Ông Hà cho biết: Bóng đá ngày xưa cũng như hiện nay luôn có tiêu cực, móc ngoặc, nhưng nay thì phức tạp hơn xưa nhiều. Trong mùa bóng 1983- 1984 khi tôi còn là giám sát trận đấu, mà giám sát thời đó có uy lực rất mạnh với trọng tài chứ không phải như hiện nay. Lần đó, tôi làm giám sát trận đấu của một đội bóng chuẩn bị xuống hạng đá với một đội đã chắc chân trụ hạng.
|
Một pha bóng ở trận Sài Gòn Xuân Thành gặp SQC Bình Định - một trong những trận “có mùi” nhất mùa giải qua - Ảnh: S.H. |
Lãnh đạo CLB sắp xuống hạng đến gặp tôi và nói: “Anh Hà hãy chỉ đạo trọng tài cho đội tôi thắng trong trận đấu này, nếu đội tôi trụ hạng chúng tôi sẽ biếu anh một căn nhà ở phố Thanh Nhàn (Hà Nội)”. Và đương nhiên tôi không chấp nhận. Thế mới biết bóng đá thời nào cũng có tiêu cực.
|
Ông Ngô Tử Hà - Ảnh: K.X. |
Thiên hạ nhắc đến ông với nhiều trường hợp xử lý quyết liệt với tư cách trưởng BTC giải, cơ sở nào để ông trừ điểm Công An Hà Nội, Công An Hải Phòng mà không cần nói “bằng chứng đâu” như ban tổ chức (BTC) hiện nay?
- BTC mỗi giải bóng đá có một số việc cụ thể như sau: xây dựng điều lệ, quy chế giải đấu trước mỗi mùa giải; lên phương án tổ chức thi đấu; tập huấn và phân công trọng tài; làm việc và quan hệ với BTC các sân, các địa phương.
Khi bóng lăn thì giám sát, xử lý các sự việc diễn ra, nhất là các vụ việc tiêu cực, kỷ luật các đội bóng, trọng tài hay các bộ phận liên quan vi phạm. Quản lý giải đấu, BTC dựa trên luật FIFA, quy chế bóng đá chuyên nghiệp, điều lệ giải.
Khi xây dựng quy định kỷ luật giải tôi đưa vào câu “nếu trận đấu có biểu hiện tiêu cực thì BTC giải sẽ xử lý kỷ luật theo các mức độ a, b, c”. Biểu hiện của hai CLB nhường điểm, cầu thủ bán độ thể hiện trong 90 phút thi đấu, trong mối quan hệ giữa các đội bóng với nhau, những phát hiện của báo chí trước và sau trận đấu, báo cáo của giám sát, đánh giá của tiểu ban chuyên môn...
Tôi cho rằng với tất cả những tai, mắt như vậy, nếu một người làm công tác chuyên môn trong bóng đá xem một trận đấu mà không biết có bán độ hay không thì trình độ kém, nên nghỉ đi thì hơn. Nếu biết mà không xử lý thì tư cách của BTC kém. Không khó khăn gì để kết luận trận đấu, cầu thủ, trọng tài có tiêu cực hay không, có điều BTC dám làm hay không mà thôi.
“VFF nên xin lỗi việc chưa làm được”Ông Ngô Tử Hà nói: “Theo tôi, VFF cần thay đổi rất nhiều vấn đề, từ cơ cấu tổ chức bộ máy đến cách làm. Xem xét lại quyền hạn của BTC đến ban trọng tài, ban kỷ luật, ban khiếu nại tố cáo... mối quan hệ của nó với BTC giải, BCH VFF.
Cách điều hành và phân công nhiệm vụ như hiện nay là rất khó làm. Nhưng trước tiên ngay bây giờ để chuẩn bị cho mùa giải mới, VFF phải mời ông chủ của các CLB lên họp, bàn bạc, nghe ý kiến đóng góp của họ về những việc đã làm được và chưa được. VFF nên xin lỗi về những việc mình chưa làm được, chân tình lắng nghe ý kiến của CLB”.
Ông đánh giá thế nào về BTC giải hiện nay khi vừa qua bầu Kiên của đội Hà Nội ACB đăng đàn cho rằng BTC giải đang bao che, bưng bít cho tiêu cực?
- Tôi thấy rằng VFF và BTC giải hiện nay công việc chồng chéo, trách nhiệm thì chung chung. Cơ quan nào cũng có người đứng đầu, khi giải đấu xảy ra những tiêu cực thì người có trách nhiệm cao nhất là trưởng BTC giải, BTC giải thuộc VFF, do vậy người có trách nhiệm cao nhất ở đây là người đứng đầu VFF.
Một trong những việc quan trọng nhất của BTC giải là xử lý vi phạm, tiêu cực, nhưng theo tôi biết hiện nay BTC giải lại tổng hợp báo cáo gửi sang ban kỷ luật và ban này mới xử lý vụ việc. Khi có sự cố kỷ luật, sự cố trọng tài thì trưởng BTC, chủ tịch VFF phát biểu rằng cái này do ban kỷ luật, hội đồng trọng tài xử vì đó là các ban độc lập. Như vậy thì trách nhiệm của BTC, lãnh đạo VFF ở đâu?
Ban kỷ luật vừa kỷ luật xong lại mang sang ban khiếu nại tố cáo, ban khiếu nại tố cáo lại giảm án. Thậm chí liên tục diễn ra việc trưởng ban kỷ luật, vừa kỷ luật treo giò một cầu thủ, nhưng được vài hôm CLB người ta lên “làm việc”, cầu thủ có đơn xin giảm án thì ban kỷ luật lại giảm án.
Cơ sở, quy định nào cho những quyết định kiểu này? VFF hiện nay có người phải đi làm vì cái tâm nhưng cũng có người làm vì mục đích khác.
Một giải đấu mà có đến 6-7 đội bóng muốn rút lui, điều đó thể hiện điều gì?
- Bóng đá là sân chơi của các CLB, khi nhiều CLB cảm thấy chán nản không còn muốn chơi vì cách điều hành của BTC thì BTC và VFF phải xem lại mình. Nếu VFF không tự xem được lại mình thì phải có tổ chức cấp trên xem lại cách làm của VFF. Cách phát biểu của anh Kiên cho thấy sự bức xúc rất lớn của cá nhân anh và các doanh nghiệp đang làm bóng đá.
Trả lời Tuổi Trẻ, phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết ông Dương Nghiệp Khôi nên thôi chức trưởng giải từ mùa bóng 2012. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Cách đây bốn năm tôi đã nêu chính kiến của mình trên báo rằng anh Khôi không nên làm trưởng BTC giải. Giờ đây, tôi ủng hộ quan điểm của ông Dũng, ai bị tai tiếng, không hoàn thành tốt nhiệm vụ từ trên xuống dưới thì nên nghỉ để người khác vào làm. Nhưng nói phải đi đôi với làm, tôi nghĩ có một số trường hợp nên nghỉ hẳn (từ BTC giải), nếu để họ làm việc khác có liên quan đến giải thì vẫn y nguyên như những mùa giải trước thôi.
Tại sao ông không nghĩ tới phương án VFF nên thuê một trưởng BTC là chuyên gia trong lĩnh vực bóng đá đến từ một nền bóng đá phát triển?
- Việc này khó lắm vì trưởng BTC giải ở VN phải nắm được đường đi nước bước, chân tơ kẽ tóc của bóng đá VN. Bóng đá VN có nhiều điều người nước ngoài không nắm được.
Nổi tiếng với cái tên “Ngô Công”, không cần chờ bằng chứng hay “bắt tận tay day tận trán” mới kỷ luật, ông Ngô Tử Hà được coi là một trong những trưởng giải có tiếng trong làng bóng đá VN. Ông có 47 năm làm bóng đá, từng kinh qua các vị trí cầu thủ, giám sát, trưởng ban chuyên môn, trưởng ban tổ chức, phó chủ tịch VFF.
Theo Tuổi trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.