Nguyễn Thị Thanh Trúc: Từ nữ hoàng Muay Thái đến nhà vô địch MMA

Ngọc Linh Chủ nhật, ngày 22/01/2023 08:00 AM (GMT+7)
Đang trên sự nghiệp đỉnh cao, được mệnh danh “Nữ hoàng Muay Thái”, Nguyễn Thị Thanh Trúc phải giải nghệ do chấn thương. Nhưng nghị lực phi thường giúp cô trở lại mạnh mẽ và trở thành nhà vô địch ở môn thể thao khắc nghiệt MMA.
Bình luận 0

Năm 2022 được xem là một năm đầy thành công của cô nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khi chị nâng cao chiếc đai vô địch môn võ tổng hợp (MMA) tại giải Lion Championship 2022 vào cuối tháng 11, sau khi chiến thắng nữ võ sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh Hoa đến từ Ninh Bình bằng đòn siết cổ ở hiệp 2.

Đây là lần đầu tiên môn võ tổng hợp (MMA) được tổ chức một cách quy củ, bài bản và chính thức với cấp độ toàn quốc tại Việt Nam, khi Lion Championship diễn ra từ vòng đấu lần lượt tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và đêm chung kết rực lửa tại Phú Quốc. Do đó, không ngạc nhiên khi giải qui tụ nhiều võ sĩ anh tài như Nguyễn Trần Duy Nhất, Phạm Văn Nam, Dương Thị Thanh Bình hay Nghiêm Văn Ý (HCĐ ASIAD)…

Nguyễn Thị Thanh Trúc: Từ nữ hoàng Muay Thái đến nhà vô địch MMA  - Ảnh 1.

Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc đã chiến thắng tất cả thử thách cuộc đời bằng nghị lực phi thường của mình. Ảnh: Ngọc Linh.

Được mệnh danh là "Nữ hoàng Muay Thái" của Việt Nam với thành tích 4 HCV Muay toàn quốc liên tiếp từ năm 2013 đến 2016, HCV châu Á 2012 và đỉnh cao là HCV thế giới 2013, vô địch giải bán chuyên thế giới 2017, thế nhưng khi hỏi về việc trái tim đã có ai chưa, cô gái đến từ Đắk Lắk này luôn ỏn ẻn cười: "Em vẫn còn nợ mẹ 1 chàng rể thảo".

Sinh năm 1991, vốn không phải là con nhà nòi nghề võ khi cả ba mẹ đều là nông dân trồng cà phê tại Đắk Lắk, đến năm 19 tuổi, Thanh Trúc mới làm quen với đấm, đá khi bắt đầu học ĐH ngành thể dục thể thao tại TP.HCM. Năm 2009, Thanh Trúc cùng cô em gái sinh đôi trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chuyên ngành Giáo dục thể chất.

Khi đó, quyết định theo học giáo dục thể chất của Trúc khiến cả gia đình, thầy cô giáo bất ngờ bởi trước đó cô bị gãy chân trái phải phẫu thuật nẹp sắt vào khớp gối. Trong hai năm liền, chân trái của Trúc không thể gập lại được, hễ vận động lại đau nhức. 

Ở nhà một chị chung lớp tên Trần Thị Mỹ Nga, sống với chồng và đứa con 2 tuổi. Ông xã của Mỹ Nga là Đào Văn Thăng, một võ sư võ cổ truyền. Nhận thấy cô gái nhỏ nhắn đến từ huyện Buôn Đôn có những tố chất trở thành võ sĩ hàng đầu, HLV Thăng không ngần ngại dạy cho Trúc những đòn quyền cước căn bản.

Nguyễn Thị Thanh Trúc: Từ nữ hoàng Muay Thái đến nhà vô địch MMA  - Ảnh 2.

Chiếc đai vô địch MMA là thành quả xứng đáng cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc. Ảnh: Ngọc Linh.

Để có thể vừa học, vừa tập luyện, có ai biết được sau giờ học, cô gái được mệnh danh là nữ hoàng Muay Việt đã phải đi rửa chén, bưng bê, phục vụ quán ăn. Cực khổ vậy, thế nhưng chưa bao giờ Trúc vắng mặt tại các buổi tập luyện, cũng như đảm bảo được việc học đại học một cách trọn vẹn. 

Sự kiên trì và cố gắng của Trúc khi cô tập luyện với võ sư Muay Cao Văn Tài khiến cô lọt vào mắt xanh của HLV Giáp Trung Thang, cũng là người thầy đưa "độc cô cầu bại" Nguyễn Trần Duy Nhất đến với chiếc HCV Muay thế giới.

Từ võ cổ truyền, Trúc hòa nhập nhanh với bộ môn Muay vì có sự tương đồng cao giữa 2 môn võ này. Từ ngày đến với thầy Thang, thành công nối tiếp thành công với nhiều chiến thắng trên các võ đài trong nước lẫn quốc tế, để Thanh Trúc được giới hâm mộ đặt cho biệt hiệu "Nữ hoàng Muay" của Việt Nam. Có thể nói khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2017 là 4 năm cực kỳ thành công của cô bé đen đen, linh hoạt đến từ Buôn Đôn dưới màu áo TP.HCM.

Năm 2017, khi đang trên đỉnh cao của chiến thắng, Thanh Trúc liên tục dính chấn thương ở cả hai đầu gối, buộc phải tạm dừng việc thi đấu do gặp phải quá nhiều chấn thương từ dây chằng, sụn chép đến tràn dịch khớp gối… vì thi đấu cường độ cao. Chính sự chủ quan và không cẩn thận của Trúc khiến cô phải trả giá, tưởng chừng chấp dứt sự nghiệp.

Nhớ lại thời khăc này, Trúc nghẹn ngào: "Những ngày sau chấn thương, tôi đã suy sụp tinh thần rất nặng. Động lực lớn nhất với tôi là gia đình. Thứ 2, đó là niềm đam mê của tôi đối với võ thuật quá lớn. Chính vì thế, tôi muốn thử thách ý chí của mình, xem giới hạn của bản thân chịu đụng được tới đâu. Tôi không muốn từ bỏ trước khó khăn một cách dễ dàng như vậy. 

Tôi phải luôn nỗ lực hết sức mình khi còn có thể vì tuổi trẻ của mỗi chúng ta rất ngắn, mình không có nhiều thời gian để đắn đo suy nghĩ trước đam mê của mình rằng mình phải làm thế nào? Thế nên tôi chọn cách bước đi với nó như cách như mình đã từng bắt đầu".

Cuối năm 2017, Trúc xin rút lui khỏi đội tuyển TP.HCM để có thời gian phục hồi sức khỏe. Chi phí điều trị và thực hiện chế độ dinh dưỡng cho một võ sĩ như Trúc khá cao (vài trăm triệu) nên vừa tập vật lý trị liệu, tập võ với các HLV, Trúc còn làm thêm một vài việc để trang trải chi phí.

Được sự quan tâm của lãnh đạo ngành TDTT TP.HCM, Thanh Trúc may mắn khi có thêm sự hỗ trợ hết mình từ phía các nhà báo đã từng theo dõi từng bước đi lên đầy nghị lực của Trúc, khi nhóm nhà báo thể thao của báo Người Lao Động, Thể thao TP.HCM… ra sức vận động, tổ chức các cuộc thi đấu gây quỹ, tìm bác sĩ giỏi giúp cô chữa trị chấn thương một cách dứt điểm.

Sau 4 cuộc phẫu thuật, Trúc đã lần mò trở lại tập luyện trong sự thán phục của nhiều người, với một ý chí kiên cường. Để có thể làm quen được với sàn đấu, khi chấn thương đầu gối chưa phục hồi tốt, Thanh Trúc tìm đến bộ môn boxing. 

Tuy gặp nhiều khó khăn ở bước đầu do có sự khác biệt cơ bản, nhưng cô gái vàng vẫn nhanh chóng tìm được HCV ở ĐH TDTT TP.HCM năm 2018 dưới màu áo Phú Nhuận. Với nền tảng Muay và võ cổ truyền, Thanh Trúc đã cố gắng hết sức để phục hồi chấn thương, trở lại với môn võ sở trường của mình.

Nguyễn Thị Thanh Trúc: Từ nữ hoàng Muay Thái đến nhà vô địch MMA  - Ảnh 3.

Từng kiếm tiền sinh nhai bằng việc rửa chén bát, nay Nguyễn Thị Thanh Trúc đã kiếm hàng trăm triệu sau mỗi giải đấu khi cô giành chiến thắng. Ảnh: Ngọc Linh.

Khi phong trào võ tổng hợp (MMA) phát triển cũng là lúc cô gái Tây Nguyên lại đi tầm sư học đạo, luyện tập Nhu thuật (Jujitsu) với HLV Lê Hoàng Mai, nhằm hoàn thiện kỹ thuật địa chiến của mình. Sự chuyên cần của cô đã giúp Trúc tỏa sáng khi tham dự sự kiện võ thuật MMA chuyên nghiệp AFC21. 

Đây được xem là màn đánh dấu cho việc hợp tác giữa Liên đoàn MMA Việt Nam (VMMAF) với MMA Hàn Quốc. Xuất sắc hạ đo ván đối thủ Choi Seung Un bằng đòn siết cổ, chỉ sau 1 phút 17 giây, Thanh Trúc giúp chủ nhà có được chiến thắng duy nhất ở các trận đấu căng thẳng này. 

Cũng trong tháng 11/2022, ngoài sự kiện trên,  trận bán kết của giải Lion Championship 2022 đã làm Trúc tổn thương mắt cần tới 2-3 tuần mới bình phục, khiến cô không thể tập luyện với cường độ cao nhất. Tuy nhiên, võ sĩ người Đắk Lắk đã vượt qua để có một trận chung kết đáng nhớ để nhận chiếc đai vô địch của giải đấu MMA chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.

Xót con, thế nhưng vẫn có mặt để ủng hộ Thanh Trúc trong đêm chung kết đáng nhớ tại Phú Quốc, người mẹ già đến từ Buôn Đôn đã cổ vũ hết mình và chứng kiến niềm vui chiến thắng của cô con gái rượu. Tuy vậy, sau đêm chiến thắng, bà vẫn thở dài với câu nhắn: "Lấy chồng đi con, em gái sinh đôi con đã là một cô giáo và yên bề gia thất rồi đó!". 

Vẫn nụ cười lấp lánh sau chiếc đai vô địch, nữ hoàng Muay Việt nhỏ nhẹ cùng tôi: "Em vẫn nợ mẹ một chàng rể thảo. Có thể món nợ sẽ được trả nhưng hơi lâu anh ạ, vì những chiến thắng cho Tổ quốc vẫn đang chờ em phía trước".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem