Nhà báo can thiệp trái luật có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

Thứ ba, ngày 19/03/2013 14:10 PM (GMT+7)
Dân Việt - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi hoặc can thiệp trái pháp luật...
Bình luận 0

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và thông tin điện tử.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và thông tin điện tử là hành vi cố ý hoặc vô ý của cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí, xuất bản và thông tin điện tử mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

Đáng chú ý trong dự thảo này là việc tăng mức phạt đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và thông tin điện tử so với Nghị định số 02 được ban hành năm 2011 của Chính phủ.

Tại khoản 3 điều 5 của dự thảo quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi hoặc can thiệp trái pháp luật hoặc cản trở hoạt động đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân (tại nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 6.1.2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, khoản này chỉ bị phạt từ 3-5 triệu đồng).

Trong khi đó, tại Điều 6, về hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; b) Huỷ hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này; b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu bị thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Theo kế hoạch, việc tổ chức xin ý kiến góp ý dự thảo sẽ kết thúc vào ngày 6.4.2013; sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định để thay thế Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 6.1.2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Điều 5. Vi phạm các quy định về hoạt động nghề nghiệp, sử dụng thẻ nhà báo

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cho người khác mượn thẻ nhà báo để hoạt động báo chí;

b) Sử dụng thẻ nhà báo của người khác để hoạt động báo chí;

c) Sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa;

d) Sử dụng thẻ phóng viên nước ngoài hết hạn sử dụng hoặc không có thẻ phóng viên nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền cấp khi hoạt động báo chí.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí nhằm trục lợi.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi hoặc can thiệp trái pháp luật hoặc cản trở hoạt động đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu thẻ nhà báo đối với hành vi quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng thẻ nhà báo có thời hạn đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng thẻ nhà báo có thời hạn đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem