Lâu rồi khán giả mới được xem một bộ phim hay và sâu sắc về văn hóa dân tộc Chăm. Ông có thể cho biết thông điệp của kịch bản?
Một cảnh trong phim “Trên đỉnh bình yên”. Ảnh: I.T
- “Trên đỉnh bình yên” là câu chuyện về một người đàn ông Chăm tên là Ira đã dám vượt qua nhiều phong tục cũ để quyết tạo dựng cuộc sống ấm no và giàu có bằng chính nghề truyền thống của đồng bào. Người Chăm có phong tục cấm không cho đàn ông làm gốm. Nhưng một mình Ira đã chống lại và thành công.
Trên nền tảng câu chuyện, tôi giới thiệu chế độ mẫu hệ cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm-một dân tộc rất giàu ''tính nghệ sĩ'' (lời nhà thơ Thanh Thảo). Tôi muốn giúp người Chăm cất lên tiếng nói của họ, để mọi người thấy vẻ đẹp của văn hóa cũng như con người Chăm. Thông điệp của phim là hãy quyết làm giàu trên sự sáng tạo trong chiều sâu văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bộ phim giới thiệu nhiều tình tiết sâu sắc, thú vị về đời sống văn hóa Chăm. Do đâu mà ông có được tri thức từ kho tàng về văn hóa Chăm?
- Trong phim có rất nhiều hình ảnh tuyệt vời của văn hóa Chăm như con gái cưới chồng đều nhờ bà mối. Người Chăm đón chàng rể thì đặt mâm trầu cau giữa đường vì họ cho rằng, hôn nhân là chuyện hai người tình cờ gặp nhau giữa đời.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã tìm hiểu văn hóa Chăm. Gặp được những người Chăm đầy tài hoa như nghệ sĩ Đàng Năng Thọ, Nghệ nhân Đàng Xem... trong tôi dần hình thành câu chuyện về những con người dũng cảm, sáng tạo. Khi làm phim, chúng tôi cũng mời các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm làm cố vấn.
Ông có thể kể một kỷ niệm vui trong quá trình làm phim?
"Tôi muốn giúp người Chăm cất lên tiếng nói của họ trong dân tộc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác, để mọi người thấy vẻ đẹp của văn hóa Chăm cũng như con người Chăm”.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn
|
- Trong quá trình làm phim, có rất nhiều kỷ niệm. Đặc biệt, việc đi tìm một ngôi nhà Chăm đặc trưng và có tính truyền thống rất khó. Chúng tôi phải dựng một ngôi nhà Chăm mới, có hai mái (để chống nóng). Ngoài ra phải thuê đàn cừu hàng trăm con, đàn dê hàng chục con cùng những diễn viên người Chăm để phim mang đậm chất Chăm.
Tên các nhân vật tôi vẫn để nguyên gốc là tên của người Chăm như Ira, Narin, Pandu... vì hầu như mỗi người Chăm đều có hai tên. Một tên của chính dân tộc họ và một tên gọi theo tiếng Việt. Đây là ''dấu tích'' quá trình hội nhập đời sống. Phim được quay trên chính đất Chăm như làng Bầu Trúc, dòng sông Quao, Tháp Chàm, Mỹ Sơn...
Ông muốn truyền tải điều gì với khán giả trẻ hiện nay?
- Câu chuyện này, vào khoảng năm 2008, tôi đã tặng sinh viên ngành biên kịch điện ảnh để họ làm kịch bản tốt nghiệp, nhưng không ai làm. Tôi rất tiếc và quyết định phải viết. Điều tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là hãy yêu dân tộc mình, văn hóa mình. Trong những tầng văn hóa đó, họ sẽ tìm thấy nhiều hạt ngọc có thể sánh với đỉnh cao của bất kỳ dân tộc nào. Đừng nên bắt chước, học đòi bên ngoài khi dưới chân mình không có một nền tảng vững chắc.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.