Nguyên lãnh đạo Hà Nội Phí Thái Bình từng được xem xét miễn truy tố

N.C (tổng hợp) Thứ ba, ngày 23/05/2017 07:26 AM (GMT+7)
Trước dư luận đang “nóng” về thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với 7 người liên quan đến vụ việc đường ống Sông Đà liên tục bị vỡ (trong đó có ông Phí Thái Bình – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội), Dân Việt xin điểm lại một số dấu mốc đáng chú ý về quá trình xử lý sự việc gây bức bối này.
Bình luận 0

img

Vụ án “vỡ đường ống nước sông Đà” gây hậu quả kéo dài.

Miễn khởi tố vì vi phạm lần đầu

Ngày 31.5.2016, TAND TP.Hà Nội trả hồ sơ vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” làm 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà để yêu cầu làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân nguyên là thành viên HĐQT Tổng công ty Vinaconex và lấy lời khai của nguyên đơn dân sự là đại diện Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex.

Tới 15.7 cùng năm, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an có kết luận điều tra bổ sung đã xác định: Sau 18 lần vỡ đường ống nước Công ty CP nước sạch Vinaconex đã phải bỏ ra 13,4 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa, 177.000 hộ dân không được cấp nước trong thời gian 343 giờ, lượng nước không được cấp là 1,5 triệu m3. Doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền hơn 1000 tỷ đồng để xây dựng khẩn cấp thêm một đường ống mới. Thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng.

Đáng chú ý, ngoài 9 bị can đã khởi tố, Cơ quan điều tra cũng xác định một số thành viên HĐQT của công ty là các ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT (sau này là Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân – TGĐ; Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm là các thành viên HĐQT có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực đã gây nên hậu quả như trên là có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật hình sự.

Người chịu trách nhiệm chính trong các quyết định trên là ông Nguyễn Văn Tuân, đã mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu. Do đó liên ngành tư pháp trung ương xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự. Theo Cơ quan điều tra, những người này vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không có vụ lợi nên không ai bị khởi tố. Tuy nhiên, kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi của các lãnh đạo Vinacomex.

Cuối tháng 7, liên quan đến vụ việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận điều tra bổ sung vụ án “vỡ đường ống nước Sông Đà”, trong đó đã không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số cựu lãnh đạo Vinaconex, VKSNDTC chỉ đạo Vụ 3 kiểm tra lại vụ án trên, báo cáo lãnh đạo VKSNDTC phụ trách và gửi báo cáo về Văn phòng VKSNDTC để theo dõi.

Sau “miễn” là “vỡ” liên tiếp!

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội tuần đầu tháng 8.2016, mức độ xử lý vi phạm của các đối tượng lãnh đạo Vinaconex trong vụ đại án “Vỡ đường ống nước” lại được cử tri phản ánh tới ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Theo đó, nhiều cử tri thắc mắc vì sao không xử lý hình sự đối với một số lãnh đạo Vinaconex khi để xảy ra đến 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng vạn người dân. Đồng thời, việc "miễn" xử lý hình sự đối với ông Phí Thái Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên TGĐ Vinaconex và một số lãnh đạo khác liệu có đúng luật?

Khi đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trả lời, sau khi cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra vụ việc theo ủy quyền của VKSNDTC thì hiện vụ việc đã giao cho VKSND TP.Hà Nội khởi tố. Trong thời gian tới đây TAND TP.Hà Nội sẽ xét xử vụ án và cử tri hãy chờ đón kết quả phiên tòa này. Chưa hết, chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng cho biết thêm: một tháng nữa (tức tháng 9.2016) sẽ khởi công một tuyến đường ống nước mới hoàn toàn, với công nghệ mới từ các nước G7, được lắp song song 2-3 đường ống để đảm bảo an toàn, không bị vỡ.

Tối 14.9, nhân viên Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) trong quá trình kiểm tra đường ống để duy tu bảo dưỡng định kỳ phát hiện ra điểm nước rò rỉ và phun lên mặt đất ở đoạn qua Km21+600 đại lộ Thăng Long. Viwasupco đã huy động công nhân và máy móc đến hiện trường khắc phục sự cố. Đến 22h30, công ty phải tạm ngừng cấp nước cho hơn 70.000 hộ dân. Sự cố được khắc phục trong đêm và đã cấp nước trở lại cho người dân. Đây cũng là lần thứ 19 đường ống nước sông Đà gặp sự cố bục vỡ.

Tiếp tục, lần vỡ thứ 20 đã xảy đến vào đầu tháng 10. Cụ thể, ngày 2.10, lực lượng chức năng phát hiện điểm nước rò rỉ tại km22+900 thuộc huyện Thạch Thất (Hà Nội). Đơn vị quản lý phải đóng nguồn cấp nước từ nhà máy nước sông Đà và sửa chữa đường ống.

Theo Công ty CP Đầu từ Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco), lưu lượng nước sông Đà sụt giảm từ tối 2.10 và ngừng cấp hẳn từ 3.10 khiến khoảng 100.000 khách hàng của công ty bị ảnh hưởng. Đến tối 4.10, đường ống đã được sửa chữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem