Nhà báo Hoàng Thoại Châu: Cuộc đời với tôi như một vở kịch...

Ngọc Anh (thực hiện) Thứ năm, ngày 15/10/2015 08:11 AM (GMT+7)
Nhà báo Hoàng Thoại Châu (bút danh Ba Thợ Tiện)- một cộng tác viên thân thiết của Báo NTNN với chuyên mục “Giữa đường thấy chuyện” vừa cho ra mắt độc giả cuốn tự truyện “Sâu thẳm buồn vui” về cuộc đời làm báo của mình. Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông.
Bình luận 0

Trong cuốn tự truyện “Sâu thẳm buồn vui”, ông dành phần lớn nội dung để kể về số phận những con người ông đã gặp, từ những người lao động bình thường tới văn nghệ sĩ, trí thức và kể cả những người đã từng tra tấn ông trong lao tù. Phải chăng ông dùng cách khắc họa chân dung ấy để phần nào đó “vẽ lại” chân dung của chính mình và tầng lớp trí thức cùng thời với ông?

- Khắc họa chân dung của tầng lớp trí thức thì tôi không dám. Nhưng từ tháng 9.1975 cho đến khi về hưu, tôi làm báo là chính. Trong quá trình làm báo, tôi gặp gỡ và làm việc với nhiều anh em trí thức trong này. Rõ nhất là tôi làm việc ở nhóm Thứ Sáu do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sáng lập. Nhóm là nơi ông Kiệt tập trung rất nhiều trí thức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, làm cố vấn cho thủ tướng, góp phần rất lớn trong việc định hình một số chính sách của ta trước và sau Đổi mới.

img

Nhà báo Hoàng Thoại Châu (phải) tại buổi ra mắt cuốn sách “Sâu thẳm buồn vui” tại TP.Hồ Chí Minh.    Ảnh:   Chí Dũng

Cái gọi là “đêm trước Đổi mới” nói về sự trăn trở nói chung, trong đó có trăn trở của lớp trí thức bởi họ có tâm huyết với đất nước. Một phần trí thức rất nhỏ trong phía Nam này, là những người làm việc, sinh hoạt trong nhóm Thứ Sáu. Họ lăn xả làm việc, không có một mưu cầu lợi lộc nào hết. Họ làm, họ nói tất cả những điều họ biết, họ học, cái đó trở thành chính sách. Nói là khắc họa chân dung tầng lớp trí thức thì trong tác phẩm không nhiều, theo tôi cuốn sách không đủ tầm để làm chuyện đó.

Đọc cuốn tự truyện rất giàu chất văn học của ông, độc giả chắc sẽ đặt dấu hỏi: Cuộc đời nhà báo Hoàng Thoại Châu có thật như vậy không, lên thác, xuống ghềnh, tưởng như không còn có khúc ngoặt nào của số phận mà ông chưa từng trải qua?

- Đúng. Trong cuốn sách đã nói lên sự thật, và tôi đã kể hoàn toàn sự thật. Số phận nó cứ đưa đẩy tôi từ nhỏ đến lớn. Cuộc đời với tôi như một vở kịch và tôi đã đóng rất nhiều vai. Đời giao cho tôi vai nào cũng đẹp. Dù là một anh chăn trâu, một anh bắt ốc, một anh làm phụ hồ, một anh quét chùa, tất cả đều là sự thật. Rồi đến một thị giả cho bậc chân tu - một vị không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà nổi tiếng ở cả thế giới, hòa thượng Trí Quang. Rồi một anh tù, một anh nhà báo, một anh nhà thơ được giải lớn nhất của Sài Gòn trong giai đoạn 1967- 1969, trong giải “Văn học nghệ thuật quốc gia”, tôi đã đứng nhất ở bộ môn Thi ca với tác phẩm “Tình biển nghĩa sông”.

Trong lễ trao giải ấy, tôi đã gặp thi sĩ Vũ Hoàng Chương và Bàng Bá Lân, hai người đó đã phát hiện ra trong tác phẩm giải nhất có một bài nói về ngày mất của Bác Hồ, với một số câu thơ tôi viết ca ngợi về Bác Hồ mà bộ phận kiểm duyệt đã bỏ lọt. Đó là một câu chuyện rất thú vị.

 Như ông vừa nói, đời mình trải qua nhiều “vai diễn”. Vậy tất cả những vai diễn đó đã đóng góp gì cho ông trong sự nghiệp làm báo sau này?

- Viết lách với tôi nói cho cùng là một phương tiện. Hồi nhỏ, tôi làm thơ từ rất sớm. Lúc đó thơ là một phương tiện để… tán gái. Khi vào đại học, tôi vào Sài Gòn năm 1966 – 1967 để tham gia đấu tranh trong lực lượng sinh viên ở đô thị miền Nam. Lúc này, thơ là một phương tiện đấu tranh. Sau giải phóng, tôi bắt đầu làm báo. Làm báo lúc đó là đi xây dựng những điển hình tiên tiến. Tôi hay nói rằng giai đoạn đó là giai đoạn “làm báo minh họa”. Tức là làm báo minh họa cho một chính sách, cổ vũ cho một chính sách. Sau năm 1986, thời kỳ Đổi mới đòi hỏi những việc lành mạnh hóa, trong sạch hóa bộ máy, doanh nghiệp trong làm ăn. Nhờ vậy tôi mới có một loạt những bài viết phê phán những thói hư tật xấu  trong quản lý kinh tế -xã hội. Tôi là người đầu tiên trong làng báo chí phía Nam động đến một ông tổng cục trưởng qua một bài báo có tên “Mất chức giám đốc vì không đủ sức hối lộ cho cấp trên” trên tờ Tuổi Trẻ, điều tra qua thư bạn đọc. Bài này đã được giải Nhì (không có giải Nhất) của giải Báo chí TP.Hồ Chí Minh năm 1986.

Trong cuộc đời làm báo, ông đã giữ rất nhiều chuyên mục cho các tờ báo,  nổi tiếng nhất là bút danh Ba Thợ Tiện với chuyên mục “Nói hay đừng” trên Lao động cuối tuần và “Giữa đường thấy chuyện” trên Báo NTNN. Vậy trong cuộc đời, có lúc nào ông băn khoăn, đấu tranh trước việc nói hay đừng?

- Sự thật thì không có nhà báo nào không phải trải qua câu hỏi đó. Chính hóa giải của chuyên mục “Nói hay đừng” để làm chuyện đó. Tôi thấy chuyên mục đặt vấn đề hay rồi, có khi nói nhưng mà là không nói, có khi không nói mà là nói. Cái đó thuộc về tài năng của người viết, không nói riêng về Ba Thợ Tiện đâu. Tức là nói được vấn đề nhưng người ta không bắt được mình, đấy mới là bản lĩnh, tầm mức của nhà báo. Nghiệm lại cuối đời tôi mới thấy, viết chống còn dễ hơn viết hay. Viết phê bình túi bụi, đánh dập vùi, tơi tả thì dễ, nhưng  anh viết để cho người ta đọc rồi sửa được mới là quan trọng, còn viết mà người ta không biết đâu để sửa thì bài báo đó kém.

Quãng thời gian hơn 10 năm ông viết cho mục “Giữa đường thấy chuyện” trên Báo NTNN, mục tiêu chính là những người nông dân và những câu chuyện liên quan đến đời sống của họ. Đến bây giờ, theo ông, những vấn đề của nông dân đã được cải thiện nhiều hay chưa?

- Có nhiều việc vẫn không giải quyết gì được vì nhiều vị có trách nhiệm còn quan liêu lắm. Thời điểm đang trò chuyện với bạn, tôi ngồi giữa khu vườn ở Đồng Nai và tôi nghe tất cả, thấy tất cả những điều của người nông dân gặp phải. Họ khốn cùng, khó khăn, thiệt thòi so với thành phố. Cái đó chỉ là phần ngọn thôi, cái gốc chưa nói gì đến. Tôi nghĩ lỗi đó không phải chung chung mà do chính những cán bộ ngay từ dưới xã.

Mấy năm trước, Báo NTNN  làm được những việc rất hay qua loạt bài nổi tiếng “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp”. Bây giờ, tôi mong Báo sẽ có tiếp nhiều loạt bài xuất sắc như vậy. Hãy đi xuống cơ sở để thấy, ngày nào chưa giải quyết được căn bệnh hình thức, bệnh thành tích, báo cáo đẹp đi từ dưới ấp đi lên thì nông dân còn khổ. Tôi đề nghị các nhà báo phải đi vào mấy chỗ chưa đi xe gắn máy được mới lòi ra vấn đề hay. Diệt được bệnh “báo cáo đẹp” của chính quyền cấp thôn, cấp xã thì người nông dân mới khá lên được.

Xin cảm ơn ông!

 Cuốn tự truyện “Sâu thẳm buồn vui” của nhà báo Hoàng Thoại Châu vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành và ra mắt độc giả. Sách dày 350 trang, trong đó tác giả ghi lại những hồi ức của đời mình từ khi còn là một cậu bé nhà nghèo, thất học ở làng Giáp Ba, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó ông lưu lạc vào TP.HCM, trải qua rất nhiều khúc quanh của số phận. Từng được giải Nhất về Thi ca trong giải thưởng Văn học nghệ thuật quốc gia của chính quyền cũ nhưng nhà báo Hoàng Thoại Châu đã xuống đường đấu tranh trong phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn, bị bắt giam, đánh đập và đày ra nhà tù Côn Đảo. Sau giải phóng, ông được đón trở về thành phố và bắt đầu một cuộc đời hoạt động báo chí vô cùng sôi nổi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem