“Thời cuộc và văn hoá” là cuốn sách đã được nhà báo Hồ Quang Lợi tuyển chọn từ 56 bài báo được ông viết trong gần 30 năm qua, trong đó có cả những bài nhà báo trả lời phỏng vấn các báo. Cuốn sách được biên tập theo từng chủ đề rất rõ ràng để bạn đọc có thể hiểu được từ những vấn đề thời sự nóng bỏng, chấn động đời sống nhân loại như: sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đến hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh; Cuộc chiến Cosovo; Các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, nhân quyền, kỷ nguyên số với nỗi ám ảnh mạng xã hội “siêu quyền lực”... tới những vấn đề về văn hoá Hà Nội, văn hoá và báo chí.
Xuyên suốt cuốn sách “Thời cuộc và văn hoá” là tác giả muốn nói đến cốt lõi văn hoá trong cách nhìn nhận, trong cuộc sống.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà
Tại lễ ra mắt cuốn sách, nhà báo Hồ Quang Lợi nói: “Thực sự một người cầm bút như tôi cảm động và hạnh phúc vô cùng, bởi anh em, bạn bè thân thiết đã đến chúc mừng và ngồi với tôi đến giây phút cuối, đã chia sẻ những lời tâm huyết với tôi.
Những người cầm bút sẽ hiểu cầm bút thì khó nhọc như thế nào. Thức đến 2-3h sáng để viết, nhưng khi mình viết đúng tâm can của mình thì dù khổ vẫn cảm thấy vui”.
Phân tích thêm vì sao mình lại nói về văn hoá trong cuốn sách, nhà báo Hồ Quang Lợi cho hay, thời kỳ ông làm Tổng biên tập báo Hà Nội mới rồi làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội là thời gian ông hiểu về sự “nóng bức”, sự khó khăn nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào khi làm cán bộ và hiểu được Hà Nội, và từ đó văn hoá Hà Nội ngấm sâu hơn.
“Nhờ đó tôi cảm thấy mình hiểu được văn hoá Hà Nội, hiểu văn hoá Việt Nam, soi chiếu vào những vấn đề của thế giới. Và hiểu ra, khi đã gọi là giá trị văn hoá thì phải là nhân loại nhưng nó cũng rất dân tộc. Cả hai hoà quyện vào với nhau.
Cho nên cuốn sách nói về những chuyện về thế giới, chuyện về Việt Nam, về Hà Nội, những chuyện trong mỗi ngôi nhà của chúng ta. Chúng ta luôn luôn hướng tới những điều tốt đẹp, chúng ta đau khổ, chúng ta bức xúc về những điều ác, làm cho tâm hồn của chúng ta không yên. Cái gì cứu chúng ta, đó chính là văn hoá. Thế giới nhiều năm đảo lộn, chiến tranh, nhiều chuyện khủng khiếp xảy ra nhưng thế giới vẫn tồn tại, phát triển và đi lên. Cái gì khiến thế giới được như ngày hôm nay, chính là văn hoá. Chính là tinh thần của con người kết nối với nhau để không phải là con người phi nhân tính và không phải văn hoá. Có thời điểm văn hoá bị đi xuống, bị tác động của thời cuộc nhưng văn hoá không chịu yên, mà văn hoá cứu thế giới. Văn hoá là nền tảng, cái lõi để giữ cho xã hội, con người được cân bằng”.
Tại buổi lễ ra mắt sách, Tiến sĩ Phạm Quang Nghị cho biết: “Tôi nghĩ Hồ Quang Lợi là cái tên thân thuộc với bạn đọc trong cả nước đã 30 năm nay. Trong đó phần bình luận về quốc tế, về văn hoá thể hiện năng lực đặc biệt của anh. Hồ Quang Lợi đã chọn 56 bài báo đã viết trong gần 30 năm.
Nhà báo Hồ Quang Lợi rất nổi tiếng, đặc biệt về vấn đề bình luận trong nước và quốc tế. Sức sống của bài báo mang tính thời sự cũng hết sức đặc biệt. Thường thì các vấn đề càng thời sự bao nhiêu thì càng khó bền vững. Nhưng những bài viết của Hồ Quang Lợi lại kết hợp được hai năng lực đó. Anh viết về thời sự nhưng tính dẫn dắt, tính định hướng và khối lượng tri thức, kiến thức hướng dẫn cho bạn đọc rất phong phú và rất bền vững. Nên tôi nghĩ một tác phẩm báo chí từng bài hấp dẫn đã khó nhưng khi tổng hợp lại thành công trình chứa đựng chiều dài 30 năm viết của mình mà đến hôm nay đọc lại vẫn thấy thời sự, hấp dẫn là điều càng khó hơn. Và Hồ Quang Lợi đã làm được điều đó.
Hồ Quang Lợi là cây bút viết về chính luận, quốc tế nhưng cũng lại là người nhìn từ góc độ văn hoá. Đây chính là thế mạnh của Hồ Quang Lợi và bổ sung cho nhau. Anh ấy viết về thời sự nhưng rất nhuần nhuyễn, nhân văn và văn hoá. Bài viết tưởng chừng đọc lên sẽ khô khan nhưng hoá ra lại mềm mại, trở nên hấp dẫn thì đó là thế mạnh của Hồ Quang Lợi, cũng là người biết phát huy thế mạnh văn hoá trong báo chí”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.