhất là trước ống kính trực tiếp, bạn phải chia hai bán cầu não trái và phải làm hai công việc khác nhau, miệng vẫn phải cười, lời nói vẫn phải trôi chảy. Mà chuyện đó khán giả không bao giờ biết, trừ mình và anh đạo diễn. (cười)
- Từng bị "soi", thậm chí bị "ném đá" khi dẫn chương trình X-Factor và The Remix và cũng từng phản ứng lại bằng "tâm thư" trên trang cá nhân. Bây giờ nhìn lại, theo anh thì có nên phản ứng như vậy không? Bản thân anh đã rút ra được kinh nghiệm gì từ những lần ấy?
Mọi người làm quá bảo đó là “tâm thư” gì đó. Chứ tôi thấy nó rất bình thường, thậm chí tôi đọc còn thấy rất hài hước và nhẹ nhàng. Sau đó tôi còn mời người viết bài đó đi café nữa mà. Bài viết đó trên trang cá nhân nên tôi gọi đó là chia sẻ, chứ không phải tâm thư. (cười)
Theo tôi, cách hay nhất khi giải quyết một vấn đề đó là biến nó trở nên nhẹ nhàng, dí dỏm, và nói ra cho người khác hiểu được vấn đề. The Remix mùa đầu tiên quá hot, nó hot đến nỗi bất cứ nhân vật nào cũng sẽ trở thành tiêu điểm của truyền thông, kể cả MC.
Nếu chọn làm lại, tôi cũng vẫn sẽ làm như thế. Thật ra, nếu im lặng thì mọi việc cũng sẽ trôi qua. Nhưng mình học cách lướt qua những sóng gió bằng bản lĩnh. Và tôi cũng thật bất ngờ khi những chia sẻ của mình được gần 80% khán giả vào động viên tích cực. Tôi biết rằng, trên bước đường thành công của mình sẽ có những áp lực nhất định, nhưng tôi chưa bao giờ đầu hàng.
Học ở mọi lúc mọi nơi
- Người ta nói, MC là nghề nói cho vừa lòng người nghe. Anh có bao giờ vì vừa lòng người nghe mà phải nói không đúng sự thật hoặc chịu sự chi phối/ thậm chí thao túng của ban tổ chức không? Và cũng đặt vấn đề ngược lại, có khi nào vì lo lắng quá khiến việc dẫn dắt chương trình thiếu tự nhiên? (mà như nhiều người vẫn bảo là “thợ nói”).
Tôi may mắn là chưa bao giờ phải gặp tình huống nào khiến mình khó xử. Thật ra, bài toán nào cũng có lời giải. Có lời giải hay, ngắn gọn. Nhưng cũng có lời giải rất dài, và lủng củng. Quan trọng nhất là mình luôn phân tích để tìm lời giải tốt ưu. Thế mạnh của tôi chính là cách dẫn dắt chương trình tự nhiên, sâu sắc và hài hước.
Tôi không bao giờ muốn mình trở thành một “thợ nói” hay “máy nói”. Hãy làm sao để mình trở thành không thể thay thế, muốn vậy thì MC cũng phải có phong cách và thương hiệu riêng, cá nhân tôi nghĩ là thế.
"Ngày xưa tôi có khái niệm thích làm giàu, vì khi mình nghèo thì chỉ mong thoát nghèo và giàu có hơn. Nhưng khi đã sống với nghề này, tôi nhận ra rằng, đích đến không phải là tiền bạc mà là thành công. Khi mình thành công rồi thì tự động những thứ khác sẽ đến với mình" - MC Nguyên Khang chia sẻ.
|
- Khang có nghĩ rằng, vẻ bên ngoài là lợi thế góp phần tạo nên thành công hơn là cách dẫn dắt không?
Đó chỉ là yếu tố ban đầu thôi. Dù bạn có đẹp mà dẫn nhạt thì sớm hay muộn, họ cũng sẽ kiếm người khác thay thế bạn. Tất nhiên, nếu vừa đẹp vừa dẫn hay thì bạn sẽ là ứng cứ viên nặng ký, khó ai có thể thay thế bạn. Với tôi, MC vẫn phải là dẫn hay, chứ không chỉ là ngoại hình. Bằng chứng là nhiều MC nổi tiếng thế giới như Larry King, Oprah hay Ellen đâu phải là những người đẹp.
Chỉ cần làm có thực tài và có tâm, thành công luôn bền vững
- Anh nghĩ như thế nào về "quyền lực ngầm" trong làng giải trí? Chẳng hạn có tài mà không có mối quan hệ thì chưa chắc đã được mời?
Một người bạn từng nói với tôi, có 5 cái mà mình phải cần nhớ nếu muốn thành công: Hậu duệ, quan hệ, huynh đệ, tiền tệ và trí tuệ. Thật sự tôi không có 4 cái đầu tiên, phải luôn nỗ lực bằng trí tuệ của chính mình. Tất nhiên, hành trình đó sẽ phải gian nan và vất vả hơn nhiều. Ở đâu cũng có những vấn đề mà bản thân mình không thể hiểu hết. Làm gì cũng bằng khả năng, thực tài, và cái tâm thì thành công luôn là bền vững, tôi nghĩ như thế.
- Theo anh, người dẫn chương trình cần có những sự chuẩn bị nào trước khi nhận lời cũng như trong quá trình thực hiện để chương trình thành công, đồng thời đảm bảo thương hiệu của bản thân?
Phải nghiên cứu thật kỹ format của chương trình, tìm hiểu cách dẫn của MC dẫn chương trình này, hình dung ra cách xây dựng phong cách cho mình, làm việc thật kỹ với ekip và đạo diễn chương trình, và tập cách làm quen với áp lực dư luận nếu đó là show hot. (cười)
- Quan điểm của anh về nghề dẫn chương trình là gì?
MC hiện đang là nghề mà nhiều bạn trẻ mơ ước. Nghề này không phải cứ nói được là sẽ nổi tiếng. Để trở thành người dẫn hay, kiến thức và vốn sống là những điều kiện cần. Hãy luôn làm giàu kiến thức của mình, đọc thật nhiều sách, đi đến nhiều nơi, gặp thật nhiều người, và bạn sẽ cảm thấy MC cho bạn nhiều thứ hơn, không phải chỉ là tiền bạc và danh vọng.
Cảm ơn Nguyên Khang đã dành thời gian chia sẻ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.