Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ĐBQH Vũ Trọng Kim nghẹn ngào đề nghị Quốc hội quan tâm một vấn đề

PVCT Thứ hai, ngày 28/03/2022 17:47 PM (GMT+7)
ĐBQH Vũ Trọng Kim (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng), hiện là Chủ tịch Trung ương Hội Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, việc khen thưởng với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ không chỉ với thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mà cả ở biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Bình luận 0

Ngày 28/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến, thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Một trong những điểm mới của dự thảo luật được bổ sung là hình thức khen thưởng kháng chiến "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Thực hiện kết luận của Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc quy định hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" cho cựu Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, trong đó làm rõ về tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Nguyên Ủy viên Trung ương, ĐBQH nghẹn ngào đề nghị Quốc hội quan tâm một vấn đề - Ảnh 1.

ĐBQH Đỗ Thị Lan. Ảnh TTBCQH

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: "Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng quy định "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" được tặng hoặc truy tặng cho thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng.

Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Phát biểu góp ý, ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị không quy định tiêu chuẩn quá "cứng" về thời gian khi khen thưởng tặng và truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Nữ ĐBQH này dẫn chứng, nhiều trường hợp tham gia thanh niên xung phong chưa đủ thời gian công tác nhưng đã hi sinh như chị Trần Thị Rạm, 1 trong 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), sẽ không được truy tặng danh hiệu Thanh niên xung phong vẻ vang.

"Không nên quy định quá cứng mà nên linh hoạt về thời gian tham gia thanh niên xung phong, về các điều kiện công nhận, tặng, truy tặng huy hiệu, huy chương Thanh niên xung phong. Có thể có quy định riêng cho những trường hợp đặc biệt, có sự đóng góp, cống hiến, thành tích lớn", đại biểu Lan đề xuất.

Cũng đề cập tới vấn đề này, ĐBQH Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho hay, ngay tại tỉnh này, 64 thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái đã anh dũng hi sinh năm 1972 khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm để chi viện cho chiến trường miền Nam.

"Hầu hết các anh, chị thanh niên xung phong kể trên hi sinh khi ở độ tuổi 18-20, trong đó có 59 thanh niên xung phong mới tham gia được 6 tháng", nữ ĐBQH này nói và cũng cho rằng, không chỉ Thái Nguyên mà ở các địa phương khác cũng có nhiều trường hợp như vậy.

Từ thực tiễn trên, ĐBQH Đoàn Thị Hảo đề nghị không nên quy định "tiêu chuẩn quá cao" về thời gian khi tặng và truy tặng "Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang" với thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhất là với thanh niên xung phong đã công nhận là liệt sĩ.

Nguyên Ủy viên Trung ương, ĐBQH nghẹn ngào đề nghị Quốc hội quan tâm một vấn đề - Ảnh 3.

ĐBQH Vũ Trọng Kim. Ảnh TTBCQH

ĐBQH Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện là Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho hay, đến giờ phút này, các cựu thanh niên xung phong rất phấn khởi và bản thân ông rất tâm đắc khi dự thảo luật quy định bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Để trọn vẹn, ĐBQH Vũ Trọng Kim đề nghị, khen thưởng cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ có thời gian "liên tục ít nhất là 1 năm" và không chỉ khen thưởng với thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mà cả ở biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Còn với thanh niên xung phong đã hi sinh được công nhận là liệt sĩ thì không quy định thời gian vì đã là liệt sĩ thì "không tính tháng, tính ngày nữa".

"Dân tộc của chúng ta đã tôn vinh các trường hợp có những phút làm nên lịch sử/Có cái chết hóa thành bất tử". Tôi hiểu rằng, chính sách liệt sĩ là chính sách vô cùng cao quý dành cho người hi sinh trọn vẹn sự sống của mình cho Tổ Quốc, họ không chỉ hi sinh tuổi trẻ, tuổi thanh xuân tươi đẹp, gia đình mất mát mãi mãi không tìm thấy đứa con, nhất là những người mẹ mang nặng đẻ đau dày công nuôi dưỡng, sinh thành", ĐBQH Vũ Trọng Kim nghẹn ngào và nói "xin một lần nữa đề nghị Quốc hội quan tâm".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem