Nhà báo Lý Sinh Sự và hành trình "sinh sự" với những nghịch lý trong xã hội

Yến Thanh Thứ ba, ngày 18/06/2024 16:32 PM (GMT+7)
Sáng 18/6, Lễ ra mắt cuốn sách "Nói hay Đừng" và tri ân nhà báo Trần Đức Chính (bút danh Lý Sinh Sự - Hà Văn - Trần Chinh Đức), nguyên Phó Tổng biên tập báo Lao Động, Tổng Biên tập Nhà báo và Công luận đã diễn ra tại Hà Nội.
Bình luận 0

Do sức khỏe đã yếu, nhà báo Lý Sinh Sự không thể có mặt tại sự kiện. Bù lại, đông đảo đồng nghiệp, bạn bè đã có mặt để chia vui cùng gia đình ông, kể lại những ký ức đẹp đẽ và ấm áp. Đứng trên sân khấu, nhà báo Thiếu Mai (vợ của nhà báo Lý Sinh Sự) không giấu được niềm cảm kích, bà nói cuốn sách là món quà quý giá dành cho "cụ Lý", vào đúng dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), cũng là khi ông tròn tuổi 80.

Năm 1994, trên mục Nói hay Đừng của báo Lao Động bắt đầu xuất hiện cái tên Lý Sinh Sự. Lý Sinh Sự gắn liền với những bài bình luận theo phong cách "thích gây sự" - dám tuyên chiến với thói hư tật xấu và cả những nghịch lý ở đời. Những bài viết của ông xuất hiện đều đặn trên các số báo cuối tuần, cuối tháng, đặc san của một vài tờ báo khác.

Nhà báo Lý Sinh Sự và hành trình "sinh sự" với những nghịch lý trong xã hội- Ảnh 1.

Nhà báo Lưu Quang Định tặng hoa tri ân nhà báo Trần Đức Chính (bút danh Lý Sinh Sự - Hà Văn - Trần Chinh Đức) tại Lễ ra mắt cuốn sách "Nói hay Đừng". (Ảnh: Tùng Đoàn)

Sau này, người ta mới biết, Lý Sinh Sự - tác giả của hàng trăm bài báo trên mục Nói hay Đừng của báo Lao Động chính là nhà báo Trần Đức Chính (còn có bút danh (Hà Văn, Trần Chinh Đức) – nguyên Phó Tổng biên tập báo Lao Động, Tổng Biên tập Nhà báo và Công luận. Ông từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967. Từ 1968 – 1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học Đại học Văn hóa Leningrad (Liên Xô cũ). Ông công tác tại báo Lao Động từ cuối năm 1967 nhưng đến năm 1994 mới chính thức "cầm trịch" mục Nói hay Đừng trên báo Lao Động.

Chia sẻ về lý do cuốn sách ra đời, nhà báo Lưu Quang Định, nguyên Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, chủ biên của nhóm biên soạn sách Nói hay đừng cho biết: "Tết năm nào, tôi cũng cùng gia đình tới nhà "cụ Lý" nói những câu chuyện đầu xuân. Tết năm ngoái, thấy bác không còn nhanh nhẹn, chúng tôi nảy sinh ý tưởng thực hiện cuốn sách. Ấn phẩm đến từ tình cảm đặc biệt của nhóm biên soạn, cũng là những đồng nghiệp được nhà báo Trần Đức Chính hướng dẫn, dìu dắt rất nhiều trong nghề báo".

Nói về nhà báo Lý Sinh Sự, nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ, ông là người tràn đầy năng lượng và niềm vui sống, thích ăn ngon: "Cụ Lý" sinh ra để làm báo, viết như không, viết như chơi. Ông cũng là một trong những người hoạt ngôn nhất mà tôi đã gặp".

Nhà báo Lý Sinh Sự và hành trình "sinh sự" với những nghịch lý trong xã hội- Ảnh 2.

Nhà báo Trần Đình Thảo chia sẻ tại lễ ra mắt cuốn sách "Nói hay Đừng". (Ảnh: Tùng Đoàn)

Nhà báo Vũ Thu Trà, người được ông Lý Sinh Sự dìu dắt ngay từ những năm tháng đầu bước chân vào nghiệp báo bày tỏ sự kính trọng với tài năng và sự chỉn chu với nghề của bậc tiền bối. Chị nói: "Chú là người dạy tôi rằng thế nào là "rút ruột" ra để viết. Mỗi bài viết của ông, ông đều đặt bút từ những suy nghĩ sâu sắc nhất trong mình, cho tới giờ tôi vẫn chưa gặp ai như vậy".

Trong khi đó, nhà báo Trần Đình Thảo nhẩm tính rằng, trong 10 năm đầu gác mục Nói hay Đừng, đều đều như vắt tranh, mỗi ngày ông viết một bài cho chuyên mục, một tháng 30 bài, một năm 360 ngày, 10 năm 3.600 bài thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm báo chí. Đó là chưa kể ông còn có khoảng 10% bài đăng trên các báo khác, tức là trên dưới 4.000 bài tiểu phẩm.

Nhà báo Lý Sinh Sự và hành trình "sinh sự" với những nghịch lý trong xã hội- Ảnh 3.

Ảnh từ trái sang: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, PV báo NTNN/Dân Việt; Nhà báo Lưu Quang Định, nguyên TBT báo NTNN/Dân Việt, nguyên Trưởng Ban TKTS Báo Lao Động; Nhà báo Trần Duy Phương, TBT Tạp chí Lao Động và Công đoàn, nguyên Trưởng Ban TKTS Báo Lao Động; Nhà báo Vũ Thị Thu Trà - PV Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động; Nhà báo Vũ Kiều Minh, Tổng thư ký toà soạn báo NTNN/Dân Việt. (Ảnh: Tùng Đoàn)

"Nhẩm tính thì cụ Lý (cách nhà báo Trần Đức Thảo gọi nhà báo Lý Sinh Sự) đã có khoảng trên dưới 6.000 bài Nói hay Đừng đăng báo, nghĩa là cụ đã "gây sự" với xã hội, với quan chức, với cơ chế, với những điều sai quấy trong cuộc sống và gây "nghiền" cho không ít bạn đọc", nhà báo Trần Đình Thảo nói.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – người vẫn luôn yêu quý và kính trọng gọi nhà báo Trần Đức Chính – Lý Sinh Sự là "thầy" chia sẻ nhiều kỷ niệm với "cụ Lý" : "Với tôi, nhà báo Trần Đức Chính là một người thầy "kính nhi viễn chi" mà lại ảnh hưởng đến con đường nghề nghiệp của tôi rất nhiều… Dường như chuyện gì vào "tay" cụ Lý cũng sinh ra sự. Cụ lớn tuổi, lại là sếp, nên cụ giữ mục mà nhân viên nữ phụ trách chưa thấy cụ nộp là không dám đòi. Ngày nào họ cũng đòi, vì mỗi ngày một bài thì mệt quá. Tôi nghĩ đơn giản, ngày đau ốm, ngày đi ăn cỗ, ngày say rượu hoặc ngày ngủ quên rồi tụt cảm hứng… thì làm thế nào. Nghe đồn, cụ đi nước ngoài, vẫn tính được mấy ngày tới thì làng dư luận có gì "hot" (nóng), cụ đón đầu viết "Nói hay Đừng" trước, vẫn hay, vẫn hóm và vô cùng trúng phóc thời sự".

Cuốn sách "Nói hay Đừng" dày 472 trang, gồm 4 phần. Phần I tập hợp 68 bài bình luận, tiểu phẩm báo chí đã đăng trên mục "Nói hay Đừng" của báo Lao Động từ năm 1995 đến 2012 với bút danh Lý Sinh Sự. Phần II gồm 12 phóng sự đã đăng trên báo Lao Động và một số báo khác với bút danh Trần Chinh Đức. Phần III là 57 bài viết tản mạn – chuyện dọc đường với bút danh Hà Văn. Phần IV gồm các bài viết, hình ảnh kỷ niệm của 12 bạn bè, đồng nghiệp với nhà báo Trần Đức Chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem