Nguyên trưởng phòng Giáo dục Tiểu học: Sách giáo khoa khổ to nhưng bàn học còn quá nhỏ
Nguyên trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT TP.HCM: Bất hợp lý sách khổ to, bàn học lại quá nhỏ
Mỹ Quỳnh
Thứ hai, ngày 30/05/2022 15:22 PM (GMT+7)
Việc in sách giáo khoa khổ to, giấy tốt hơn cũng là theo sự tiến bộ chung của thế giới. Tuy nhiên, hiện tại sỉ số lớp học còn quá đông, bàn học nhỏ hẹp, để một cuốn sách lên bàn đã choán hết chỗ…
Những ngày qua, thông tin việc sách giáo khoa tăng giá từ 2-3 lần khiến dư luận phản ứng. Đáng nói, Bộ trưởng Bộ GDĐT lý giải, nguyên nhân sách giáo khoa tăng giá là do "khổ to, giấy tốt" càng khiến dư luận bức xúc hơn, bởi phụ huynh cho rằng, cái họ cần là kiến thức cho học sinh chứ không phải mong muốn ở chất lượng khổ, giấy.
Sỉ số đông, bàn học nhỏ, sách lại khổ to
Ông Lê Ngọc Điệp,nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, ông nhiều lần tham quan trường tiểu học tại Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha.... Ông cũng đã vào các lớp tiểu học, nhìn học sinh học bài, thậm chí ngồi chung với các em trong giờ học. Qua quan sát, ông Điệp nhận thấy sách giáo khoa mà các em sử dụng có khổ to, hình ảnh và màu sắc đẹp. Tranh minh họa bài học cũng rất phong phú, hài hoà.
Theo ông Điệp, tại các nước này, sỉ số học sinh rất thấp, chỉ khoảng 20 em/lớp. Nhiều hơn một chút như Singapore thì khoảng 30 học sinh/lớp. Phòng học của họ được xây dựng rộng rãi, có nhiều trang thiết bị, dụng cụ học tập và tủ sách. Học sinh hoàn toàn có thể để sách tại lớp mà không cần bỏ vào cặp đưa về nhà. Trong lớp, mỗi học sinh được ngồi một bàn. Nếu học theo nhóm, bàn học cũng rất rộng rãi. Học sinh trải sách ra bàn và cùng thảo luận, học tập mà không gây ảnh hưởng gì đến bạn ngồi bên cạnh...
Quay lại vấn đề sách giáo khoa trong nước, ông Điệp nhận định, lần thay sách này nhà xuất bản chọn in khổ to, giấy đẹp... là cũng theo sự tiến bộ chung của thế giới.
Thế nhưng, lớp học của chúng ta còn quá đông học sinh. Dù điều lệ của trường tiểu học là 35 học sinh/lớp, nhưng chỉ rất ít trường chuẩn Quốc gia mức độ 2, hoặc các lớp tiên tiến theo chuẩn Quốc tế đáp ứng được. Còn lại, đại đa số các lớp học đều trên 45 học sinh/lớp, thậm chí là 50 -55 học sinh/lớp. Về bàn ghế, hiện có 2-3 học sinh ngồi chung với nhau, để một cuốn sách lên là hết chỗ trên bàn học. Bạn này xích qua, bạn kia xích lại là đụng vào nhau...
Chưa kể, học sinh ở thành phố phải đeo những chiếc cặp, balo nặng trịch mỗi khi được ba mẹ chở đến và rời trường. Trong khi đó, học sinh nông thôn thì lại ì ạch "cõng" chiếc cặp đi đi, về về, thậm chí là lội sông, lội suối để đến trường.
"Nghĩ về học sinh, tôi rất thương và thấu hiểu cho nhiều hoàn cảnh. Người đang lãnh đạo, người chỉ đạo giáo dục cũng phải trăm bề cải tạo, cải tiến cho học sinh được học hành tử tế. Tuy nhiên, nếu chỉ loanh quanh thay sách, thay đổi giá tiền thì giáo dục còn lâu lắm mới so dược với khu vực và thế giới", ông Điệp nói.
Nước Úc không có sách giáo khoa
Theo lời kể của ông Lê Ngọc Điệp, cách đây hơn 20 năm, khi Bộ GDĐT thực hiện dự án thay sách giáo khoa, có 10 tỉnh thành trên cả nước thực hiện dạy thực nghiệm sách mới biên soạn. Dự án đã mời 9 trưởng phòng giáo dục tiểu học (thời điểm đó ông Điệp là phó phòng phụ trách) được đi cùng sang Úc để tìm hiểu.
Ông Điệp cho biết, ông rất ngạc nhiên khi học sinh ở đất nước này không có sách giáo khoa. Tài liệu học tập của học sinh đều do hiệu trưởng tổ chức biên soạn, trong đó, các tổ trưởng cùng với giáo viên khối lớp soạn bài dạy theo chương trình mục tiêu mà bộ giáo dục, hiệu trưởng phê duyệt và triển khai dạy học.
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng do nhà trường tự tổ chức thực hiện. Hằng năm, Bộ Giáo dục sẽ kiểm tra ngẫu nhiên vài khối lớp, kết quả kiểm tra gửi cho Hội đồng giáo dục để làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động giáo dục việc của Hiệu trưởng.
Học sinh tại đây không bị ở lại lớp. Nếu học hết lớp nhưng có môn học không đạt yêu cầu thì sẽ học môn đó ở lớp tiếp theo. Nếu học sinh có năng lực, học giỏi môn nào đó thì được kiểm tra và cho lên lớp cao hơn để học môn đó (có thể lên đến 2 lớp, ví dụ đang học lớp 2 nhưng có khả năng thì có thể lên lớp 3 hoặc lớp 4 để học môn toán).
Về quy trình tuyển hiệu trưởng trường tiểu học cũng khá đặc biệt, không do hệ thống quản lý bổ nhiệm mà do hội đồng giáo dục địa phương (nơi ngôi trường trú đóng) tuyển chọn. Theo đó, hội đồng sẽ đưa ra thông báo tuyển hiệu trưởng, ứng viên có bằng cấp và giấy phép hành nghề hiệu trưởng nộp đơn, tìm hiểu ngôi trường, đưa ra yêu cầu về quản lý, định hướng phát triển… và thuyết trình. Hội đồng sẽ bỏ phiếu để chọn ra người người quản lý nhà trường.
Hiệu trưởng được toàn quyền tuyển giáo viên để thực hiện kế hoạch giáo dục như báo cáo với hội đồng giáo dục, đồng thời có quyền khen thưởng, phạt và chấm dứt hợp đồng với giáo viên.
Ngày 25/5, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn lý giải về việc giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các loại sách giáo khoa mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GDĐT đã chỉ đạo rất "ráo riết" để giá sách giáo khoa giảm 10-15% so với năm ngoái, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.
Sở dĩ sách giáo khoa theo chương trình cũ (từ trước năm 2016) có giá rẻ hơn là vì trước đây Nhà nước đã bỏ tiền cho các khâu như biên soạn, thẩm định sách. Sách theo chương trình cũ có khổ nhỏ hơn, giấy xấu hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.