Nhà báo Thu Trang: “Vụ Hưng "Kính" hy vọng không bị bỏ lọt tội phạm”

Danh Hùng Thứ sáu, ngày 26/07/2019 06:03 AM (GMT+7)
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hưng “Kính” (tức Nguyễn Kim Hưng) và các đồng bọn liên quan đến việc bảo kê, cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên, nhà báo Nguyễn Thu Trang – người đã góp phần vạch trần những hành vi vi phạm của Hưng “kính” chia sẻ: “Điều tôi quan tâm không phải là việc lượng hình mà là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Bình luận 0

Theo dõi phiên xét xử tại tòa, nhà báo Thu Trang chia sẻ, chị cũng như các tiểu thương tại chợ Long Biên luôn mong mỏi sẽ có bản án thích đáng dành cho Hưng “kính” và đồng bọn, và thực tế là các bị cáo đều đang được đề nghị mức án cao nhất đối với khung hình phạt mà Viện Kiểm sát (VKS) đưa ra.

"Tuy nhiên, tôi đồng tình với ý kiến của Luật sư Trần Đình Triển (bảo vệ bị hại), đó là việc truy tố các đối tượng theo Khoản 1 Điều 170 của Bộ Luật hình sự là chưa thỏa đáng. Do vậy, việc tôi quan tâm nhất không phải là việc lượng hình mà là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” – nhà báo Thu Trang nhấn mạnh.

img

Bị cáo Nguyễn Kim Hưng, tức Hưng "kính" và các đồng phạm tại phiên tòa ngày 25/7. (Ảnh: P.V)

Tại phiên tòa, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: “Điều 170 quy định: Khoản 1 từ 1-5 năm tù, Khoản 2 từ 3-10 năm tù nhưng VKS truy tố Khoản 1 mà bỏ qua Khoản 2. Khoản 2 có 3 tình tiết phải xem xét. Một là có tổ chức, có bàn bạc thống nhất ăn chia tiền với nhau rất rõ ràng, tiền nộp lên BQL. Thứ 2 là có tính chất chuyên nghiệp, từ tháng 2 đến tháng 8 liên tục ép người, rõ ràng tính chuyên nghiệp được thể hiện nhưng VKS lại bỏ qua. Thứ 3 là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, chính VKS cũng khẳng định điều này trong cáo trạng”.

Về phía người bị hại, chị Nghiêm Thúy Nga khẳng định mình bị uy hiếp nặng nề nên không dám ra chợ và từng 2 lần có ý định tự tử. “Có lần trên đường đi Thanh Hóa nhận được điện báo, tôi rất hoảng loạn vì thời gian đấy tôi biết đang bị lệnh trừng phạt của Hưng “kính”. Tôi định mở cửa xe ô tô nhảy xuống đường cao tốc, may chồng tôi phát hiện nên ngăn cản”.

Khi được hỏi về yêu cầu bồi thường dân sự, chị Nghiêm Thúy Nga khóc nức nở, từ chối nhận bồi thường và nói: “Tôi có cảm giác sau khi rời phiên tòa hoặc khi các bị cáo ra tù, không biết điều gì sẽ xảy ra với tôi… Tôi từng tự tử 2 lần rồi, bồi thường làm gì”.

img

Chị Nghiêm Thúy Nga (bị hại) khóc nức nở tại tòa. (Ảnh: IT)

Trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Kim Hưng mức án từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm tù; Nguyễn Hữu Tiến từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm; Lê Thanh Hải từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Mạnh Long từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù và Dương Quốc Vương từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Tại phần tranh tụng, luật sư Trần Đình Triển bất ngờ đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra lại và yêu cầu phải xác định rõ cả trách nhiệm của Ban quản lý chợ Long Biên. Luật sư Triển cho rằng có dấu hiệu đồng phạm của những người đứng đầu BQL chợ Long Biên, khi sử dụng các đối tượng có tiền án tiền sự làm việc trong chợ và để cho việc bảo kê diễn ra kéo dài trong thời gian dài.

Luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty luật Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các luật sư bảo vệ cho người bị hại đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan nhưng những vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan tố tụng đề cập tới.

"Đây mới là những vấn đề mấu chốt trong vụ án, là nguyên nhân, điều kiện để các bị cáo dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội", luật sư Cường đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem